Vóc dáng nhỏ bé, luôn mang theo chiếc balô sau lưng, Nguyễn Văn Khiêm (22 tuổi) giơ đôi cánh tay đen nhẻm tươi cười: "Trước đây em trắng lắm, từ ngày đi xuyên Việt tới giờ, em đen như hòn than. Đen thế nhưng vẫn muốn đi, 30/4 tới, em dự định vào Vũng Chùa thăm mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp", Khiêm chia sẻ.
Đang là sinh viên năm cuối ĐH Mỏ - Địa chất, Nguyễn Văn Khiêm đã "bỏ túi" hàng nghìn km đường "phượt bằng xe đạp". Cậu đã đạp xe Xuyên Việt năm 2013 trên quãng đường 2.300 km trong 35 ngày; đạp xe xuyên Đông Dương chinh phục quãng đường 4.500 km trong 18 ngày, qua 10 tỉnh vòng cung Tây - Bắc bằng xe cào cào trong 12 ngày - thành tích được dân phượt đánh giá là điều không tưởng.
Cuối năm 2011, trong lần lên Hòa Bình chơi, Khiêm được bà con dân tộc mời về sống như người nhà: ăn cùng mâm, ngủ cùng chỗ, cùng làm lồng cá, chơi với trẻ em. Hơn chục ngày ấy giúp chàng trai 23 tuổi nảy sinh mong muốn phải đi thật nhiều nơi để khám phá văn hóa và cuộc sống con người.
Khiêm bắt đầu tham gia các câu lạc bộ trong và ngoài trường, tình nguyện đi nhiều nơi với mục đích để đôi mắt và trái tim được cảm nhận rõ hơn cuộc sống xung quanh. Đến giờ, chàng sinh viên năm cuối vẫn không hiểu vì sao mình luôn đi theo tiếng gọi của bản năng. "Em xách balô lên đi vì yêu thích và đam mê. Ban đầu, em nghĩ, đi để giúp cho cuộc sống có ý nghĩa, thêm câu chuyện kể với bạn bè, cho quãng đời sinh viên vui nhộn", Khiêm nói.
Trở về sau mỗi chuyến đi, hành trang của Khiêm không chỉ là câu chuyện. Cậu bảo, muốn nâng cao ý thức sống có mục đích, làm việc có đam mê và ý chí quyết tâm sẵn sàng vượt qua thử thách. Nhiều sinh viên nghe kể thấy háo hức, cũng muốn đi cùng nhưng lúc quyết định thì chần chừ bỏ cuộc vì... ngại và thấy khó khăn.
"Nếu không tự vượt qua sợ hãi của bản thân, bạn sẽ không thể phát hiện ra điều thú vị trong cuộc sống", Khiêm nói.
Nhớ lại hành trình xuyên Việt 35 ngày cùng 80 người bạn trong câu lạc bộ Mùa hè xanh cách đây một năm, Khiêm bảo bị gia đình phản đối vì "người nhỏ bé đi làm gì, ở nhà mà học hành". Còn mẹ Khiêm vạch đủ thứ khó khăn: "Đường đi dốc lắm, rồi đây con sẽ ăn ở như thế nào. Mẹ lo lắm, con ở nhà đi".
Nghĩ rằng bố mẹ vạch ra khó khăn là muốn thử thách ý chí, xem mình có thể vượt qua trở ngại đó không, Khiêm đi làm thêm để tiết kiệm tiền, lên kế hoạch chuyến đi an toàn và cam kết với gia đình sẽ bình an trở về. Ngày cậu lên đường, bố đã nhét thêm tiền vào túi con trai, còn "mẹ gọi điện suốt chuyến đi khiến em thấy yên tâm".
"Cảm giác đạp xe miệt mài 10 km và lên đến đỉnh đèo Hải Vân rất kỳ lạ", Khiêm nói. Khi nhìn sang một bên là vịnh Lăng Cô, một bên là thành phố Đà Nẵng, cả đoàn người ca vang bài Quốc ca lâng lâng tự hào. Lúc lên đến Hòn Giao (Đà Lạt) ở độ cao 1.700 m, cả đoàn rét run giữa mùa hè. Nhiều đoạn không thể đạp, mọi người lại dắt xe từ dưới chân đèo, vừa đi vừa hát vừa che cho nhau khỏi mưa...
Trước các chuyến đi, Khiêm luôn chuẩn bị thể lực và kỹ năng ứng phó với tình huống khẩn cấp. Trong túi của cậu luôn có nước, C sủi và lương khô. Những buổi tập thể lực tại sân Mỹ Đình, Khiêm cho biết, bài tập chống đẩy, bật cóc, chạy bền, đứng lên ngồi xuống giúp cậu có sức bền dẻo dai hơn khi đi đường trường.
Kể lại hành trình xuyên Đông Dương bằng xe đạp, Khiêm bảo tổng chi phí chuyến đi chỉ vỏn vẹn 3 triệu. Với phương châm tiết kiệm tối đa, cậu chủ yếu xin nghỉ nhờ nhà dân, ở trong chùa, ăn cơm chay...
"Có rất nhiều cung đường bị chệch, không giống lúc em tìm hiểu ban đầu". Khiêm kể về quãng đường đi Thái Lan dự tính chỉ 2 ngày nhưng thực tế đi hết 3 ngày 2 đêm. Ngày cuối khi cách cửa khẩu Lào hơn 40 km, cậu không dám ăn cơm vì chỉ còn 60 bath, trong khi đổi tiền rất khó khăn.
Đi đến đâu, Khiêm cũng luôn mang theo cuốn từ điển để tra cứu hoặc "chỉ vào đó" để giao tiếp. "Người nước ngoài rất thân thiện, họ sẵn sàng cho mình ăn ngủ nhờ. Em tặng họ lương khô Việt Nam như lời cảm ơn", Khiêm nói.
Tích lũy được nhiều kỹ năng sống, có thêm trải nghiệm, Khiêm lên kế hoạch đi vòng quanh thế giới bởi "chưa có có người Việt nào chinh phục năm châu bằng xe đạp". Chuyến đi dự kiến qua 64 nước ở 5 châu lục có thể kéo dài 3 năm, nhiều hơn là 6-7 năm, với quãng đường 82.000 km. Ngoài mục đích khám phá và trải nghiệm bản thân, Khiêm mong muốn được giao lưu chia sẻ văn hóa Việt Nam với thế giới.
Chàng trai trẻ cho biết, đã dự trù những khó khăn nhỏ nhất như cách chuyển hóa các thiết bị điện, hay làm thế nào thông tin cho bạn bè biết khi điện và mạng Internet không có. Muốn có chuyến đi an toàn nhất, cậu dự kiến sẽ bỏ qua những địa điểm hẻo lánh, sa mạc không người. "Em đang vạch ra những địa điểm nguy hiểm và dự kiến sẽ hạn chế quãng đường tối đa để đạt mục tiêu", Khiêm chia sẻ.
Hành trình đạp xe cào cào chinh phục cung đường Tây Bắc trong thời gian 12 ngày từ đầu năm nay giúp Khiêm rèn luyện thể lực và kiểm tra xem mình còn thiếu những gì cho chuyến đi vòng quanh thế giới.
"Dân phượt từng đánh giá, chinh phục đỉnh Ô Quy Hồ và Mã Pì Lèng bằng xe cào cào là điều không thể nhưng em đã làm được", Khiêm tự hào và khuôn mặt cậu trở nên rạng rỡ khi nghĩ đến tháng 7 này. "Bảo vệ tốt nghiệp xong, em sẽ thực hiện hành trình chinh phục thế giới bằng xe cào cào", Khiêm nói.
Hồng Nhung