Dưới đây là bà vụ tai nạn tàu bè xảy ra liên tiếp trong hơn hai tháng.
Sập nhà hàng nổi trên vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận
Vụ sập nhà hàng nổi xảy ra vào trưa 23/7 tại vịnh Vĩnh Hy, cách thành phố Phan Rang - Tháp Chàm 40 km. Khi đó, nhà hàng có khoảng 300 khách đến ăn trưa. Một chiếc tàu đáy kính chở khoảng 20 người đi qua đã va chạm vào góc phải của nhà bè sau một luồng gió mạnh, khiến hàng trăm khách hoảng sợ, chạy về phía mạn trái. Kết quả là bè bị nghiêng và sập, làm 2 người tử vong và 4 người bị thương.
Sự cố được nhiều du khách miêu tả là xảy ra rất nhanh, khu vực nhà hàng chìm sâu và chỉ có phần mái nổi lên mặt nước, nhờ đó nhiều người trèo lên để chờ cứu. "Họ hốt hoảng, la hét, mặt tái mét khi được đưa lên bờ, trong đó có nhiều phụ nữ bồng con khóc lóc", một du khách kể.
Theo Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Ninh Thuận, nhà hàng này ban đầu chỉ là bè nuôi thủy sản, dần dần chuyển sang hoạt động kinh doanh du lịch. Bè làm bằng ván gỗ, mái lợp tôn, nổi trên biển nhờ các thùng nhựa lớn gắn xung quanh. Tuy nhiên, nhà hàng nổi chưa được đăng ký, đăng kiểm.
Hiện lãnh đạo tỉnh dừng các hoạt động du lịch trong khu vực vịnh Vĩnh Hy để tiến hành điều tra, chấn chỉnh.
Chìm tàu du lịch ở sông Hàn, Đà Nẵng
Tối 4/6, tàu Thảo Vân 2 rời bến đưa khách ngắm cảnh hai bên bờ sông Hàn về đêm. Tuy nhiên chạy được khoảng 10 phút thì con tàu bất ngờ nghiêng và lật úp. Lúc đó, trên tàu chở 56 người, trong đó có nhiều gia đình đưa con đi mừng thành tích học tập và một số du khách Hàn Quốc, Malaysia. Tuy cách bờ không xa nhưng sự cố xảy ra vào đêm tối nên công tác tìm kiếm gặp khó khăn. Ba người, trong đó có 2 trẻ em tử nạn.
Theo các nhân chứng, tàu chỉ có 28 ghế nhưng đã chở quá số người quy định và không hướng dẫn khách để nhiều người dồn lên tầng 2, khiến tàu mất cân bằng và bị lật. Thảo Vân 2 do được cải hoán từ tàu cá nên là tàu du lịch nhỏ nhất trên sông Hàn hiện nay. Tuy chưa được cấp phép hoạt động, tàu đã công khai bán vé chở khách và xuất bến. Ngoài chủ tàu, hướng dẫn viên sau đó cũng bị khởi tố và bắt giam 4 tháng vì bán vé và hướng dẫn cho du khách lên tàu khi tàu này không được cấp phép vận tải hành khách.
Cháy tàu du lịch ở Hạ Long, Quảng Ninh
Không ít vụ cháy, chìm tàu từng xảy ra tại Hạ Long. Một trong những vụ nghiêm trọng nhất từ đầu năm đến nay là cháy tàu Aphrodite hôm 6/5. Khi đó tàu chở hơn 40 người, trong đó có 36 khách nước ngoài, cập cảng du lịch quốc tế Tuần Châu sau hành trình 2 ngày một đêm trên vịnh Hạ Long. Cột lửa bùng lên nhanh chóng từ boong tàu khiến hàng chục hành khách phải nhảy xuống biển thoát thân, bốn người trong số đó bị thương.
Nguyên nhân ban đầu được Phó giám đốc Cảnh sát PCCC tỉnh Quảng Ninh nhận định "thường liên quan đến chập điện hoặc sử dụng khí gas trong nấu ăn, cũng không loại trừ ý thức của khách du lịch và cán bộ nhân viên khi hút thuốc, lơ là trong phòng chống cháy nổ".
Sau vụ cháy, toàn bộ đội tàu của công ty chủ quản Aphrodite bị dừng hoạt động để phục vụ điều tra. Đơn vị này cũng bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân dựa trên bản khai và thẩm định của cơ quan chức năng.
Xem thêm: 10 tai nạn phổ biến trên đường du lịch