Thứ hai, 13/5/2024
Thứ bảy, 1/2/2020, 19:00 (GMT+7)

10 ảnh đoạt giải cuộc thi chụp dưới nước

Hệ sinh thái ít thấy trong lòng biển khiến nhiều người kinh ngạc, như cá đuối phải tìm thức ăn trong rác nhựa và những cuộc đấu tranh sinh tồn.

Bức ảnh chụp loài hải cẩu (Crabeater Seal) đoạt giải thưởng cao nhất trong cuộc thi. Tác giả Greg Lecoeur chia sẻ: "Chúng tôi khám phá Nam Cực bằng cách lặn xuống mặt nước. Ở mức -1 độ C, chúng tôi ghi lại hình ảnh các loài động vật biển trong hệ sinh thái tại đây. Dù loài vật này tên là hải cẩu cua, nhưng 95% thức ăn của chúng là nhuyễn thể".

Cuộc thi ảnh nghệ thuật dưới nước chủ đề đại dương (Ocean Art Underwater Photo Contest) lần 8 đã thu hút các tay máy từ 78 quốc gia, với tổng giá trị giải thưởng hơn 85.000 USD. Đây là một trong những cuộc thi ảnh thiên nhiên uy tín nhất thế giới được tổ chức thường niên. Ảnh: Greg Lecoeur.

Tác phẩm Blended (Pha trộn) của tác giả Talia Greis giành giải nhất hạng mục Máy ảnh compact góc rộng. "Đây là lần đầu tiên tôi trông thấy loài cá có khả năng ngụy trang bậc thầy như vậy. Chúng được biết đến với tên gọi yellow-crested weedfish, chuyển động lắc lư như rong biển với màu sắc gần tương đồng, rất khó để phân biệt chúng với môi trường xung quanh", tác giả kể lại.

Bức ảnh mang tên Seahorse Bus (tạm dịch: xe bus cá ngựa) được chụp tại bến du thuyền Blairgowrie, bang Victoria, Australia giành giải nhất hạng mục Macro cho người mới bắt đầu. "Chụp lại cảnh 6 con cá ngựa non cùng bám trên nhành cỏ biển, quay đầu về một hướng là thử thách khó khăn. Tôi vui mừng khi ghi lại được bức ảnh này vì khoảnh khắc qua nhanh, tỷ lệ sống sót của cá ngựa con rất thấp", Jules Casey - chủ nhân bức ảnh cho biết.

Tác phẩm Icerock (Băng đá) đạt giải nhì hạng mục Nước lạnh. Tobias Friedrich, tác giả bức ảnh kể: "Chúng tôi lặn bên dưới tảng băng trôi ở phía đông Greenland. Người thợ lặn mang theo vài chiếc đèn để quay video, giúp tôi có cơ hội chụp lại khoảnh khắc này". 

Bức ảnh The Story (Câu chuyện) của Wu Yung-Sen giành giải nhì hạng mục Macro chụp lại cảnh những con cá bống chanh Pygmy sống trong một chai bia bỏ đi tại eo biển Lembeh, Indonesia.

The Blue Arch (Mái vòm xanh) là tên bức ảnh giành giải nhì hạng mục Góc rộng cho người mới bắt đầu. Tác giả George Kuo-Wei Kao chia sẻ: "Đàn cá lớn được tạo nên từ những con cá mòi có kích thước rất nhỏ. Trước khi chụp bức ảnh, chúng tôi đã khảo sát một số dịch vụ lặn để có thể bắt gặp cảnh tượng này lúc sáng sớm". 

Bức ảnh Plastic Soup (súp nhựa) của tác giả Brooke Lori Pyke đoạt giải ba hạng mục Bảo tồn. "Vào mùa mưa, tôi thường xuyên trông thấy những đám rác bị cuốn từ các con sông ở Indonesia xuống biển. Con cá đuối cố gắng lọc thức ăn từ đám nhựa trôi nổi gần mặt nước. Dòng chảy mang theo những loài phù du nay có thêm cả rác thải nhựa. Tôi và nhóm lặn bị tác động mạnh mẽ khi thấy cảnh tượng này", nhiếp ảnh gia cho biết. 

Tác phẩm Eye of the Tornado (Mắt bão) giành giải ba hạng mục Góc rộng. Nhiếp ảnh gia Adam Martin kể lại: "Tôi đã mơ về cơn lốc xoáy ở biển Cabo Pulmo (Mexico) từ vài năm trước. Vào ngày lặn thứ hai khi ở đây, tôi đã gặp may mắn. Ban đầu, đàn cá tụ lại cùng nhau che khuất mặt trời rồi "chảy" từ mặt nước xuống đáy đại dương, biến thành cơn lốc xoay quanh người hướng dẫn lặn của tôi".

Bức ảnh với nhan đề Strange Encounters (Những cuộc gặp gỡ kỳ lạ) xếp thứ tư hạng mục Hành vi sinh vật biển. "Cảnh chim cốc săn cá mòi là một trong những trải nghiệm tuyệt vời nhất khi lặn ở vùng biển Los Islotes, La Paz, Mexico. Tôi đã dành một buổi chiều để lặn, tập trung vào việc nắm bắt hành vi của loài chim này. Chúng có thể thích nghi tốt với thế giới dưới nước. Trong ảnh, con chim cốc đang tăng tốc để lao vào đàn cá mòi, trong khi những con cá tách nhau ra cố gắng trốn thoát", tác giả Hannes Klostermann nhớ lại. 

Bức ảnh đạt giải Danh dự hạng mục Rạn san hô với tên gọi Glass Fish Reef ghi lại khoảnh khắc đàn cá bao phủ quanh cây san hô ở khu vực lặn Four Kings, Indonesia. Tác giả Nicholas More mô tả, đàn cá tập trung dày đặc tại đây khiến anh kinh ngạc. "Chúng di chuyển như một khối thống nhất để tránh bị ăn thịt". 

Kiều Dương

Theo The Atlantic

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net