Khi so sánh du lịch Việt Nam với các quốc gia khác, phần bình luận bài viết Lỗ hổng của du lịch Việt đã xuất hiện nhiều ý kiến tranh luận của các độc giả VnExpress.
Độc giả Lyn nói: "Tôi có nhiều bạn là người nước ngoài. Chúng tôi nói những chuyện bình thường rất vui vẻ, nhưng mỗi khi họ hỏi "đến Hà Nội nên đi du lịch ở đâu?" hay giới thiệu cho họ vài địa điểm vui chơi ở một địa phương nào đó là tôi bí.
Người nước ngoài đi du lịch ít nhất 10 ngày để khám phá, trải nghiệm địa phương nơi họ đến nhưng chúng ta không tận dụng được điều này.
Ví dụ đi dạo hồ Hoàn Kiếm muốn vào đền Ngọc Sơn vãn cảnh nhưng 5h30 chiều đã đóng cửa, các di tích lịch sử khác cũng thế. Các địa điểm khác, họ đi một lần cho biết chứ đi nhiều lần là chán.
Bên cạnh đó, hệ thống giao thông chưa đồng bộ, ít đường cao tốc, nên quãng đường di chuyển đến các tỉnh thành khác xa, mất nhiều thời gian. Chưa kể nạn chặt chém khách du lịch cũng là yếu tố bất lợi.
Dù tự hào về Việt Nam và muốn giới thiệu cho nhiều người về phong cảnh đất nước mình nhưng đôi khi cũng cảm thấy nan giải".
Trước ý kiến cho rằng du lịch Thái Lan nhiều cảnh quan nhân tạo, không bằng nhiều cảnh đẹp tự nhiên ở Việt Nam, độc giả nickname Dân đen trả lời:
"Người Thái làm du lịch với mục đích là để khách bung tiền ra tiêu xài chứ không phải để khách chỉ đi xem và ngắm cảnh như ở Việt Nam.
Cảnh quan của họ nhân tạo nhưng khách du lịch bỏ tiền ra thăm quan vẫn vui vẻ. Cảnh của Việt Nam đẹp tự nhiên nhưng lại không thu hút được khách du lịch thì cần phải xem lại vấn đề này.
Tiếp đến là giá cả. Qua Thái Lan, tôi ăn một suất cơm no, uống một chai nước suối 550ml ngay tại sân bay Bangkok tính ra chỉ tốn 60 nghìn đồng. Tôi ăn và uống giống như vậy ở sân bay Tân Sơn Nhất có giá 120 nghìn đồng, vậy tôi hỏi bạn giá ở đâu đắt hơn?".
Độc giả nickname jincrush: "Tôi du lịch Thái Lan, Malaysia, Philipines, Indonesia rẻ hơn trong nước. Đồ ăn hàng quán thì giá đắt, quần áo ít đa dạng mẫu mã, giá mắc.
Các địa điểm du lịch Việt chỉ tập trung các quán cà phê, check-in, ăn nhậu, ăn hải sản... khách quốc tế lại không thích những điều này. Các bạn xem những clip review du lịch của các Youtuber nước ngoài thì rõ: không có chỗ vui chơi, rác, đồ ăn mắc. Khách trong nước còn chán chứ nói chi khách nước ngoài".
Một số người cho rằng Thái Lan có sự khác biệt lớn về mục tiêu du lịch. Thái Lan tập trung vào việc khách hàng tiêu xài bằng cách cung cấp các hoạt động mua sắm và giải trí đa dạng, trong khi Việt Nam tập trung chủ yếu vào cảnh quan thiên nhiên.
Mặc dù cảnh đẹp của Việt Nam là tự nhiên, nhưng việc không thu hút được du khách quốc tế khiến một số người đặt dấu hỏi về sự hấp dẫn".
Độc giả R_Đ: "Chỉ mới được đi Thái, Singapore và Malaysia, tôi nhận xét về địa điểm du lịch, cảnh đẹp thì Việt Nam ăn đứt ba nước này. Đi tour Malaysia và Singapore chỉ mất năm ngày là gần như đi gần hết những địa điểm gọi là điểm nhấn du lịch.
Với Thái Lan, có nhiều địa điểm để tham quan, nhưng nếu so ra phần lớn đều là nhân tạo, ít có những nơi mang tính tự nhiên, thiên nhiên như ở Việt Nam. Về ẩm thực, đồ ăn ở Việt Nam cực kỳ đa dạng, hơn hẳn các nước kia.
Đồ ăn ở Malaysia, Singapore mang tính chất ăn để có sức đi tiếp, rất ít món mang tính địa phương phù hợp với du khách - cứ nhìn bữa buffet sáng tại khách sạn là đủ nhận xét.
Nhận xét chung, đi du lịch tại Việt Nam để trải nghiệm, thưởng thức; du lịch ở Malaysia và Singapore để mua sắm; du lịch ở Thái là ăn chơi.
Điều tôi muốn là cần cải thiện vấn đề dịch vụ tại các địa điểm du lịch, không còn sự phân biệt giữa du khách và người địa phương (nhất là giá, chi phí tiêu xài) - điều này nên học hỏi Thái Lan".
Năm 2009, mức chi tiêu của khách nước ngoài ở Việt Nam là 1.000 USD. 10 năm sau chỉ tăng lên 1,2 lần. Các khoản chi cho ăn uống, đi lại, mua sắm tăng lên nhưng chi tiêu cho giải trí, tham quan gần như không đổi.
Năm 2019 là năm "đỉnh cao" của du lịch khi Việt Nam đón 18 triệu lượt khách quốc tế. Theo Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB), trung bình một khách chi tiêu tại Việt Nam là 1.200 USD với thời gian ở trung bình hơn 9 ngày mỗi người.
Tại Thái Lan, quốc gia đón 40 triệu lượt khách quốc tế năm 2019, khách chi tiêu cao gấp đôi, đạt 2.400-2.500 USD với thời gian lưu trú trung bình tương đương.
Độc giả Bình Luận: "Tất cả những gì du lịch Việt Nam đang làm đều dựa 100% vào cảnh quan thiên nhiên. Đa phần các điểm du lịch chỉ có đi dạo ngắm cảnh và ngồi vào quán cà phê, tối qua quán lẩu rồi lại ngồi cà phê.
Trung tâm thương mại, chợ truyền thống, khu ẩm thực, phố ẩm thực, chợ đêm... gần như không có gì đặc sắc, chủ yếu vào ngắm cho vui mắt, sức mua của du khách không thấm vào đâu so với dân bản địa".
Độc giả hihihaha chỉ ra hai điểm khác biệt lớn nhất giữa du khách quốc tế và du khách nội địa: thời gian du lịch và hành trình đi lại:
"Du khách nội địa thường có quãng thời gian du lịch ngắn hơn và không cần phải đi xa để đến điểm đến du lịch. Họ cũng không mất nhiều thời gian để trở về nhà sau kỳ nghỉ.
Do đó, sau một ngày dài khám phá văn hóa, ẩm thực, di tích lịch sử và cảnh đẹp địa phương, họ thường đi ngủ sớm để có đủ sức lực cho một ngày khám phá tiếp theo hoặc để trở về nhà vào ngày hôm sau.
Ngược lại, du khách quốc tế thường có quãng thời gian du lịch dài hơn và hành trình đi lại xa hơn.
Vì vậy, họ tận hưởng từng giây, từng phút và từng ngày để trải nghiệm một cách tối đa. Họ không cần phải nghỉ ngơi mà có thể tham gia các hoạt động vui chơi suốt đêm. Cuộc sống về đêm là một phần không thể thiếu trong trải nghiệm du lịch của du khách quốc tế.
Tuy nhiên, chúng ta có điểm hạn chế trong việc cung cấp các hoạt động sôi động vào buổi tối, và điều này khiến ngành du lịch gặp khó khăn trong việc giữ chân du khách và khiến họ chi tiêu nhiều hơn.
Việt Nam hiện nay thường được du khách quốc tế chọn làm điểm dừng ngắn để tham quan, ngắm cảnh và khám phá văn hóa, ẩm thực, chứ không phải là điểm dừng dài ngày cũng như quay trở lại nhiều lần nữa.
Để du lịch phát triển và đóng góp nhiều hơn cho kinh tế quốc gia, hy vọng các cơ quan chức năng có thể giải quyết các rào cản tồn tại và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp du lịch phát triển hơn nữa".
Đa số độc giả đồng quan điểm rằng Việt Nam vẫn có lợi thế về cảnh đẹp tự nhiên và đa dạng văn hóa. Đồ ăn đa dạng và phong phú của Việt Nam cũng được đánh giá cao. Điều quan trọng là cần tận dụng những lợi thế này và đồng thời khắc phục những hạn chế để phát triển ngành du lịch Việt Nam.
Độc giả luongtan1997: "Chúng ta không thể copy mô hình như Thái Lan hay Singapore được. Nếu làm như thế mình mãi chỉ đi sau và càng ngày càng thua.
Ví như Thái Lan, Singapore lợi thế du lịch về đêm nói thẳng ra là bar club, casino... trong khi Việt Nam vẫn coi trọng tính Á Đông, không cởi mở được như vậy.
Thay vào đó tôi nghĩ lên tập trung vào điểm mạnh cảnh quan, con người hơn. Du khách có thể chơi đêm nước khác ở Đông Nam Á, nhưng nhất định phải tới Việt Nam để hòa vào dân bản địa chẳng hạn.
Chẳng mấy nước có được sự gần gũi hiếu khách như Việt Nam. Nên tôi nghĩ cần nhiều hướng dẫn viên, khu du lịch trải nghiệm hơn. Đặc biệt là biết ngoại ngữ để nói chuyện với khách".
Hữu Nghị tổng hợp
>>Bài viết không nhất thiết trùng với quan điểm VnExpress.net. Gửi bài tại đây.