Trong một chuyến thăm đến quần đảo Canary vài năm trước, Tim Pile, nhà báo chuyên viết về du lịch của SCMP trò chuyện với một hướng dẫn viên địa phương. Người này khoe vừa được chấp thuận vay thế chấp từ ngân hàng. Thời điểm đó, Pile không suy nghĩ nhiều nhưng hiện tại anh nhận ra chuyện này khác thường đến thế nào.
Pile nhận ra công việc trong ngành du lịch luôn bị trả lương thấp, và mang tính thời vụ. Bạn có thể duy trì các khoản thanh toán ngân hàng vào những tháng cao điểm, khi du khách đổ xô đến tận hưởng ánh nắng mặt trời rực rỡ. Nhưng khi thời tiết chuyển lạnh hay gió mùa, thu nhập của những người làm trong ngành cạn kiệt.
Người dân đảo Canary thật may mắn, khi quần đảo cận nhiệt đới của Tây Ban Nha nằm ngoài khơi châu Phi có khí hậu thu hút khách du lịch quanh năm, và hầu hết mọi năm. Nhưng năm nay, Pile không chắc liệu người hướng dẫn viên đó có đủ thu nhập để trả góp ngân hàng hay không.
Pile đang du lịch đảo Corfu, Hy Lạp, nơi có mùa hè vắng khách vì Covid-19. Anh ngồi cùng một người Hà Lan - đại diện của khu nghỉ dưỡng. Buổi trò chuyện bị gián đoạn khi người này nhận được tin nhắn Hy Lạp bị thêm vào danh sách đen giới hạn đi lại của Hà Lan. Tin thứ hai khiến cô ấy chết lặng: cô ấy chính thức thất nghiệp vì tình hình kinh doanh khó khăn.
Hàng năm, vào sáu tháng mùa đông không có khách, người dân phải tiết kiệm chật vật để sinh sống. Nhưng năm nay, mọi thứ dường như khó khăn hơn bao giờ hết. Dù vậy, chính phủ Hy Lạp đã hỗ trợ tài chính cho những người gặp khó khăn vì đại dịch - một viễn cảnh mà lao động ở nhiều nơi trên thế giới mơ ước.
Trên đảo Bali của Indonesia, nhiều người phải về quê làm việc trong các trang trại của gia đình cho đến khi có thể quay lại với nghề massage truyền thống, hướng dẫn hay biểu diễn phục vụ du khách. Cuộc sống tự cung tự cấp giúp họ không bị đói, nhưng họ vẫn phải đóng học phí cho con hoặc trả góp hàng tháng cho chiếc xe mới mua.
Ở Nepal, những người làm du lịch phải chịu đựng ba mùa mất thu nhập mỗi năm. Dòng du khách đầu tiên thường đến vào tháng 3. Khi gió mùa bắt đầu vào tháng 6, những phu khuân vác (porter), hướng dẫn và đầu bếp đến Ladakh làm thuê cho các công ty leo núi tại Ấn Độ. Sau đó, họ trở về Nepal cho mùa thu bận rộn. Nhưng lịch trình đó không áp dụng cho năm nay. Các chuyến tham quan, tour du lịch leo núi bị hủy bỏ, khiến 20.000 người Nepal thất nghiệp. Tệ hơn nữa, do công việc của họ chỉ là thời vụ, họ không nhận được các hỗ trợ từ mạng lưới an sinh xã hội. Rất ít trong số đó có tiền tiết kiệm dồi dào, nhiều người phải đối mặt với tình hình tài chính kiệt quệ.
Năm 2020 cũng là năm tổ chức chương trình "Năm tham quan Nepal", nhằm thu hút du khách. Nhưng lệnh hạn chế đi lại, du lịch trên toàn quốc vào tháng 3 khiến chương trình trên phải hoãn vô thời hạn. Nhiều người đã nói vui rằng, nên đổi tên là "Năm không ghé thăm Nepal".
Tại Tanzania, các hướng dẫn viên safari, tài xế, nhân viên tại công viên động vật hoang dã cũng chung cảnh ngộ với các đồng nghiệp khác trên thế giới. Năm nay là mùa leo núi Kilimanjaro "nhàn" nhất của những người làm nghề khuân vác giúp khách du lịch. Họ chỉ còn ít việc để làm như dọn dẹp các trại trên núi, tham gia các khóa đào tạo phòng ngừa Covid-19 để sẵn sàng phục vụ khách quốc tế nếu đất nước mở cửa biên giới trở lại.
Tại đất nước Gambia già cỗi, ngành du lịch ở đây phải quay cuồng với cuộc khủng hoảng do Ebola năm 2014 mang tới. Ba năm sau, Thomas Cook, hãng lữ hành nổi tiếng chịu trách nhiệm đưa gần 50% khách đến Gambia, sụp đổ. Vì vậy, vào thời điểm Covid-19 xuất hiện, quốc gia này hầu như không còn khách du lịch nào để yêu cầu họ rời đi. Nhiều quốc gia đã chuyển trọng tâm từ hút khách quốc tế sang kích cầu nội địa. Nhưng chỉ có tầng lớp trung lưu thu nhập tốt trở lên mới có thể vực dậy thị trường nội địa - điều mà Gambia thiếu.
Phong vũ biểu mới nhất của UNWTO chỉ ra ít nhất một triệu lao động mất việc trong năm nay. Đại dịch có thể dẫn đến sự sụt giảm 60 - 80% khách du lịch toàn cầu so với năm 2019, tương đương với 850 triệu - 1,1 tỷ lượt khách quốc tế. Ngành cũng có nguy cơ mất 910 - 1.200 tỷ USD doanh thu xuất khẩu từ du lịch và 100 - 120 triệu việc làm đứng trước nhiều rủi ro. UNWTO cùng Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho rằng đây là cuộc khủng hoảng sâu sắc nhất mà thị trường du lịch quốc tế phải đối mặt, kể từ năm 1950.
Nhưng những con số chỉ là phần nổi của tảng băng chìm. Chúng ta đã vô tình loại bỏ một lực lượng lao động phụ trợ hùng mạnh không kém, hưởng lợi gián tiếp từ ngành này. Đó là những người thợ chuyên sửa xe cho khách du lịch thuê; ngư dân - những người cung cấp thực phẩm thường ngày cho các hàng quán; nhân viên tại các tiệm giặt là - nơi thường nhận giặt chăn ga gối của các khách sạn...
Trước dịch, lực lượng lao động phụ trợ này có tiền để trang trải cuộc sống, từ người lái xe tuk tuk đến bán trà ven đường. Năm nay, mọi thứ khó khăn một cách nghiệt ngã. Một khách sạn trống khách không thuê người dọn phòng, cũng không có ga gối bẩn cần giặt. Một nhà hàng đóng cửa không còn cần người phục vụ hay nguồn cung hải sản cố định...
Dù vậy, vẫn có những tia sáng tích cực trong bối cảnh mọi thứ đều u ám. Các nhà tuyển dụng ở nhiều quốc gia đang cố gắng hết sức để chăm sóc nhân viên trung thành.
Ở Kenya, một số khách sạn đóng bảo hiểm y tế cho người lao động tạm nghỉ không lương, công dân Australia ở Bali biến nhà hàng, quán cà phê của họ thành ngân hàng thực phẩm miễn phí, hỗ trợ hàng nghìn người mỗi ngày. Kỳ nghỉ gián đoạn cũng mang lại cho các khu nghỉ dưỡng cơ hội hiếm có để nghỉ ngơi và hít thở. Còn chủ quán cà phê ở Corfu, nơi Tim từng ghé thăm, có dịp dùng bữa tối mùa hè cùng bạn bè và cả đối thủ kinh doanh - điều mà họ hầu như không có thời gian làm trong những năm tháng trước.
Ngành du lịch tổn thất nặng nhất trong 70 năm
Anh Minh (Theo SCMP)