Đây là nhận định của Phó tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch, Hà Văn Siêu, trong toạ đàm "Du lịch golf - lợi thế mới để Việt Nam hút khách quốc tế", được tổ chức tại Quảng Ninh, ngày 23/11.
Du lịch golf là loại hình du lịch cao cấp, kết hợp chơi golf cùng tham quan điểm đến và nghỉ dưỡng. Hiện nước ta có khoảng 100.000 người chơi golf và 100 sân golf đang hoạt động. Trong đó, 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc tế dọc đường biển dài 6.000 km, liền các khu nghỉ dưỡng sang trọng.
Hai năm trở lại đây dù ảnh hưởng bởi Covid-19, nhiều sân golf mới vẫn được khai trương tại Quảng Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Tĩnh, Bình Thuận... Trước dịch, đã có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sân golf và quần thể nghỉ dưỡng như FLC hay Vingroup với hàng loạt sân tại Quảng Ninh, Bình Định, Thanh Hóa, Hội An, Phú Quốc... Ngoài ra, Việt Nam còn có nhiều sân golf đẹp liền các khu nghỉ dưỡng biển đã hoạt động nhiều năm trước tại Quảng Nam, Khánh Hòa, Huế...
Tiềm năng mạnh mẽ của du lịch golf
Golf đang cho thấy sức hút lớn. Đây là một môn thể thao nhưng kích thích nhiều ngành kinh tế khác phát triển, đặc biệt là du lịch. Giải pháp, dịch vụ, nâng cao chất lượng, hạ tầng tốt hơn... là những điều cần thực hiện để golf tour phát triển. Golfer (người chơi golf) là đối tượng khách có điều kiện kinh tế tốt nên họ sẽ quan tâm đến các sản phẩm chất lượng.
Ông Hà Văn Siêu cho biết năm 2019, du lịch golf đã góp phần vào thành công chung của du lịch Việt Nam. Ông đánh giá, sau dịch nhu cầu của khách du lịch chơi golf còn lớn hơn vì đây là sản phẩm hợp xu thế nhờ an toàn, tránh tập trung đông người, đặc biệt thu hút khách chi tiêu cao.
"Chúng ta đang có cơ hội tái cơ cấu, làm mới ngành du lịch thì du lịch golf là một phần rất hấp dẫn. Những năm qua, số lượng khách du lịch chơi golf đang tăng. Du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại hình mà Việt Nam cần khai thác mạnh", ông Siêu nói thêm.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Văn Linh, nguyên phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam, khẳng định Việt Nam có nhiều tiềm năng cho việc phát triển du lịch golf. Thứ nhất là vị trí địa lý thuận lợi. Thứ hai là tiềm năng về văn hóa, con người. Thứ ba là sự đa dạng của nền ẩm thực. Cuối cùng là tiềm năng về hạ tầng sân golf. So với vài năm trước đây, các golfer ở Việt Nam đã gia tăng lớn về số lượng. Ông đưa ví dụ năm 2015, Bắc Giang mới chỉ có khoảng 20 golfer nhưng hiện nay đã là 200. Con số này cho thấy nhu cầu golf của người Việt ngày càng cao.
Hiện các công ty lữ hành chỉ quan tâm nhiều tới du lịch đơn thuần, chưa đi sâu vào du lịch golf dù sân golf là tổ hợp là vui chơi, giải trí, ăn uống... Nguồn nhân lực trong lĩnh vực này cũng hạn chế. Các đơn vị lữ hành cũng chưa thực sự phối hợp với nhau, mà thường chỉ nghĩ tới cạnh tranh. Họ cũng chỉ mới hướng tới khách nội địa, chưa đi sâu và còn thiếu mảng khách quốc tế. Hiện Việt Nam chỉ có khoảng 1% tổng số khách du lịch nước ngoài đến để chơi golf, so với Thái Lan là 9%.
Du lịch nội địa rồi quốc tế sẽ mở lại trong nay mai, có lộ trình an toàn, chắc chắn. Ông Siêu tin chỉ một thời gian ngắn, mọi người sẽ tự tin hơn trong việc thực hiện các hoạt động du lịch. Cụ thể, trong số 200 khách quốc tế tới Phú Quốc ngày 20/11, có 30 người chơi golf. Ông Nguyễn Mạnh Quân, Phó tổng giám đốc thường trực hãng hàng không Bamboo Airways, cho biết Tập đoàn FLC đã ký kết để đưa hơn 3.000 golfer tới Hạ Long trong quý 1/2022, theo những chuyến bay thuê bao.
Giải pháp hút khách đến Việt Nam
Thời gian tới, Việt Nam cần thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác - là ý kiến chung của nhiều chuyên gia trong lĩnh vực golf và lữ hành.
Đại diện một số công ty lữ hành cũng chia sẻ các khó khăn để phát triển du lịch golf như chưa có chính sách tạo điều kiện để phát triển hình thức này một cách chuyên nghiệp. Ngoài ra, chưa có đơn vị nào vào cuộc để có tour trọn gói cho du khách nước ngoài, trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia đã có golf tour giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ Chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành...
Đề xuất thêm giải pháp hút khách, ông Nguyễn Văn Linh cho biết cần xây dựng những sản phẩm tập trung trước vào thị trường khách nội địa vì nhu cầu lớn, dễ tiếp cận. Hiệp hội sẽ tiếp tục tổ chức một số giải đấu tại Việt Nam để hút khách nội địa. Ngoài ra, dự kiến sẽ có những liên kết với hiệp hội golf ở Nhật Bản, Hàn Quốc và lựa chọn các công ty lữ hành đưa khách vào nước ta.
"Vì chúng ta đang quan niệm golf là môn thời thượng của những người giàu có, bị đánh thuế cao, giá cao hơn so với các nước trong khu vực mà chưa nghĩ rằng đây là môn thể thao cần nhận được nhiều ưu đãi", ông Linh nói thêm.
Một số giải pháp khác được doanh nghiệp, chuyên gia đề ra là liên kết các sân golf thay vì cạnh tranh, để tạo thành vành đai trải nghiệm cho du khách. Việt Nam cần tổ chức các giải đấu quy mô quốc tế, hội thảo, khóa học golf để tiếp cận đa dạng khách nội địa và quốc tế.
Năm 2021, Việt Nam được chọn là điểm đến golf tốt nhất thế giới, hàng nghìn khách quốc tế đã đặt dịch vụ trải nghiệm sau Covid-19. Đây là lần thứ hai Việt Nam nhận danh hiệu do tổ chức World Golf Awards (WGA) trao tặng, sau lần đầu tiên vào năm 2019, vượt qua các điểm đến hàng đầu về golf như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Thái Lan, Hàn Quốc... Trước đó, Việt Nam 5 năm liên tiếp nhận danh hiệu điểm đến golf tốt nhất châu Á.
"Việt Nam có đủ khả năng để chinh phục 60 triệu khách chơi golf trên thế giới và số lượng người chơi trong nước ngày càng tăng cao", ông Lê Hùng Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Golf, nhận định.
Lan Hương