-
16h35
Cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp phát triển du lịch golf
Tổng kết toạ đàm, ông Phạm Ngọc Thuỷ, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh bày tỏ sự ấn tượng với ý kiến của các chuyên gia, đại diện Hiệp hội, doanh nghiệp, đồng thời đưa ra một số ý kiến như sau:
- Liên quan đến việc phát triển golf nói chung và du lịch golf, theo ông Thuỷ, một trong những điều kiện để nâng cao vị thế và khả năng là hoàn thiện các loại hình sân golf, tạo sự khác biệt, hấp dẫn cả về văn hóa và trải nghiệm.
- Tổ chức các giải đấu chuyên nghiệp, nghiệp dư, các hội thảo, khóa học golf để lan toả hình thức này.
- Tập trung tăng cường quảng bá, không chỉ với golf mà cả với ngành du lịch nói chung.
- Tăng cường hợp tác liên kết giữa các sân golf.
- Phát triển du lịch golf gắn với phát triển bền vững, mang lại lợi ích cho người dân ở vùng xung quanh.
- Mở rộng việc khai thác nguồn khách, trong đó có bà con kiều bào, người dân địa phương."Tinh thần chung là tạo điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp phát triển du lịch. Tôi cũng kỳ vọng du lịch golf Quảng Ninh sẽ góp phần vào thị trường golf cả nước để cạnh tranh với các quốc gia trên thế giới", ông Thuỷ nhấn mạnh cuối buổi toạ đàm.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam, nhu cầu đi du lịch của xã hội sau thời gian dài giãn cách xã hội tăng cao, do đó, vấn đề được bàn trong hôm nay kịp thời. Ông đánh giá cao nỗ lực sáng kiến của FLC cùng tỉnh Quảng Ninh khi tổ chức sự kiện này.
Ông thấy rõ nhu cầu tiềm năng to lớn để phát triển du lịch golf ở Việt Nam. Chúng ta đang có cơ hội để tái cơ cấu, làm mới ngành du lịch thì du lịch golf rất hấp dẫn. Những năm qua, số lượng người du lịch, khách du lịch chơi golf khá cao. Du lịch golf trong bối cảnh bình thường mới được đánh giá là loại du lịch an toàn, hiệu quả và có lợi thế mà Việt Nam cần được khai thác.
Dù còn một số hạn chế về chính sách, nhận thức, điều kiện phát triển... nhưng sau buổi tọa đàm này, ông cho rằng những hạn chế với du lịch golf sẽ từng bước được tháo gỡ. Một điều nữa là cần truyền thông về du lịch golf để mọi người hiểu hơn, chơi golf và có sáng kiến, ý tưởng phát triển hình thức này.
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam cho rằng dù trước hay sau covid, sự kết nối giữa điểm đến, sân golf, hãng hàng không... là rất quan trọng. Ông ghi nhận kiến nghị của các đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, cần có chính sách để thu hút khách du lịch golf đến với Việt Nam nói chung và Quảng NInh, Hải Phòng... nói riêng.
Đối với Quảng Ninh, ông lắng nghe tiếng nói của doanh nghiệp, lữ hành, hiệp hội du lịch golf... để có phương án, lộ trình, kế hoạch để kết nối với địa phương sớm và an toàn nhất. Ông cũng đề nghị doanh nghiệp vào cuộc, đồng hành với chính quyền để cùng hành động, cùng tiếng nói, cùng nhau giải bài toán trong bối cảnh du lịch mới. Các doanh nghiệp cần có sự đồng hành, kết nối với nhau.
Đối với các cơ quan truyền thông, ông mong muốn sẽ cùng ngành du lịch địa phương thực hiện tốt truyền thông du lịch quốc tế, truyền thông mạnh mẽ, sâu đậm hơn về du lịch golf.
Kết thúc toạ đàm là lễ ký kết hợp tác toàn diện giữa FLC Biscom và sân golf Tuần Châu.
-
16h20
Đại diện doanh nghiệp đưa kiến nghị
Đề xuất phát triển du lịch golf Việt Nam, ông Đỗ Việt Hùng- Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom đưa ý kiến:
- Với golf tour nói riêng và du lịch hộ chiếu xanh nói chung, đại diện FLC mong muốn Chính phủ, Bộ Văn hoá Thể thao Du lịch, Tổng cục Du lịch, đẩy nhanh chính sách mở rộng giai đoạn 2 các tỉnh được đón khách quốc tế. Các địa phương phối hợp với doanh nghiệp, đón khách an toàn.
- Hiệp hội golf Việt Nam cần hỗ trợ quảng bá kết hợp các sân golf, tạo thành vành đai, tour tuyến không chỉ đón khách du lịch nước ngoài mà còn cả khách du lịch trong nước, để tạo thêm trải nghiệm cho golfer.
- Với tỉnh Quảng Ninh, FLC đề xuất và mong muốn tỉnh có bộ hướng dẫn chi tiết cho các công ty lữ hành đón khách quốc tế theo chuẩn.
Ông Đinh Hữu Chung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tuần Châu, cho biết, thời gian qua, sở ban ngành tỉnh Quảng Ninh đã hỗ trợ sát sao cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, ông cũng kiến nghị Quảng Ninh cần phân loại luồng xanh du lịch, linh hoạt trong việc đón khách từ các vùng khác vào Quảng Ninh.
-
16h15
Du lịch golf nên hướng tới khách nội địa
Ông Nguyễn Văn Linh, Nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Golf Việt Nam cho biết bên cạnh thuận lợi, du lịch golf còn gặp những thách thức. Vì chúng ta đang quan niệm golf là môn thời thượng, của những người giàu có, do đó, bị đánh thuế cao nên giá cao hơn so với các nước trong khu vực. Chúng ta chưa quan niệm đây là môn thể thao và cần nhận được ưu đãi.
Theo ông, muốn golf vào được Việt Nam, thì cần giảm thuế và vai trò quyết định là của các công ty lữ hành. Bởi khâu kết nối của công ty lữ hành với hàng không, sân golf, các địa điểm đến, nhà hàng, khách sạn... rất quan trọng. Hiệp hội đang thí điểm chọn 1, 2 công ty lữ hành để làm công việc kết nối này. Tiếp theo, chúng ta cần phải có các giải golf với giải thưởng đủ hấp dẫn với các golfer.
Hiện nay, các công ty lữ hành chỉ quan tâm nhiều tới du lịch đơn thuần, chưa đi sâu vào du lịch golf dù sân golf là tổ hợp là vui chơi, giải trí, ăn uống... và nguồn nhân lực hiện cũng bị hạn chế. Các đơn vị lữ hành cũng chưa thực sự phối hợp với nhau, thay vì chỉ nghĩ tới cạnh tranh.
Ông Linh cho rằng du lịch golf nên hướng tới khách nội địa, chứ không chỉ khách nước ngoài. Đây là phân khúc cực kỳ lớn mà dễ dàng tiếp cận nhất. Sắp tới, hiệp hội chúng tôi dự kiến:
- Ký kết với hiệp hội golf Hàn Quốc, Nhật Bản và chọn các công ty lữ hành để phối hợp với họ đưa khách du lịch vào Việt Nam.
- Đẩy mạnh khách nội địa.
- Tổ chức một số giải golf tại Việt NamÔng hy vọng sẽ mời được các golfer của thế giới đến để nâng tầm thương hiệu.
-
16h05
Hải Phòng cố gắng là điểm đến thứ 8 đón du khách quốc tế
Ông Trần Văn Ngọc, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cho biết, tỉnh này đã sẵn sàng phối kết hợp với Quảng Ninh để thực hiện các golftour. Theo ông Ngọc, golf kéo theo nhiều dịch vụ khác phát triển và hưởng lợi. Trong quý I năm sau, Hải Phòng sẽ có đề án trở thành địa điểm đón khách du lịch sớm nhất, cố gắng trở thành điểm đến thứ 8 đón khách du lịch quốc tế.
Ngành golf đang cho thấy sức hút lớn. Đây là môn thể thao nhưng kích thích ngành kinh tế khác phát triển. Giải pháp, về dịch vụ, việc giảm giá, nâng cao chất lượng dịch vụ là đương nhiên nhưng cũng phải làm sao cho hạ tầng ngành golf tốt hơn nữa. Theo đại diện Sở Du lịch Hải Phòng, tỉnh này đang nằm trong top 10 tỉnh thành có tỷ lệ người chơi golf lớn trên cả nước với 3 sân golf chính đang hoạt động bên cạnh những sân nhỏ và sân đang tiếp tục xây dựng. Dự kiến, đến cuối năm 2022, Hải Phòng sẽ có 6 sân golf chính.
"Toạ đàm hôm nay là cơ hội để hợp tác giữa Quảng Ninh, Hải Phòng, tạo ra các tour, trải nghiệm mua sắm, trải nghiệm văn hóa vùng miền", ông Ngọc chia sẻ. Tuy nhiên, Phó giám đốc Sở Du lịch Hải Phòng cũng chia sẻ băn khoăn về việc phát triển hệ thống đường thuỷ của Hải Phòng- Quảng Ninh trong việc kết nối để thực hiện các tour trải nghiệm cho du khách quốc tế.
-
16h00
Níu chân du khách trong 7 ngày là một thách thức lớn
Ông Nguyễn Mạnh Quân – Phó tổng giám đốc thường trực Hãng hàng không Bamboo Airways cho rằng việc tổ chức các tour du lịch để giữ chân khách hàng trong 7 ngày là một thách thức, đặc biệt là du lịch golf.
Chúng ta cần hiểu du khách nghĩ gì? Thứ 1, người ta chỉ trải nghiệm du lịch trong thời gian ngắn. Thứ 2, điểm đến dự kiện có an toàn không. Với điều này, chúng ta cần phải chứng minh bằng các con số, tiêm chủng... Bên cạnh đó, khi có vấn đề, chúng ta cũng cần đưa ra cách xử lý, ứng phó.
Thực tế cho thấy Quảng Ninh có 3 sân golf, một sân ở rất xa, còn tại thành phố có 2 sân. Tour phổ biến 5 ngày mà chơi có 2 sân là thiếu. Theo tôi, tour thiết kế về Quảng Ninh "đẹp nhất" hiện nay llà kết hợp giữa golf và du thuyền. Trong quý 1, ông cho biết đã đã ký hợp đồng, đưa hơn 3.000 golfer về Hạ Long. Ông mong rằng sẽ ký thêm 3 - 4 hợp đồng nữa.
Ông mong rằng các nhà chức trách cũng nhìn thấy khó khăn của doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài khi họ tổ chức tour đưa du khách tới Việt Nam chơi golf. Đây là cơ hội tốt để chúng ta quảng bá du lịch trong thời kỳ mới và cũng là bước để doanh nghiệp lữ hành vượt ngưỡng, hoạt động trong thời kỳ bình thường mới.
Đáp lại câu trả lời của ông Nguyễn Mạnh Quân, ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết năm 2019, 350.000 khách Hàn Quốc đến Quảng Ninh, thì phần lớn đều đến thăm Yên Tử vì phù hợp với nhu cầu du lịch tâm linh của họ. Ngoài ra, ông cho biết sẽ ghép thêm trải nghiệm du thuyền trong du lịch golf.
-
15h47
Hệ sinh thái khép kín giúp FLC triển khai các combo dịch vụ toàn diện
Tiếp nối toạ đàm, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom chia sẻ về hạ tầng cơ sở của FLC. FLC Hạ Long là quần thể với quy mô hơn 200ha gồm hơn 30 hạng mục cao cấp tiêu chuẩn quốc tế, gần 700 phòng đáp ứng khoảng 1.500 khách với 300 biệt thự, sân golf tiêu chuẩn 5 sao 18 hố, phòng gym, du thuyền 5 sao trải nghiệm tại vịnh Hạ Long. Các golfer có thể chơi golf và trải nghiệm các dịch vụ đẳng cấp.
Về an toàn vệ sinh dịch tễ, hơn 1.500 cán bộ nhân viên tại FLC Hạ Long đã được tiêm 2 mũi vaccine. Đơn vị cũng đã có kinh nghiệm đón các đoàn cách ly hơn 1 năm qua với quy trình khép kín khi đón khách từ sân bay về khách sạn. Hệ thống của tập đoàn hình thành hệ sinh thái khép kín. Đây là lợi thế lớn của FLC.
Về sự chuẩn bị sản phẩm golf: FLC đã đã ký hợp đồng với gần 30 charter bay từ Hàn Quốc, đón đoàn khách từ Hàn Quốc đến Hạ Long đánh golf. Với các đoàn khách này, FLC Hạ Long đã có các gói dịch vụ trải nghiệm toàn diện như combo 4 ngày 3 đêm hay dài nhất là 8 ngày 7 đêm với giá gói gọn khoảng 780 USD.
Hệ thống FLC đã chuẩn bị sẵn sàng và đủ điều kiện về nhân lực, hạ tầng và quy trình an toàn cũng như hệ thống sản phẩm đa dạng, hấp dẫn để đón khách quốc tế, bao gồm khách chơi golf. Golf tour là một trong những sản phẩm cốt lõi, một trong những key chính trong bài toán mở cửa du lịch quốc tế của Việt Nam. Để xúc tiến và kích cầu được phân khúc này thì cần có sự hỗ trợ, xem xét từ phía cơ quan quản lý cho một số vấn đề, ví dụ sớm ban hành quy chuẩn thống nhất về việc đón khách quốc tế. Tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho khách golf như: vấn đề nhập cảnh; nghiên cứu cấp phép cho các tour golf trọn gói có thời gian ngắn hơn (ví dụ như 4N3Đ), thay vì yêu cầu thời gian 7 ngày như hiện nay...Ngoài ra cũng cần xem xét điều chỉnh mức giá của tour golf phải phù hợp nhất, so với mặt bằng chung của Đông Nam Á bằng hoặc thấp hơn.
Việt Nam đang trở thành một điểm đến về du lịch golf hấp dẫn hàng đầu thế giới. Với tiềm năng và tốc độ tăng trưởng nhanh, du lịch golf tại Việt Nam hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với nhiều quốc gia trong khu vực để thu hút dòng khách golf cao cấp, có khả năng chi trả cao gấp nhiều lần so với khách quốc tế thông thường. Bản đồ golf của Việt Nam đang ngày càng mở rộng với những điểm đến nổi tiếng như Đà Nẵng, Khánh Hoà, Bình Định, Thanh Hoá, Quảng Bình...hay đặc biệt là điểm đến mà chúng ta đang có mặt: Quảng Ninh. Quảng Ninh sở hữu hệ thống sân golf tiêu chuẩn quốc tế như FLC Golf Club Halong; Sân golf Tuần Châu...cùng nhiều tổ hợp, quần thể nghỉ dưỡng 5 sao quy mô lớn. Đây chắc chắn sẽ là một trong những lợi thế nổi bật để Quảng Ninh thu hút dòng khách quốc tế trở lại, đặc biệt từ những thị trường có nhu cầu du lịch golf cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc ...Vấn đề còn lại là sự phối hợp, kết nối giữa các bên để có thể khai thác được dòng khách này một cách hiệu quả nhất trong bối cảnh mới.
-
15h40
Quảng Ninh tự tin đón khách quốc tế
Ông Phạm Ngọc Thủy - Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, Quảng Ninh tự tin đón khách quốc tế. Đặc biệt trong việc đón khách và thực hiện cách ly, tỉnh đã có kinh nghiệm đón 238 chuyến với hơn 5.000 người. Tới nay, tỉnh đang cụ thể hóa kế hoạch đón khách để an toàn và hiệu quả nhất. Bài toán ở đây là quảng bá, xúc tiến để tập trung vào nguồn khách nào để khai thác hiệu quả nhất.
Trong những ngày gần đây, ngoài trực tiếp làm việc với các đơn vị ở Hà Nội, TP HCM để đưa ra giải pháp, tỉnh cũng theo dõi rất sát việc Phú Quốc, Quảng Nam đón khách để có thêm kinh nghiệm. Khi tập đoàn FLC đề xuất đi đầu đón khách quốc tế chơi golf, Sở du lịch Quảng Ninh hoàn toàn ủng hộ và tán thành. Liên quan đến thời gian cách ly 7 ngày, ông Thuỷ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo Tổng cục Du lịch. Theo đó, đây là khoảng thời gian đủ để khách du lịch, đảm bảo điều kiện y tế trước khi du lịch hoặc thăm thân ở địa bàn khác. Đoàn khách chơi golf đi 3-4 ngày và trở về nước thì không sao.
"Tôi đề xuất cơ quan quản lý nhà nước ủng hộ cách khai thác này. Bây giờ chúng ta nhìn thấy đối tượng khách rồi, chúng tôi có sân bay Vân Đồn đón khách Hàn Quốc dễ dàng thì cần các đơn vị cung cấp và đồng bộ của cả hệ thống của cơ sở dịch vụ để có mức giá tốt nhất", ông Thuỷ nói.
-
15h35
Các sân golf cần sẵn sàng để đón du khách
Ông Hà Văn Siêu cho rằng khi được thí điểm mở cửa đón khách quốc tế, trong số 200 khách tới Phú Quốc, có đến 30 du khách tới để chơi golf là con số rất lớn, từ đó, cho thấy xu hướng du lịch golf.
Theo ông, các địa phương cần đa dạng sản phẩm, sân golf cần sẵn sàng để đón khách du lịch. Bài toán đề ra là tăng cường sự kết nối. Trong đó, chúng ta cần ứng dụng mạnh công nghệ để kết nối thuận tiện nhất về thông tin, giao lưu câu lạc bộ golf. Những hoạt động của sân golf này kết nối với sân golf khác, địa bàn khác. Chính quyền cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp, lữ hành kết nối với nhau để mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.
Trong thời gian tới, chúng ta cần phải thực hiện nhanh, tự tin, thúc đẩy du lịch golf để thu hút du khách. Nếu không nắm bắt tốt các cơ hội, chúng ta sẽ để tuột mất và du khách có thể tìm tới những nơi khác.
-
15h30
Khai thác tiềm năng du lịch golf gắn với phát triển kinh tế
Trước khi phiên một của toạ đàm kết thúc, ông Đỗ Việt Hùng, Phó tổng giám đốc FLC, Tổng giám đốc FLC Biscom cho biết, ngoài nhu cầu, tiềm năng về golf tour, ông Hùng mong muốn mọi người có cái nhìn rộng hơn về golf, gắn liền golf về sự phát triển với kinh tế xã hội.
"Ngoài du lịch golf, đây là cơ hội để các kiếm thị trường, tìm kiếm đầu tư, hợp tác của các golfer. Bởi Việt Nam còn dư địa lớn với đường bờ biển đẹp, tiềm năng khí hậu, ẩm thực cùng với hệ thống 70 sân golf. Tôi hy vọng, toạ đàm hôm nay sẽ đẩy câu chuyện golf không chỉ dừng lại ở du lịch mà còn mở rộng với sự đóng góp cho nền kinh tế", ông Hùng chia sẻ.
Cũng theo ông Hùng, ngoài thị trường Đông Bắc Á, Việt Nam cần hướng đến cộng đồng người Việt ở các nước sở tại, bởi họ cũng có nhu cầu thực hiện các golf tour tại Việt Nam.
-
15h25
Cần có chính sách và sản phẩm tốt hơn để hút khách
Ông Nguyễn Anh Chiến - Phụ trách Ban Điện tử Báo Thể thao Việt Nam cho biết, golfer là đối tượng khách có điều kiện kinh tế tốt, họ quan tâm đến sản phẩm tốt, đặc biệt là ở Việt Nam có hơn 6.000 km bờ biển, theo đó là hàng loạt sân golf Hạ Long, Quảng Bình, Quy Nhơn hình thành dọc theo đó. Trong giải pháp để du lịch golf hấp dẫn hơn, ông Chiến đánh giá cao bước đi của tập đoàn FLC khi tổ chức giải đấu hấp dẫn kéo dài cả tuần, thu hút hàng nghìn người chơi. Trong đó có giải thưởng 4 xe Mercedes, kích thích nhu cầu chơi golf. Sản phẩm du lịch đi kèm là nghỉ dưỡng trong phòng 5 sao, nhà hàng, spa ngay trong quần thể để họ có thể đi cùng gia đình.
Về vấn đề này, ông Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Vietfoot Travel chia sẻ, h một tháng qua, Vietfoot Travel đã làm việc với hãng hàng không Bamboo, tập đoàn FLC về việc đưa khách Nhật Bản vào Việt Nam. "Việt Nam có đến 32 sân golf tiêu chuẩn quốc tế 5 sao không gian đẹp với 6.000 km đường bờ biển. Chúng ta cần tận dụng điều đó để phát triển so với các nước Thái Lan, Malaysia...", ông Nghĩa nói.
Tuy nhiên, đại diện Vietfoot Travel cũng chia sẻ một số hạn chế như chưa có chính sách để tạo điều kiện phát triển golf chuyên nghiệp. Thứ 2 là chưa có đơn vị nào vào cuộc để có tour trọn gói cho du khách từ Hàn Quốc, Nhật Bản trong khi đó ở Thái Lan, Malaysia đã có tour trọn gói giá tốt, nhờ sự vào cuộc từ Chính phủ, hệ thống cung ứng khách sạn, nhà hàng, đơn vị lữ hành. "Chúng tôi đang bàn thảo để gói giá cạnh tranh và sớm có những chuyến bay charter để đón khách Nhật, khi họ mở cửa trở lại", ông Nghĩa bày tỏ.