Kết thúc 5 ngày kỳ nghỉ lễ 30/4 và 1/5, các bãi biển Sầm Sơn - Thanh Hóa, Cửa Lò - Nghệ An, Thiên Cầm - Hà Tĩnh, Nha Trang - Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu đều đón lượng khách lớn.
Tỷ lệ kín phòng tại các bãi biển đều đạt trên 90%, có nơi 100%. Trong đó, có địa phương đạt tỷ lệ tăng trưởng, bao gồm cả khách lưu trú và tham quan, hơn 60% so với năm ngoái, nhiều địa phương đạt gần 1 triệu lượt khách.
Theo Cục Du lịch quốc gia, cả dịp lễ có khoảng 8 triệu lượt khách, tăng 14,2% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó có khoảng 3,6 triệu lượt khách có lưu trú.
Thanh Hóa là địa phương đón đông khách nhất trong các địa phương du lịch biển với trên 1,5 triệu lượt trong 5 ngày nghỉ, tăng hơn 27% so với cùng kỳ. Lượng lớn khách du lịch ở thành phố Sầm Sơn nhiều nhất với 905.000 lượt, thị xã Nghi Sơn, biển Hải Tiến đón gần 90.000 lượt.
Các khu du lịch sinh thái, di tích trên địa bàn tỉnh như Thành nhà Hồ, Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cũng đón hơn 10.000 lượt khách tham quan. Công suất sử dụng phòng trên địa bàn tỉnh trong dịp nghỉ lễ đạt khoảng 82,5%. Tổng doanh thu du lịch của Thanh Hóa dịp lễ này đạt hơn 3.800 tỷ đồng, tăng gần 33% so với cùng kỳ 2023.
Hà Tĩnh là địa phương có tỷ lệ khách tăng cao nhất cả nước, 68% so với cùng kỳ, đạt khoảng 603.000 lượt, chủ yếu tập trung vào các bãi biển. Gần 85% lượng khách sử dụng dịch vụ lưu trú khiến hầu hết hệ thống khách sạn, nhà nghỉ của các khu du lịch biển trên địa bàn quá tải. Ở biển Thiên Cầm, trong 3 ngày đầu nghỉ lễ, có trên 60.000 du khách và người dân về tham quan và tắm biển. Tỷ lệ kín phòng đạt 100%.
Một số địa phương khác trong tỉnh có lượng khách tham quan, nghỉ dưỡng đông như Nghi Xuân 180.000 lượt (tăng hơn gấp đôi so với năm 2023), thị xã Kỳ Anh 150.000 lượt, Cẩm Xuyên 150.000 lượt.
Nghệ An đón 950.000 lượt khách, tăng 22% so với năm 2023, trong đó khách lưu trú ước đạt 350.000 lượt. Tổng thu du lịch hơn 1.700 tỷ đồng. Biển Cửa Lò là điểm hút khách nhất tại Nghệ An. Trung bình dịp nghỉ lễ mỗi ngày có hơn 40.000 lượt người. Bất chấp thời tiết nắng nóng, nhiều thời điểm Cửa Lò "ken đặc người". Các bãi biển khác trong tỉnh như Diễn Thành, Diễn Châu hay các điểm du lịch sinh thái ở Nghệ An cũng thường xuyên tấp nập du khách.
Du khách đến Nghệ An cũng kết hợp tham quan các khu du lịch. Ông Nguyễn Bảo Tuấn, Giám đốc Khu di tích đặc biệt Quốc gia Kim Liên, huyện Nam Đàn, cho biết năm nay số lượng du khách về quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng tăng so với những năm trước. Trung bình mỗi ngày có khoảng 15.000 lượt.
Cùng với Nghệ An, Khánh Hòa cũng đạt gần 1 triệu lượt du khách, khoảng 970.000 lượt, tăng 21% so với năm ngoái. Tỷ lệ khách nội địa di chuyển bằng đường hàng không giảm 20% do giá vé máy bay tăng cao, nhưng do cao tốc Cam Lâm - Vĩnh Hảo mới khánh thành, giúp thời gian di chuyển từ TP HCM giảm từ 8 tiếng xuống 5 tiếng nên Khánh Hòa thu hút được lượng khách lớn từ các tỉnh phía Nam. Tỷ lệ khách lưu trú trung bình toàn tỉnh đạt gần 90%.
Tổng lượng khách tham quan, lưu trú tại Đà Nẵng trong 5 ngày nghỉ lễ đạt hơn 336.000 lượt, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt khoảng 72.000 lượt, tăng hơn 2 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu du lịch của Đà Nẵng sau 5 ngày khoảng 1.336 tỷ đồng, tăng gần 13% so với cùng kỳ năm 2023.
Đáng chú ý, số khách du lịch đến Đà Nẵng bằng tàu hỏa tăng hơn 60% so với cùng kỳ năm 2023 với hơn 16.000 lượt. Lượng khách di chuyển bằng đường bộ, đặc biệt là phương tiện tự túc cũng tăng cao. Công suất chung khối cơ sở lưu trú du lịch 4-5 sao và tương đương đạt 70%.
Tại khu vực phía Nam, các bãi biển của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thu hút khoảng 626.000 lượt khách, tăng 25% so với cùng kỳ, công suất buồng đạt hơn 90% toàn tỉnh. Ông Phạm Khắc Tộ, Giám đốc Trung tâm quản lý và hỗ trợ khách du lịch TP Vũng Tàu, cho hay lượng khách đến TP Vũng Tàu chiếm 46% tổng lượng khách của toàn tỉnh, tăng 38% so với năm ngoái. Tổng doanh thu du lịch trong dịp nghỉ lễ của Bà Rịa - Vũng Tàu ước đạt 668 tỷ đồng, tăng hơn 12% so cùng kỳ năm 2023. Công suất buồng khoảng 80-95% toàn tỉnh, doanh thu lưu trú đạt 412 tỷ đồng.
Bình Thuận đón 220.000 lượt khách tham quan, lưu trú tăng khoảng 25% so với năm 2023, công suất phòng khoảng 75 - 95%, resort 3-5 sao và tương đương công suất phòng đạt 95-100%. Doanh thu 5 ngày ước khoảng 420 tỷ đồng. Trong dịp lễ, giá các loại dịch vụ, giá phòng tăng từ 20% - 50%, giá hải sản tăng theo thời vụ.
Thời tiết nắng nóng khắp cả nước cũng khiến du khách cũng tìm đến những nơi trốn nóng như miền núi và cao nguyên. Các địa danh như Sa Pa (Lào Cai), Đà Lạt (Lâm Đồng) hay Măng Đen (Kon Tum) cũng thu hút một lượng khách lớn, nhưng tỷ lệ khách lưu trú không cao bằng các thành phố biển. Khách lưu trú ở Lào Cai đạt khoảng 65% (riêng Sa Pa hơn 80%), Đà Lạt gần 80% và Măng Đen hơn 90%.
Theo đánh giá của một số chuyên gia du lịch, vé máy bay tăng cao, khách chủ yếu sử dụng phương tiện giao thông đường bộ, nên có thể nhận thấy các điểm đến cách Hà Nội và TP HCM 300-400 km có lượng khách tăng đột biến. Trong khi đó các tỉnh thành miền Trung như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, hay Kiên Giang (bao gồm đảo Phú Quốc), lượng khách tăng nhẹ hoặc giảm.
Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Quảng Nam cho biết toàn tỉnh có 233.000 lượt khách, giảm 5% so với cùng kỳ, trong đó khách tham quan giảm 38%, một phần cũng do nắng nóng. Kiên Giang đón khoảng 270.000 lượt khách, tăng gần 3% so với cùng kỳ, khách nội địa giảm gần 4%.
Dù lượt khách có tăng hoặc giảm song nhìn chung các địa phương ghi nhận doanh thu du lịch tăng đáng kể trong kỳ nghỉ lễ năm nay. Ở một số địa phương có lượng khách nội địa giảm, doanh thu vẫn tăng trưởng do thu hút được nhiều khách quốc tế như Thừa Thiên Huế, Quảng Nam (chủ yếu Hội An) và Kiên Giang (chủ yếu Phú Quốc). Ngoài ra, tỷ lệ lưu trú trên toàn quốc cũng đã đạt mức cao, đạt 80-90% trung bình toàn quốc.
Tâm Anh - Bích Phương