Trong lần đầu tới Lào vào đầu tháng 5, Chu Đức Giang, làm trong lĩnh vực truyền thông tại Hà Nội, dành 6 ngày 5 đêm khám phá ba thành phố Luang Prabang, Vang Viên, Vientiane và trải nghiệm di chuyển giữa các địa điểm bằng tàu hỏa cao tốc đầu tiên của Đông Nam Á.
Từ bến xe Nước ngầm ở Hà Nội, Giang mua vé xe khách 1,2 triệu đồng và mất 24 tiếng để di chuyển tới Luang Prabang. Nhưng từ cố đô Lào, Giang mất chưa đến một tiếng để bắt tàu cao tốc tới Vang Viêng, sau đó từ Vang Viêng đến Vientiane.
Tuyến đường sắt cao tốc Lào - Trung Quốc có chi phí 6 tỷ USD, dài hơn 1.000 km, nối Côn Minh, thủ phủ tỉnh Vân Nam, Trung Quốc với thủ đô Vientiane của Lào. Tàu được đưa vào hoạt động từ tháng 10/2021. Tuyến chạy trong nội địa Lào dài hơn 400 km, qua sáu nhà ga ở Vientiane, Vang Vieng, Luang Prabang, Muang Xai, Luang Namtha và Boten.
Giang nhờ lễ tân khách sạn ở Luang Prabang đặt vé tàu để tiết kiệm thời gian, thủ tục. Nếu đặt vé trực tuyến, du khách phải đăng ký tài khoản bằng đầu số điện thoại ở Lào. Mua vé trực tiếp tại ga cần hộ chiếu và đặt trước giờ tàu chạy, vé mở bán trước 4 ngày. Giá vé cố định, mỗi chặng có mức giá khác nhau.
Chặng Luang Prabang - Vang Viêng dài 190 km, giá vé khoảng 160.000 đồng, trong khi chặng Vang Viêng - Vientiane dài 130 km giá 170.000 đồng, di chuyển cũng mất gần một tiếng.
Vé tàu cao tốc được sử dụng dưới dạng điện tử hoặc giấy in. Khi đến nhà ga, Giang xuất trình vé, được kiểm tra an ninh tương tự thủ tục ở sân bay. Giang được nhân viên tàu tiếp tục kiểm tra giấy tờ tùy thân và vị trí ngồi tương ứng với vé khi đã vào trong ga.
Giang cho biết xung quanh nhà ga không có hàng quán "nên thoáng và sạch". Phòng chờ rộng rãi, đủ ghế ngồi cho khách, "không thấy cảnh vạ vật, ngổn ngang hành lý". Hành khách xếp hàng trật tự qua cửa soi chiếu, thủ tục nhanh gọn, chưa đến 5 phút mỗi người.
Tàu chạy với vận tốc khoảng 160 km/h nhưng "rất êm và cách âm tốt", qua nhiều đoạn rừng núi trùng điệp.
Tàu có khoang hạng thương gia và hạng thường, Giang chọn vé hạng thường để tiết kiệm chi phí. Khoang thường được chia thành hai dãy, mỗi dãy gồm ba ghế ngồi, ở giữa là lối đi. Nội thất tàu còn mới, ghế ngồi có nệm bọc vải, được trang bị ổ cắm sạc hai chấu dưới chân, lưng ghế có bàn ăn giống thiết kế trên máy bay. Khoang hành lý được đặt phía trên, nhưng không có nắp đậy.
Ngoài ra, trên tàu có khu vực ăn uống riêng, hiện chỉ phục vụ đồ uống. Nhà vệ sinh được thiết kế gọn gàng, sạch sẽ. Mỗi khoang đều có bảng điện tử hiển thị thời gian, điểm đến kế tiếp. Mỗi trạm dừng có xe trung chuyển 16 chỗ chở khách đến điểm theo yêu cầu, giá khoảng 35.000 đồng mỗi người.
Anh Dương Tuệ Mẫn, người Việt đang sinh sống ở Vientiane, cho biết nên lựa chọn tàu cao tốc khi di chuyển từ Luang Prabang đến Vang Viêng. Xe khách chặng này đi qua những "cung đường đèo nguy hiểm", thời gian di chuyển lâu hơn 3-4 tiếng. Tuy nhiên, với chặng Vang Viêng - Vientiane, xe khách có thể là lựa chọn hợp lý nếu không kịp đặt vé tàu. Xe chạy đường cao tốc, di chuyển trong hai tiếng, giá khoảng 200.000 đồng.
Về hành trình tham quan, Giang dành hai ngày ở cố đô Luang Prabang, nơi được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới năm 1995, ghé thác Kuang Si, chùa Wat Xieng Thong, cung điện Hoàng Gia, leo núi Phousi, dự lễ khất thực Tak Bat.
"Phố xá, nhà cửa ở cố đô Luang Prabang tựa khung cảnh Hội An nhưng lượng khách du lịch ít hơn, nhịp sống chậm rãi và yên tĩnh", Đức Giang cho biết.
Còn Vang Viêng, thị trấn nhỏ yên bình nằm bên sông Nam Song, phù hợp với những người yêu thích trải nghiệm hòa mình với thiên nhiên và những hoạt động thể thao dưới nước như chèo kayak, chèo SUP, bơi lội ở sông Mekong. Nam du khách chọn leo núi Nam Xay và thưởng ngoạn cảnh đẹp ở hồ nước Blue Lagoon.
Sau một ngày ở Vang Viêng, Giang dành ngày cuối ở thủ đô Vientiane, ghé Khải Hoàn Môn Patuxay, chùa vàng Thạt Luổng và khu vườn tượng Phật, còn gọi là Công viên tượng Phật Xieng Khuang.
Ba điểm Giang đến đều có chợ đêm, tập trung các điểm ăn uống phục vụ nhiều món như khao soi, tam mak hoong, laap (larb), gà nướng, xôi, rong, nộm, rêu.
"Đồ Lào dễ ăn. Nhiều món có hương vị gần giống các món Thái, nhiều cay", Giang cho biết. Món Giang ấn tượng nhất trong chuyến đi là rêu sông Mekong chiên giòn, vị gần giống rong biển.
Nhìn lại chuyến đi, Giang cho rằng "tàu cao tốc là một điểm sáng của du lịch Lào". Từ thiết kế đến quy trình vận hành "không thua kém hệ thống tàu cao tốc ở các nước phát triển" và Giang "vẫn ưu tiên di chuyển bằng phương tiện này" nếu đến Lào một lần nữa.
Bích Phương
Ảnh: Chu Đức Giang