Kết thúc cuộc họp không chính thức của nhóm tư vấn các nhà tài trợ cho Việt Nam hôm qua tại Sa Pa (Lào Cai), các nhà tài trợ khẳng định sẽ tiếp tục hỗ trợ cho Việt Nam trong bối cảnh tình hình kinh tế vĩ mô thế giới và trong nước tạm thời bất ổn.
Thông cáo do Hội nghị phát đi cho hay, các đại biểu đã lưu ý, Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức khác nhau như thâm hụt thương mại và lạm phát cao. Theo ông Benedict Bingham, Trưởng đại diện của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Việt Nam, các vấn đề chính đối với nền kinh tế hiện nay là lạm phát gia tăng, tăng trưởng tín dụng nhanh, chính sách tài khóa nới lỏng và việc doanh nghiệp nhà nước đầu tư mạnh cùng lúc dẫn đến thâm hụt cán cân vãng lai. Theo ông, mức thâm hụt vào khoảng 10% GDP năm 2007 và có dấu hiệu gia tăng trong năm 2008.
Các nhà tài trợ cho rằng, triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam vẫn tốt. Ảnh: Hoàng Hà. |
Tuy nhiên, cộng đồng các nhà tài trợ cho rằng, vẫn có lý do để lạc quan về triển vọng phát triển lâu dài của nền kinh tế. Thách thức trước mắt là cần thực hiện kiên quyết và chắc chắn những biện pháp mà Chính phủ đã công bố nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.
Giám đốc quốc gia của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam, ông Ayumi Konishi, cho hay, ADB ủng hộ gói 8 giải pháp của Chính phủ Việt Nam. "Các nhà tài trợ tin tưởng mạnh mẽ rằng đây là thời điểm Chính phủ cần hành động nhanh, rõ ràng và quyết đoán trong việc thực hiện các chương trình hành động đã đề ra cũng như đưa ra định hướng phát triển rõ ràng cho các nhà đầu tư nói riêng và công chúng Việt Nam nói chung", ông Ayumi Konishi nói.
Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc John Hendra nhấn mạnh, không được bỏ quên người nghèo trong thời điểm khó khăn: "Giá lương thực tăng cao là một gánh nặng lớn cho các hộ nghèo. Vì vậy, điều đặc biệt quan trọng là hỗ trợ nhiều hơn nữa cho người nghèo trong thời điểm lạm phát tăng cao."
Trong khi đó, ddại diện IMF Benedict Bingham cho rằng, gói giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô nên có 4 thành tố, gồm thắt chặt chính sách tiền tệ, hạn chế doanh nghiệp nhà nước đầu tư ra ngoài ngành nghề chính, điều chỉnh kế hoạch ngân sách cho năm 2008, và áp dụng tỷ giá hối đoái linh hoạt hơn.
Cũng theo ông Benedict Bingham, việc đảm bảo sự minh bạch và cung cấp số liệu kịp thời về các chỉ số tài chính và kinh tế chủ chốt cũng sẽ giúp ổn định tâm lý nhà đầu tư và người dân. "Trong bối cảnh thiếu thông tin, chắc chắn các phân tích kinh tế sẽ dựa vào tin đồn và sự đầu cơ. Các nhà tài trợ rất khích lệ khi nghe phát biểu của Thủ tướng và các thành viên cao cấp của Chính phủ, trong đó nêu rõ những thách thức kinh tế mà đất nước đang phải đối mặt và chiến lược chính sách toàn diện để giải quyết những khó khăn này", ông Bingham nói.
Trao đổi với các nhà tài trợ cho Việt Nam, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc nhấn mạnh, tuy nền kinh tế đang đối mặt với một số khó khăn trước mắt, nhưng Việt Nam sẽ duy trì tốc độ tăng trưởng cao và bền vững, và là điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nước ngoài trong thời gian tới.
Ngọc Châu