Tại tọa đàm ngày 21/12, ông Trần Hải Nam, Vụ phó Bảo hiểm xã hội, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, chia sẻ về định hướng chính sách BHXH đến năm 2030 và dự kiến sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội. Cơ quan soạn thảo sẽ tập trung vào các nhóm chính sách nhằm mở rộng diện bao phủ người đóng, hạn chế rút BHXH một lần.
Thứ nhất là xây dựng hệ thống BHXH đa tầng, linh hoạt bằng cách bổ sung các quy định trợ cấp hưu trí xã hội gồm: Trợ cấp hưu trí xã hội; hệ thống BHXH khu vực bắt buộc lẫn tự nguyện; bảo hiểm hưu trí bổ sung.
Luật sửa đổi sẽ bổ sung quy định trợ cấp đối với người lao động đóng BHXH nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu, nếu không nhận BHXH một lần sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội sớm hơn và mức trợ cấp hàng tháng cao hơn.
Hai là để mở rộng diện bao phủ BHXH bắt buộc, cơ quan soạn thảo sẽ bổ sung lao động tham gia, bao gồm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý điều hành HTX không hưởng lương, lao động làm việc không trọn thời gian (thời vụ).
Thống kê tới cuối năm 2019, cả nước có khoảng 5,6 triệu hộ kinh doanh cá thể chưa thuộc diện đóng BHXH bắt buộc và chỉ một ít trong số này tham gia BHXH tự nguyện. Chưa kể còn khoảng 23.000 hợp tác xã với 6 triệu thành viên tham gia và 1,2 triệu lao động làm việc, song chỉ khoảng 7.000 hợp tác xã với 41.000 lao động đóng BHXH bắt buộc.
Chính sách cũng sẽ tăng mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước, bổ sung chế độ thai sản để thu hút người dân tham gia BHXH tự nguyện.
Ba là sửa đổi điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng tối thiểu từ 20 xuống 15, tiến tới còn 10 năm. Việc điều chỉnh tạo điều kiện cho người lao động tham gia BHXH muộn, đóng BHXH trong thời gian ngắn được hưởng lương hưu. Chính sách sẽ bổ sung những quy định mới nhằm giảm dần tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội phù hợp với khả năng ngân sách.
Với BHXH một lần, người lao động vẫn sẽ được rút nếu có nhu cầu, song chính sách có thêm nhiều điều khoản khuyến khích lao động tiếp tục đóng góp để hưởng lương hưu thay vì về một cục.
Ngoài ra, ban soạn thảo sẽ bổ sung quy định quản lý thu, nộp BHXH để ngăn chặn gian lận, trốn đóng, chậm đóng BHXH và đa dạng hóa hình thức đầu tư Quỹ BHXH theo nguyên tắc an toàn, bền vững, hiệu quả.
Ông Nam cho hay, cơ quan chuyên môn đẩy nhanh xây dựng dự luật để trình lên Trung ương vào năm 2022, không đợi tới năm 2023 mới đưa vào chương trình, cho thấy tính cấp bách của việc sửa luật. Quá trình xây dựng chính sách, ban soạn thảo sẽ lấy ý kiến chuyên gia độc lập, địa phương, từng vùng miền, các nhóm lao động chịu tác động, hướng tới mục tiêu an sinh lâu dài cho tất cả nhóm, trong đó có nhóm yếu thế, lao động phi chính thức.
Với người lao động rút BHXH một lần, ông Nam nhận định không hẳn xuất phát từ tồn tại của chính sách. Song việc họ rút lại là tình huống bất đắc dĩ khi mất thu nhập, không có trợ cấp nên cũng cần có những chính sách hỗ trợ song hành, như trợ cấp từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho lao động trong quá trình tìm kiếm việc làm mới. "Tuyên truyền thế nào đi nữa mà đời sống lao động khó khăn thì việc họ rút một lần là tất yếu", ông nói.
Phân tích những "lỗ hổng" trong chính sách BHXH hiện nay, nghiên cứu của Oxfam Việt Nam đã chỉ ra đa phần lao động phổ thông đang thiếu vắng chế độ an sinh, dù đã tham gia lực lượng lao động chính thức. Người đóng BHXH bắt buộc có mức tiền lương bình quân đóng tăng từ năm 2007 đến nay, song mức hưởng thực tế lại giảm dần và chưa được điều chỉnh tương xứng với sự gia tăng của lạm phát.
Chế độ hưu trí, tử tuất của người đóng BHXH bắt buộc và tự nguyện khá tương đồng, nhưng vẫn có khác biệt. Khu vực tự nguyện không có hưu trước tuổi, hưu do suy giảm khả năng lao động; không có chế độ tuất hàng tháng mà chỉ có tuất một lần; không có các chế độ ngắn hạn như thai sản, ốm đau, bệnh tật, tai nạn lao động hay trợ cấp thất nghiệp.
PGS.TS Giang Thanh Long, giảng viên cao cấp trường Đại học Kinh tế quốc dân, đánh giá cú sốc Covid-19 lần thứ tư đã phơi bày những bất cập trong hệ thống an sinh xã hội, cụ thể là hàng triệu lao động phi chính thức chưa được hưởng nhiều quyền lợi. Với quy định về mức đóng - hưởng và thiết kế hưu trí đơn tầng trong bối cảnh già hóa dân số nhanh chóng trở thành thách thức lớn với bền vững của Quỹ hưu trí và sự chia sẻ giữa các thế hệ trong tương lai.
Tỷ lệ bao phủ BHXH bắt buộc hiện nay cũng chưa đồng đều, khi người lao động tham gia chủ yếu ở đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Bắc Ninh) và Đông Nam Bộ (Bình Dương, TP HCM). Bởi khu vực này thu hút đầu tư nước ngoài, tập trung nhiều lao động, công nhân làm việc. Ngược lại, tỷ lệ thấp nhất ở Tây Nguyên và Trung du miền núi phía Bắc vì chủ yếu là lao động phi chính thức.
Tiền lương đóng BHXH tự nguyện giai đoạn 2008-2016 của người lao động đạt khoảng 2,9 triệu đồng, song từ năm 2017 đến nay chỉ khoảng 1,23 triệu mỗi người và có xu hướng giảm mạnh nhất từ năm 2020. Tỷ lệ phụ nữ tham gia hệ thống cao hơn nam giới bởi luôn lo lắng cho tuổi già và mối quan tâm lớn nhất của họ là chế độ thai sản. Đây là những gợi mở cho các cơ quan quản lý trong xây dựng chính sách để thúc đẩy lao động tham gia.
Khuyến nghị nhằm tăng độ bao phủ BHXH, theo PGS Giang Thanh Long, ba yếu tố giúp mở rộng khu vực bắt buộc, là tăng hấp dẫn cho chế độ hưởng, linh hoạt số năm đóng góp tối thiểu và mức hưởng tối đa; tuyên truyền phải đúng thời điểm; xây dựng cơ chế liên thông với cơ quan thuế để giám sát doanh nghiệp, đảm bảo có đóng thuế thì phải đóng BHXH cho lao động.
BHXH tự nguyện cần tăng tiền hỗ trợ của Nhà nước cho hộ nghèo, cận nghèo và bỏ mức tiền đóng tối thiểu. Bởi quy định này có thể khiến lao động phi chính thức nghèo hóa đi, đóng xong thì không còn tiền để đảm bảo mức sống tối thiểu. Về lâu dài cần thúc đẩy chính thức hóa quan hệ lao động, chuyển dịch từ nhóm không có hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận miệng sang nhóm có hợp đồng ngắn hạn hoặc chính thức để đưa lao động vào khu vực đóng BHXH bắt buộc.
Với các gia đình có con đi học hoặc người phụ thuộc như bố mẹ già, một số nước có chính sách miễn giảm học phí cho con cái, đổi lại người lao động phải tham gia BHXH. Trung Quốc hỗ trợ tiền cho bố mẹ già để người con đóng BHXH. Đây cũng là những gợi ý mà Việt Nam có thể tham khảo trong quá trình sửa đổi luật bởi với người lao động có người phụ thuộc trong gia đình.
Theo ông Long, cũng cần có một cuộc khảo sát thực địa về thu nhập của từng nhóm lao động đã thay đổi, giảm sút thế nào sau hai năm chịu ảnh hưởng của dịch. Vì có thể nhiều người sẽ "tỉnh" ra khi không đóng BHXH, không có hỗ trợ, không có trợ cấp thất nghiệp.
Ông Phạm Quang Tú, Phó giám đốc quốc gia của Oxfam tại Việt Nam, thông tin cả nước có khoảng 35 triệu lao động phi chính thức, cũng là nhóm mà BHXH tự nguyện hướng tới, song người tham gia chỉ trên một triệu, chiếm khoảng 2,8%. Việt Nam cần phát triển hệ thống an sinh xã hội đa dạng, đa tầng, hiện đại, trên nguyên tắc công bằng, chia sẻ và bền vững cho tất cả người lao động.
Chính sách cần theo hướng linh hoạt về số năm đóng và từng bước bổ sung các chế độ trong BHXH tự nguyện để thu hẹp khoảng cách giữa hai khu vực, đồng thời thay đổi về quy định đóng, hưởng, hỗ trợ mức đóng với các nhóm lao động trong khu vực chính thức. Việc tuyên truyền cũng cần tương thích với vùng miền và phù hợp với công việc của người lao động.
"Tiếng nói của người lao động cần được các nhà quản lý cân nhắc và áp dụng một cách phù hợp trong quá trình sửa đổi chính sách", ông nói.
Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội xem xét cho ý kiến lần đầu tại kỳ họp tháng 12/2022 của Quốc hội khóa XV, thông qua vào tại kỳ họp tháng 5/2023 và có hiệu lực từ 1/1/2024.
Đến cuối 2020, Việt Nam có khoảng 14,1 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu. Hơn 3,1 triệu người trong số đó đang được hưởng lương hưu và bảo hiểm xã hội hàng tháng; 1,8 triệu người hưởng trợ cấp hưu trí. Còn hơn 9,2 triệu người sau độ tuổi nghỉ hưu chưa được hưởng một tầng an sinh nào khác.
Bảo hiểm xã hội Việt Nam thống kê, bình quân người tham gia BHXH đóng góp trong 28 năm với tỷ lệ 22% vào quỹ hưu trí và tử tuất, hưởng lương hưu bình quân 25 năm với tỷ lệ hưởng 70,1%.
Hồng Chiêu