Thông tin được lãnh đạo Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và UBND tỉnh Bình Thuận nêu ra tại lễ ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược giai đoạn 2025-2030 giữa hai đơn vị, chiều 28/3.

Ông Tạ Mạnh Hùng, Thành viên HĐQT Vietnam Airlines (trái) tặng mô hình máy bay cho Chủ tịch UBND Bình Thuận Đỗ Hữu Huy tại lễ ký kết hợp tác, chiều 28/3. Ảnh: Việt Quốc
Sân bay Phan Thiết (quân sự kết hợp dân dụng) quy hoạch năm 2013, rộng 543 ha, xây dựng tại xã Thiện Nghiệp. Sau đó, dự án được Thủ tướng thống nhất nâng cấp từ sân bay cấp 4C lên cấp 4E, một đường cất hạ cánh dài 3.050 m, nhà ga hành khách công suất thiết kế 2 triệu khách một năm.
Công trình được khởi công đầu năm 2015, sau đó tạm dừng. Đến tháng 4/2021, dự án tái khởi động. Hạng mục quân sự, trong đó có đường băng được Bộ Quốc phòng triển khai xây dựng, đến nay đã hoàn thành, đưa các tổ bay huấn luyện vào hoạt động.
Còn hạng mục hàng không dân dụng do UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì. Ban đầu Công ty CP Rạng Đông trúng thầu hợp đồng BOT, nhưng sau khi Thủ tướng thống nhất điều chỉnh quy mô lên cấp 4E, dự án phải thực hiện thủ tục điều chỉnh lại chủ trương đầu tư theo quy định về đối tác công tư của Luật Đầu tư. Tỉnh đã tìm nhà đầu tư mới thay thế.
Ông Nguyễn Minh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận cho biết, các thủ tục đang được tích cực triển khai, dự kiến cuối năm nay sẽ khởi công hạng mục dân sự và hoàn thành, đưa vào sử dụng vào năm 2026. Lúc đó các bên có thể mở đường bay trực tiếp đến Phan Thiết.
Ông Nguyễn Thế Bảo, Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, cũng khẳng định nếu Phan Thiết có hạng mục hàng không dân dụng, hãng sẽ mở đường bay đến đây, với tuần suất dày, phục vụ nhu cầu du khách trong và ngoài nước. Bình Thuận là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển, nhất là về du lịch thu hút khách.
"Không những mở đường bay nội địa, chúng tôi mở cả đường bay quốc tế đến Phan Thiết", ông Bảo nói.
Theo nội dung ký kết, Vietnam Airlines không chỉ giúp mở rộng mạng lưới kết nối hàng không, mà còn hỗ trợ quảng bá hình ảnh Bình Thuận đến với bạn bè trong nước và quốc tế. Do đó, cảng hàng không Phan Thiết hoạt động tạo cú hích giúp tỉnh kết nối nhanh hơn với các trung tâm kinh tế lớn trong cũng như ngoài nước.
Năm 2024, Bình Thuận đã đón hơn 9,6 triệu lượt du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng (trong đó khách quốc tế hơn 393.000 lượt), doanh thu hoạt động du lịch đạt trên 25.800 tỷ đồng. Năm nay, ngành du lịch Bình Thuận hướng đến mục tiêu đón 10,6 triệu lượt du khách (trong đó có 430.000 lượt khách quốc tế), doanh thu 28.200 tỷ đồng.
Tư Huynh