Theo Quy hoạch điện VIII, công suất điện gió ngoài khơi đến 2030 khoảng 6.000 MW, nhưng đến nay chưa có dự án nào được quyết định chủ trương và giao đầu tư.
Tại cuộc họp Hội đồng thẩm định điều chỉnh Quy hoạch Điện VIII chiều 19/2, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết điện gió ngoài khơi trong giai đoạn đến 2030 vẫn là nguồn điện có chi phí đầu tư xây dựng cao.
"Do đó, điều chỉnh Quy hoạch điện VIII dự kiến phát triển nguồn điện này sau năm 2030, đạt khoảng 17.000 MW vào 2035", Bộ trưởng cho biết.
Thay vào đó, 5 năm tới Việt Nam sẽ phát triển tăng điện gió trên bờ, gần bờ với 27.791-34.667 MW, thêm khoảng 15% so với quy hoạch hiện nay.

Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên tại cuộc họp ngày 19/2. Ảnh: Bộ Công Thương
Ngân hàng Thế giới (WB) từng đánh giá tiềm năng điện gió ngoài khơi của Việt Nam khoảng 600 GW. Về triển vọng, nguồn năng lượng này có thể cung cấp 12% tổng sản lượng điện quốc gia vào 2035.
Thời gian qua, một số nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực điện tái tạo ngỏ ý muốn thực hiện dự án điện gió ngoài khơi tại Việt Nam như Tập đoàn CIP (Đan Mạch), PNE đến từ Đức. Cách đây hơn hai năm, 36 nhà đầu tư trong nước từng xin khảo sát điện gió ngoài khơi, nhưng khi đó Bộ Tài nguyên & Môi trường đề nghị dừng cấp phép do vướng pháp lý.
Thực tế, việc phát triển dự án điện gió ngoài khơi hiện còn một số khó khăn lớn. Đó là sự chưa thống nhất trong các quy định pháp luật về quản lý hoạt động trên biển, yêu cầu đầu tư vốn lớn, cũng như vấn đề liên quan đến quốc phòng, an ninh.
Theo tính toán, một dự án điện gió ngoài khơi cần ít nhất 3 năm để xây dựng. Điều này đồng nghĩa nếu muốn đưa dự án điện loại này vận hành vào 2030, chúng phải được khởi công từ 2027 và tất cả giấy phép phải sẵn sàng trước đó ít nhất một năm, theo Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) Bruno Jaspaert.
Năm nay, Chính phủ đặt mục tiêu GDP tăng ít nhất 8%, tiến tới hai chữ số trong giai đoạn 2026-2030. Để đủ điện cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, đại diện Bộ Công Thương cho biết tổng công suất nguồn điện cho nhu cầu trong nước đến 2030 dự kiến khoảng 183.291-236.363 MW, tăng 18-54% so với quy hoạch hiện nay.
Về nhiệt điện than, tổng công suất đến 2030 tăng lên 928 MW so với Quy hoạch điện VIII do cập nhật thực tế của các tổ máy nhiệt điện. Nhiệt điện sử dụng nguồn khí trong nước khoảng 10.861 MW, không đổi so với quy hoạch hiện hành.
Quy hoạch điều chỉnh cũng đề xuất thay thế một số dự án điện khí LNG chậm tiến độ sang sau 2030. Tổng công suất nguồn này trong 5 năm tới là 8.824 MW, giảm khoảng 13.576 MW so với mục tiêu đặt ra ở Quy hoạch điện VIII.
Trong khi đó, các nguồn thủy điện, năng lượng tái tạo, pin lưu trữ sẽ được tăng. Cụ thể, nhà điều hành dự kiến phát triển hết tiềm năng thủy điện, với tổng công suất vừa và lớn khoảng 21.100 MW, tăng 1.600 MW; thủy điện nhỏ 13.500 MW, tăng 5.400 MW so với Quy hoạch điện VIII.
Điện mặt trời tập trung và mái nhà cũng tăng 25.867-52.825 MW, lên 46.459-73.416 MW. Bởi đây là nguồn điện có thể triển khai nhanh, đáp ứng kịp thời khả năng cung ứng điện trong 2026-2027.
Với dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, theo Bộ trưởng, tổng công suất hai nhà máy dự kiến khoảng 6.000-6.400 MW, hoàn thành vào 2030 và đưa vào vận hành giai đoạn 2030-2035. Sau đó đến 2050, hệ thống sẽ bổ sung khoảng 4.500-5.000 MW điện hạt nhân tại miền Bắc và khoảng 3.000 MW ở miền Trung (chủ yếu dạng mô đun nhỏ SMR).
"Các địa điểm tiềm năng để phát triển điện hạt nhân sẽ được nghiên cứu trong các quy hoạch sau Quy hoạch điện VIII", ông Diên cho biết.
Theo ông Diên, tổng vốn đầu tư cho giai đoạn 2026-2030 khoảng 136-172 tỷ USD, trong đó nguồn điện 118-148 tỷ USD, lưới điện truyền tải 18-24 tỷ USD.
Để đáp ứng nhu cầu vốn lớn, Bộ Công Thương đề xuất các giải pháp đa dạng hóa các nguồn vốn, hình thức huy động (tín dụng ngân hàng, viện trợ, thị trường chứng khoán). Cùng với đó, nhà điều hành đặt mục tiêu thu hút nguồn lực trong và ngoài nước, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào năng lượng.
Phương Dung