Bộ Tài chính vừa công bố dự thảo Nghị quyết về điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu, mỡ nhờn (trừ nhiên liệu bay).
Dự án Nghị quyết này được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn. Các ý kiến góp ý gửi về Vụ chính sách thuế, Bộ Tài chính trước 4/3.
Tại dự thảo, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn 500 đồng đến 1.000 đồng so với mức kịch khung đang áp dụng. Chính sách giảm thuế dự kiến có hiệu lực đến hết năm nay.
Cụ thể, Bộ Tài chính đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng mỗi lít với xăng (trừ etanol), tức từ 4.000 đồng xuống còn 3.000 đồng.
Thuế bảo vệ môi trường với dầu diesel, mazut, dầu nhờn dự kiến giảm 500 đồng mỗi lít, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng mỗi lít. Dầu hỏa giảm 500 đồng, từ 1.000 đồng xuống 500 đồng một lít. Mỡ nhờn giảm 500 đồng mỗi kg, từ 2.000 đồng xuống 1.500 đồng một kg.
Nhiên liệu bay được giữ như mức hiện hành, được giảm 1.500 đồng mỗi lít theo Nghị quyết số 13/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Với mức giảm thuế này, giá xăng (trừ etanol) có thể giảm tương ứng 1.100 đồng mỗi lít (gồm VAT). Giá mỗi lít dầu diezel, dầu mazut, dầu nhờn, dầu hoả giảm tương ứng 550 đồng. Mỗi kg mỡ nhờn giá giảm 550 đồng.
Ngoài thuế môi trường, xăng và dầu hiện còn cõng nhiều thuế, phí khác. Ước tính, bình quân mỗi lít xăng có thuế, phí chiếm khoảng 42-43%; còn dầu là 21-27%. Tức mua 100 đồng tiền xăng thì tiền thuế, phí là 42-43 đồng và dầu là 21-27 đồng.
Xăng dầu là nguyên nhiên liệu đầu vào của hầu hết ngành sản xuất trong nền kinh tế. Việc giảm thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn sẽ góp phần làm giảm chi phí sản xuất, hạ giá thành sản phẩm, đồng thời góp phần giảm bớt chi phí tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn cho người dân.
Trong kịch bản sản lượng tiêu thụ xăng, dầu, mỡ nhờn năm 2022 tương đương năm 2019 (trước Covid-19), Bộ Tài chính cho biết ngân sách giảm thu 14.524 tỷ đồng một năm do giảm thuế bảo vệ môi trường. Nếu tính cả thuế giá trị gia tăng (VAT), ngân sách giảm thu khoảng 15.976 tỷ một năm (số giảm thu ngân sách bình quân mỗi tháng là hơn 1.330 tỷ đồng).
Nếu tính giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn từ đầu tháng 4 năm nay, ngân sách sẽ giảm thu khoảng 11.982 tỷ đồng (gồm thuế VAT).
Theo tính toán của Bộ Tài chính, việc tăng, giảm giá xăng dầu sẽ tác động đến sản xuất và tiêu dùng trong nước. Đồng thời, sự thay đổi về giá của mặt hàng này sẽ kéo theo sự biến động nhất định về giá của các mặt hàng khác, thể hiện qua sự thay đổi CPI.
Với kịch bản giảm thuế bảo vệ môi trường từ 1/4 đến hết năm nay và giá bán lẻ xăng dầu trong nước ổn định ở mức hiện tại trong 9 tháng còn lại của năm, việc giảm thuế có thể giúp giảm CPI bình quân năm 2022 khoảng 0,67%.
Tuy nhiên, do việc giảm thuế là số tuyệt đối, chỉ số tiêu dùng là số tương đối nên tác động của việc giảm thuế đến CPI còn tùy thuộc vào biến động của mức giá bán lẻ xăng dầu tại mỗi kỳ điều hành. Tác động của việc giảm thuế đối với giá xăng dầu đến CPI giảm dần khi giá mặt hàng này tiếp tục tăng lên so với hiện tại; tức giảm 0,61% CPI nếu giá xăng dầu tăng 10%; giảm 0,56% CPI nếu giá xăng dầu tăng 20% và giảm 0,52% CPI nếu giá xăng dầu tăng 30%.
Tại báo cáo về tình hình sản xuất, thương mại hai tháng đầu năm nay, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính tính lại thuế và các chi phí trong cơ cấu giá xăng dầu để đảm bảo sự hài hoà lợi ích doanh nghiệp, người dân.
Các loại chi phí có thể tính toán lại gồm: chi phí kinh doanh định mức, lợi nhuận định mức đã áp dụng từ 2014, phí đưa xăng dầu từ nước ngoài về Việt Nam (Premium).
Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng đề nghị cơ quan quản lý thuế xem xét, tính toán lại các loại thuế trong giá cơ sở, nhất là thuế bảo vệ môi trường.
Quỳnh Trang