Sáng 2/2, Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 đã diễn ra tại Hà Nội. Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho hay, sẽ có 3 hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 17/2, lần hai vào ngày 18/3 và lần ba vào 17/4.
Người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử có hạn chót để nộp hồ sơ tại Ủy ban bầu cử ở tỉnh nơi cư trú hoặc nơi công tác thường xuyên vào ngày 13/3.
Ngày 22/5, cử tri cả nước sẽ đi bầu cử. Kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu HĐND được công bố chậm nhất ngày 1/6; Hội đồng bầu cử quốc gia công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 11/6.
Về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa 14, Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết. Tổng số đại biểu là 500, trong đó số ở trung ương là 198, ở địa phương là 302 đại biểu.
Trong cơ cấu thành phần đại biểu Quốc hội ở Trung ương, các cơ quan của Quốc hội chiếm nhiều nhất với 114 người; Chính phủ, cơ quan thuộc Chính phủ 18 đại biểu; Bộ Quốc phòng 15 đại biểu; các cơ quan Đảng 11 đại biểu; Bộ Công an 3 đại biểu…
Hướng dẫn công tác nhân sự đại biểu Quốc hội 14 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, ông Phạm Minh Chính, Phó trưởng ban Tổ chức Trung ương thông tin, độ tuổi chung của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây. Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Điều 22 của Luật tổ chức Quốc hội, người ứng cử đại biểu HĐND phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định tại Điều 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương.
“Không giới thiệu những người cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ, trì trệ; đang bị thanh, kiểm tra dấu hiệu vi phạm; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết; hoặc có vấn đề chính trị chưa được kết luận”, ông Chính nói.
Võ Hải