Sáng 23/2, tại Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam, Hội nghị hiệp thương lần thứ nhất đã diễn ra nhằm thỏa thuận cơ cấu, thành phần, số lượng đại biểu Quốc hội được bầu của cơ quan, tổ chức ở trung ương. Theo dự kiến phân bổ của Thường vụ Quốc hội, trong tổng số 500 đại biểu Quốc hội khóa 13 có 29 người là thành viên Chính phủ hoặc lãnh đạo UBND cấp tỉnh (Chính phủ có 20 người), chiếm gần 6%.
Trước con số này, hàng loạt ý kiến tham gia hiệp thương cho rằng có quá nhiều thành viên Chính phủ trong Quốc hội. "Nhiều thành viên Chính phủ như vậy có thể dẫn đến tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi", ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc nói.
Theo ông, các phó thủ tướng, bộ trưởng không nhất thiết phải là đại biểu Quốc hội vì đương nhiên được mời dự họp. Ngoài ra, do bận "trăm công nghìn việc" trong cơ quan hành pháp, các đại biểu thuộc nhóm này khó sắp xếp thời gian tham gia đầy đủ các hoạt động của Quốc hội.
Ông Túc còn kiến nghị tăng đại biểu là người ngoài Đảng lên tỷ lệ 15-20% để tăng không khí dân chủ trong hoạt động của Quốc hội.
Theo ông Nguyễn Túc, nhiều thành viên Chính phủ tham gia Quốc hội có thể dẫn đến tình trạng "vừa đá bóng vừa thổi còi". Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Liên quan tới đại biểu Quốc hội đồng thời làm việc trong cơ quan hành pháp, ông Trần Hoàng Thám, Phó chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam cho rằng, đại biểu muốn hoạt động tốt phải có đủ điều kiện từ trình độ, thời gian tới vật chất. "Cơ quan hành pháp nên tự giảm đại biểu trong Quốc hội. Ở tỉnh thì chủ tịch UBND cần dành sức làm chủ tịch cho tốt, để người khác làm đại biểu Quốc hội", ông Thám phát biểu.
Trăn trở khi 14 dân tộc không có đại diện của mình trong Quốc hội, ông Lù Văn Que (Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn dân tộc của Trung ương Mặt trận tổ quốc) kiến nghị tăng số đại biểu dân tộc thiểu số từ 90 lên 105. "Dù dân số ít nhưng vị trí, ý nghĩa chính trị, tính chất của đại biểu nhóm này vô cùng quan trọng. Cơ cấu có sự hòa đồng dân tộc sẽ tạo sức mạnh đại đoàn kết tốt hơn", ông Que nói.
Đại diện cho tiếng nói của phụ nữ, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam băn khoăn với tỷ lệ đại biểu nữ khá thấp trong Quốc hội hiện nay. "Quốc hội khóa 5 có tỷ lệ 32% đại biểu nữ, nhưng các khóa sau này chưa khóa nào vượt 27%", bà Hòa nói. Ngoài ra, hiện nay, đại biểu là nữ còn phải gánh các cơ cấu trẻ, ngoài Đảng nên thiệt thòi trong việc lựa chọn người tham gia Quốc hội.
Ủy viên Đoàn chủ tịch Mặt trận tổ quốc Việt Nam Trương Công Phú lại bày tỏ lo lắng về chất lượng đại biểu. Theo ông, đảm bảo tiêu chuẩn, chất lượng đại biểu là yêu cầu trên hết. Ngoài ra, để tăng chất lượng, hiệu quả làm luật của Quốc hội cần tăng số đại biểu thuộc cơ quan của Quốc hội, đại biểu chuyên trách.
Ông Phú cũng đề cập tới việc cần đưa đại diện của kiều bào vào Quốc hội vì hiện cộng đồng người Việt ở nước ngoài rất đông đảo, trên 3 triệu người...
Các đại biểu trao đổi trong giờ giải lao hội nghị hiệp thương lần thứ nhất. Ảnh: Nguyễn Hưng. |
Trước nhiều kiến nghị từ Đoàn chủ tịch Ủy ban trung ương Mặt trận tổ quốc, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã lên tiếng giải đáp. Theo ông, dân số Việt Nam hiện trên 87 triệu, tăng hơn các khóa trước nhiều nhưng đại biểu Quốc hội vẫn giữ ở con số 500, việc phân bổ vì thế cũng khó khăn.
Theo ông Lưu, hiện tỷ lệ thành viên Chính phủ đã giảm nhiều so với các khóa trước. Có 22 bộ nhưng chỉ 11 bộ trưởng là đại biểu Quốc hội. "Trong một Quốc hội chưa đạt tới mức chuyên trách như hiện nay thì vai trò của đại biểu thuộc cơ quan hành pháp là cần thiết. Cần có số lượng nhất định đại biểu thuộc thành phần này tham gia", ông Lưu nói.
Tuy nhiên, trước những đề xuất trong hội nghị hiệp thương, ông Lưu cho biết, việc thêm bớt đại biểu thuộc thành phần này sẽ được ông báo cáo lại Quốc hội xem xét.
"Hiệu lực hoạt động của Quốc hội phụ thuộc vào chất lượng đại biểu, không phải đông mà tốt, vấn đề là chất lượng. Vì thế nguyên tắc cơ cấu hợp lý trên cơ sở tiêu chuẩn, không vì cơ cấu mà bỏ quên, xem nhẹ tiêu chuẩn", ông Lưu nhấn mạnh.
Cũng theo Phó chủ tịch quốc hội, những ý kiến đóng góp về tỷ lệ đại biểu ngoài Đảng, đại biểu nữ hay doanh nhân là xác đáng. Riêng về đại biểu là Việt kiều, trong khi soạn thảo cơ cấu đã tính đến song vấn đề này sẽ được bàn bạc cụ thể sau lần sửa Hiến pháp và Luật bầu cử đại biểu Quốc hội, HĐND tới.
Sau hội nghị hiệp thương lần thứ nhất, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có điều chỉnh về cơ cấu, thành phần. Theo kế hoạch, ngay sau hiệp thương lần thứ nhất ở trung ương, các địa phương sẽ tổ chức hội nghị này.
Nguyên tắc phân bổ đại biểu Quốc hội khóa 13: Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương có ít nhất 3 đại biểu cư trú và làm việc tại địa phương; số đại biểu tiếp theo được tính theo số dân và đặc điểm của mỗi địa phương; thủ đô Hà Nội được phân bổ số đại biểu thích đáng; bảo đảm các dân tộc thiểu số có số đại biểu thích đáng và có thành phần của nhiều dân tộc tham gia; bảo đảm để phụ nữ có số đại biểu thích đáng; đoàn đại biểu Quốc hội có đại biểu hoạt động chuyên trách. Ngoài ra, theo thực tế 3 khóa gần đây, nói chung phải đảm bảo mỗi địa phương có ít nhất 6 đại biểu (4 cư trú làm việc tại địa phương, 2 do trung ương giới thiệu về ứng cử). |
Nguyễn Hưng