"Tôi đã lên kế hoạch đi Seoul trong tháng này với bạn bè và sau đó tới Thái Lan một mình vào tháng 10. Nhưng tôi sợ đồng nhân dân tệ sẽ mất giá nhiều hơn nên nghĩ rằng mình sẽ không đi Seoul mua sắm mà chỉ đến Thái Lan tham quan", Xuechang Huang, một phụ nữ 48 tuổi đến từ Quảng Châu, cho biết.
Huang Ruifen, một chủ cửa hàng ở Quảng Tây đang chuẩn bị đi Hong Kong mua sắm, quả quyết: "Tôi sẽ ngừng mua hàng cao cấp cho đến khi nhân dân tệ tăng giá trở lại".
Quyết định trên được các du khách đưa ra trong bối cảnh Trung Quốc tiếp tục hạ tỷ giá tham chiếu nhân dân tệ so với USD ba ngày liền, với các mức 2%, 1,6% và 1,1%. Đây là mức phá giá kỷ lục của Trung Quốc từ năm 1994, đảo ngược chính sách đồng tệ mạnh trước đó.
Theo Global Blue - một công ty không phải chịu thuế VAT, du khách Trung Quốc đã chi tiêu một số tiền kỷ lục cho mặt hàng cao cấp trong năm nay. Tổ chức Du lịch thế giới cho biết Trung Quốc là nước chi tiêu du lịch lớn nhất năm 2014, với 165 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2013. Trong khi năm 1995, mức chi tiêu du lịch của Trung Quốc chỉ là 3,7 tỷ USD.
Global Blue cho rằng 40% khách du lịch Trung Quốc ra nước ngoài mua sắm để buôn lấy lãi tại chợ đen trong nước, do đó đồng nhân dân tệ yếu có thể làm giảm nhu cầu này.
"Bạn có thể mua được nhiều hơn tại Australia. Ví dụ, để sắm đôi bốt hiệu UGG trị giá 1.000 nhân dân tệ tại Trung Quốc, bạn chỉ phải trả 200 nhân dân tệ ở Australia", Kou Meng Nan, 20 tuổi, một sinh viên đại học Bắc Kinh kể về chuyến du lịch mua sắm 12 ngày tới Sydney.
Tuy nhiên, đối với một số du khách cực giàu, sự thay đổi giá cả do tỷ giá không phải là vấn đề to tát. Theo một thăm dò đối với du khách Trung Quốc trên toàn thế giới, giá của các món hàng hiệu như Gucci, Louis Vuitton không phải là điều duy nhất họ quan tâm khi mua hàng.
"Chắc chắn sự mất giá này không gây bất kỳ hậu quả đáng kể nào. Đó chỉ là sự kết thúc mùa cao điểm của người Trung Quốc", Catherine Oden, giám đốc chi nhánh xúc tiến du lịch của Atout France tại Trung Quốc cho biết.
Vy An