Học thạc sĩ tại thành phố Leeds, Vũ Ngân trở về Việt Nam trên một trong những chuyến bay quốc tế cuối cùng của Vietnam Airlines. Ngân chia sẻ về hành trình thoát khỏi vùng dịch.
Ngày 16/3, tôi hoang mang và lo sợ khi số ca dương tính với Covid-19 tại Leeds là 19, cả nước gần 2.000 ca. Tình hình dịch bệnh tại Anh đang trở nên nghiêm trọng. Số ca nhiễm bệnh tăng liên tục, hàng loạt trường học, nhà hàng đóng cửa. Trên phố, quảng trường và công viên thường ngày đông đúc giờ không một bóng người. Người dân tại Anh đã có ý thức hơn trong việc phòng chống Covid-19 khi hạn chế ra ngoài và bắt đầu sử dụng khẩu trang.
Tối hôm đó, nhận được thông báo trường cho sinh viên học trực tuyến, ý định trở về Việt Nam xuất hiện trong đầu tôi. Tôi trằn trọc suy nghĩ cả đêm với hàng loạt câu hỏi trong đầu: Về bây giờ có đúng đắn không? Nếu về thì khi nào mới quay trở lại được? Bố mẹ và người thân có ổn không? Nếu ở lại thì cần làm gì? Cuối cùng, tôi quyết định về nước.
Sáng 17/3, khi số ca nhiễm Covid-19 tại Anh lên hơn 3.000, tôi lao đến chiếc laptop để tìm cho mình chuyến bay gần nhất trở về Hà Nội. Khoảnh khắc nhìn những chuyến bay từ Anh trở về quê hương lần lượt bị hủy sau thông báo Việt Nam ngừng nhập cảnh đối với du khách từng qua châu Âu, tim tôi như thắt lại.
"Mình phải trở về. Phải trở về nhà", ý nghĩ ấy càng thôi thúc tôi hơn. Tiếp tục tìm kiếm, thật may tôi thấy một chuyến bay của Vietnam Airlines về TP HCM, khởi hành lúc 11h ngày 18/3. Không do dự, tôi đặt ngay vé, trong lòng thầm nhủ "trở về Việt Nam là an toàn rồi".
Vì thời gian bay gấp gáp, tôi chỉ dành nửa ngày để chuẩn bị đồ đạc gồm 2-3 bộ quần áo, một hộp khẩu trang và những nhu yếu phẩm cần thiết, tất cả cho vào một chiếc balo. Đêm đó, tôi hồi hộp đến mất ngủ, không thể tin được mình sắp về Việt Nam thật rồi.
5h ngày 18/3, tôi thức dậy, mặc chiếc áo khoác dài đến đầu gối, đi găng tay và đeo khẩu trang, sau đó lên tàu đi từ thành phố Leeds đến sân bay London Heathrow. Vì đêm thiếu ngủ và mệt, tôi ngủ thiếp đi trong hai tiếng di chuyển.
Dù còn vài tiếng nữa mới đến giờ làm thủ tục, rất đông khách hàng đã có mặt tại quầy vé. Nhiều người trong số đó bị từ chối xuất vé vì không có hộ chiếu hoặc thẻ cư trú tại Việt Nam. Tôi nghe thấy những cái thở dài ngao ngán, một vài hành khách Trung Quốc bật khóc. Lúc này, tôi nhận ra mình thật may mắn biết bao khi sắp được trở về quê hương.
Chuyến bay VN50 hôm đó có 164 hành khách, đều là du học sinh Việt Nam tại Anh. Sau khi được kiểm tra sức khỏe và khai báo y tế, tôi thấp thỏm ngồi đợi đến giờ lên máy bay. May mắn, tất cả chúng tôi đủ điều kiện về nước, không ai bị bỏ lại.
Cho đến tận khi máy bay cất cánh, tôi mới dám tin là mình đang thật sự được về nhà. Trên một chuyến bay từ Anh về Việt Nam toàn người Việt, cảm giác thân thương bao trùm, nhưng chúng tôi không nói chuyện nhiều, chỉ lặng lẽ nhìn nhau qua lớp kính bảo hộ và khẩu trang.
Khi bay được khoảng 6-7 tiếng, chúng tôi được thông báo máy bay sẽ không hạ cánh ở Tân Sơn Nhất, TP HCM như kế hoạch. Thay vào đó, chúng tôi sẽ đến sân bay Cần Thơ vì đây là chuyến bay về từ vùng dịch. Tôi hơi hoang mang, sau đó nhanh chóng trấn tĩnh vì về được Việt Nam là tốt rồi.
Xuyên suốt chuyến bay dài 12 tiếng, những giấc ngủ chập chờn khiến tôi cảm thấy màn đêm kéo dài hơn thường lệ. Cứ một lúc tôi lại kiểm tra thời gian trên màn hình điện thoại, đếm ngược từng giờ đến khi máy bay hạ cánh.
Các tiếp viên trong bộ đồ bảo hộ phục vụ suất ăn cho chúng tôi gồm hamburger, salad, nước ngọt và bánh mì, đựng trong khay và dĩa nhựa dùng một lần. Tôi ăn khá ít và thiếp đi khi bầu trời hửng sáng.
6h ngày 19/3, sân bay Cần Thơ hiện lên sau những đám mây, lòng tôi như trút được một hòn đá tảng. Dù cách xa gia đình gần 1.600 km, cảm giác đặt chân lên mảnh đất quê hương yên bình, được sống giữa những người đồng bào chung ngôn ngữ, tôi thấy bình yên lạ. Sau nhiều ngày tháng học tập tại nước Anh xa xôi, chưa khi nào tôi thấy mình gần gia đình đến vậy.
Sau khi xuống máy bay, chúng tôi khai báo y tế, cố gắng trung thực hết mức có thể về hành trình đi lại, sức khỏe của mỗi người. Tôi nghĩ đây là cách nhỏ bé duy nhất mình có thể giúp cho quê hương vào lúc này.
Sau khi hoàn tất việc khai báo, xe quân sự đón chúng tôi di chuyển về thành phố Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp để cách ly tập trung 14 ngày. Hơn 160 hành khách của chuyến bay VN50 từ London đều được cách ly tại đây.
Trên đường đi, tôi tò mò và có phần háo hức, tưởng tượng về những gì mình sẽ trải qua trong hai tuần. Ngay khi đến khu cách ly, tôi liên lạc báo tin cho bố mẹ yên tâm, sau đó được các cán bộ bố trí về phòng riêng với hai người bạn cùng lứa tuổi.
Mỗi người chúng tôi đều được chuẩn bị sẵn đồ dùng cá nhân như kem đánh răng, bàn chải, khẩu trang cùng bộ một chăn, ga. Nhân viên y tế và cán bộ rất nhiệt tình, liên tục thăm hỏi, cố gắng hỗ trợ tối đa những thứ chúng tôi cần.
Bữa ăn đầu tiên của tôi có tôm, thịt gà rang cùng chuối tráng miệng. Những món ăn quê hương chính là món quà tuyệt vời nhất với chúng tôi sau chuyến bay dài mệt mỏi. Hàng ngày, tôi được đo thân nhiệt hai lần, dành nhiều thời gian để đọc sách, xem phim và thăm hỏi người thân.
Sau những ngày ở khu cách ly, tôi đã hiểu vì sao Việt Nam nhỏ bé của chúng ta là một trong những quốc gia đi đầu chống Covid-19. Chính phủ không bỏ lại ai trong cuộc chiến này, luôn che chở, bao bọc người dân dù ở bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào.
Tôi thầm cảm ơn Tổ quốc, hãng hàng không, nhân viên y tế, bộ đội, công an đã không quản ngày đêm chăm sóc tận tình, giúp những đứa con xa quê như chúng tôi được về nhà bình an.
Thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Việt Nam hiện có khoảng 190.000 du học sinh, nhiều nhất là Mỹ 29.000, kế đó là Canada 21.000, Australia và New Zealand 30.000, Nhật Bản 15.000, Hàn Quốc 14.000, Anh 12.000, Trung Quốc 11.000, Đức 7.500, Pháp 6.500.
Từ khi châu Âu và Mỹ trở thành tâm dịch, hàng nghìn du học sinh Việt Nam đã về nước. Ngày 19/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo khuyến cáo du học sinh cân nhắc kỹ các rủi ro khi trở về.
Trường hợp thật sự cần thiết phải trở về, du học sinh phải trung thực khai báo y tế, cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Nếu có dấu hiệu bị sốt, ho, khó thở, du học sinh cần chủ động cách ly và liên hệ ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.
Thanh Hằng (ghi)