Phạm Thiệu Bảo, sinh viên năm thứ hai ngành Kinh tế và Khoa học chính trị, Đại học Columbia, cho biết ba tuần nữa sẽ đến kỳ thi nhưng phải chuyển học online vì các cuộc biểu tình phản đối chiến sự Gaza.
"Chủ tịch trường bị sinh viên phản đối dữ dội, nhà trường cũng khóa hết cổng và cảnh sát luôn túc trực ở bên ngoài", Thiệu Bảo mô tả. "Trường cũng có các phòng ban về sức khỏe tâm thần, trợ giúp các sinh viên gặp vấn đề tâm lý".
Một nghiên cứu sinh người Việt khác ở Đại học Columbia nói trường là một trong nơi căng thẳng nhất, với khoảng 200 người biểu tình. "Mỗi lần vào trường là phải đi một vòng qua cảnh sát, kiểm tra thẻ và nhiều thủ tục khác, rất gắt gao", anh cho biết.
Theo Đặng Trúc Quỳnh, nghiên cứu sinh tại Cornell Tech, một cơ sở có liên kết với Israel của Đại học Cornell tại New York, nhiều học viên đăng ký lớp 3 tín chỉ về khởi nghiệp tại Israel đã bị hủy học phần, hoàn tiền vé máy bay và ăn ở. Địa điểm mới của môn học được chuyển đến Silicon Valley.
Còn Vũ Hương Thảo, sinh viên năm thứ tư ở Đại học Cornell, nói từ tuần trước, các nhóm biểu tình đã có nhiều hoạt động, như khảo sát nhằm kêu gọi nhà trường dừng đầu tư vào các công ty sản xuất vũ khí hay phản đối tình trạng bài Do Thái.
Thảo và chị Quỳnh đánh giá các cuộc biểu tình ở Cornell diễn ra ôn hòa. "Việc học của em may mắn không bị gián đoạn, em vẫn có thể tới trường", Thảo cho hay.
Tuy nhiên, các hoạt động khác có thể sẽ bất tiện hơn.
"Trường phong tỏa nhiều lối đi chính khiến sinh viên di chuyển khó khăn. Ngoài ra, các không gian chung dành cho hoạt động ngoại khóa cũng bị ảnh hưởng", một sinh viên Việt ở Đại học New York nói.
Trên khắp nước Mỹ, phong trào biểu tình ủng hộ Palestine trong xung đột ở Dải Gaza diễn ra với quy mô lớn tại các đại học.
Theo Washington Post, phần lớn nhóm biểu tình thể hiện sự đồng cảm với những người Palestine thiệt mạng. Tại các trường "giàu có" như Đại học Yale và Columbia, sinh viên yêu cầu lãnh đạo trường thoái vốn khỏi các nhà sản xuất vũ khí quân sự và các nhà thầu quốc phòng có quan hệ với Israel. Bên cạnh đó, một số nhóm biểu tình phản đối việc bài Do Thái trong trường.
Tuần trước, sinh viên, giảng viên Đại học New York và Đại học Columbia dựng lều biểu tình trong khuôn viên, xô xát với cảnh sát. Tình hình tương tự ở nhiều đại học khác. Sinh viên thậm chí kiểm soát các tòa nhà, như ở Đại học California. Nhà Trắng bày tỏ quan ngại về tình hình này.
Ngày 22-23/4, cảnh sát bắt giữ nhiều sinh viên biểu tình ở Đại học Yale và Minnesota, giải tán nhóm biểu tình với gần 40 lều trong khuôn viên Đại học Michigan.
TS Hồ Phạm Minh Nhật, giảng viên người Việt ở Đại học Texas-Austin, cho hay hôm 24/4, ước tính khoảng 200 người tham gia biểu tình ở trường, 55 người bị bắt. Cảnh sát đứng khắp nơi trong khuôn viên, chặn đường nên sinh viên khó di chuyển tới lớp học, một số giáo sư tuyên bố nghỉ dạy. Ngay trong ngày, Texas-Austin phải chuyển nhiều lớp sang học trực tuyến.
"Đến 25/4, số người biểu tình tăng, nhưng họ chỉ tập trung ở tòa tháp biểu tượng của trường và bớt lộn xộn", anh Nhật nói. "Trường cấm biểu tình và cắm trại sau 22h".
Ivy League, nhóm 8 đại học tư thục hàng đầu, tuyên bố chuyển sang học trực tiếp kết hợp trực tuyến cho đến hết học kỳ. Trong đó, Harvard khóa phần lớn cổng, kiểm tra giấy tờ ra vào, dựng biển cấm dựng lều trái phép. Một số trường như Đại học Nam California hoãn lịch tốt nghiệp.
Anh Trương Thế Anh, Chủ tịch hội sinh viên Việt Nam tại New York, nơi đang diễn ra nhiều cuộc biểu tình, nhận định tình hình căng thẳng, song chủ yếu cục bộ trong khuôn viên trường.
Cả hai đều nhận định trước mắt sinh viên Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều.
"Hội sinh viên Việt Nam ở các trường trong tiểu bang New York đã đưa ra các khuyến cáo các bạn tránh xa các điểm nóng biểu tình", anh Thế Anh cho biết.
Hiện, khoảng 22.000 du học sinh Việt ở Mỹ, tập trung ở California, Texas, Washington, Masschusetts và New York.
Các du học sinh cho biết liên tục được trường gửi mail cập nhật tình hình và hướng dẫn một số hoạt động.
Chẳng hạn, tại Đại học Columbia, trường thông báo tất cả kỳ thi cuối kỳ sẽ gồm lựa chọn trực tuyến. Sinh viên cần chủ động liên hệ với giảng viên hoặc người hướng dẫn khóa học để được hỗ trợ. Ở Đại học Texas-Autin, mọi lớp học diễn ra trực tiếp trở lại, theo anh Hồ Phạm Minh Nhật.
"Em và các bạn đều hy vọng những căng thẳng sẽ sớm được giải quyết, để việc học tập trở lại bình thường", Thiệu Bảo chia sẻ.
Doãn Hùng