Đoàn Bá Toại tốt nghiệp cử nhân Kinh tế Quốc tế và Mậu dịch tại Học viện Vũ Di năm 2017, sau đó học thạc sĩ và hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Nông lâm Phúc Kiến. Toại đang là trợ lý viện trưởng Viện Quốc tế và trợ giảng khoa Kinh tế của Đại học Nông Lâm Phúc Kiến; từng là phó chủ tịch hội nghiên cứu sinh của trường và phó chủ tịch hội lưu học sinh, Học viện Vũ Di.
Thời sinh viên, Toại nhận nhiều giải thưởng về học thuật, nghiên cứu và tốt nghiệp đại học loại xuất sắc. Với kinh nghiệm 9 năm sống, học tập và làm việc tại Trung Quốc, nghiên cứu sinh 27 tuổi quê Hải Dương đang trở thành cầu nối cho sinh viên Việt Nam đến với các trường ở đây. Hai năm qua, Toại vẫn chưa thể trở lại Trung Quốc vì dịch bệnh, trải qua lễ tốt nghiệp online và hiện học tiến sĩ trực tuyến.
Toại chia sẻ:
Ngày 25/1/2020 (mùng 1 Tết), tôi về đến Việt Nam, là người xông đất cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn, năm đó. Lúc đó tình hình dịch bệnh tại Trung Quốc chưa nghiêm trọng, tất cả du học sinh đều nghĩ Covid-19 chỉ như một bệnh cúm thông thường, qua vài tuần, cùng lắm một tháng, sẽ ổn. Nhưng không, bệnh dịch ngày càng căng thẳng và đến giữa tháng 2, các trường bên Trung Quốc chính thức thông báo cho toàn bộ học sinh chuyển sang học online.
Tôi vô cùng lo lắng vì đây là kỳ học quan trọng: kỳ lấy bằng tốt nghiệp thạc sĩ. Luận văn của tôi chưa ổn, tôi cũng chưa đủ tự tin để có thể giải quyết nó mà không có sự hướng dẫn trực tiếp từ giáo viên. Lúc đó, tôi chỉ biết cố gắng hết mức, giải quyết từng việc một. Giáo sư của tôi cũng rất nhiệt tình, nhà trường và các thầy cô trong khoa cũng giúp đỡ nên tôi đã hoàn thành khoá luận.
Tôi bảo vệ thạc sĩ online tháng 6/2020 và đạt điểm ưu. Sau đó, tôi được học lên tiến sĩ hệ ngành Quản lý Kinh tế. Tháng 9 cùng năm, tôi chính thức nhập học tiến sĩ online.
Với du học sinh, việc học online thực sự khó khăn. Nhiều bạn đăng ký hệ một năm tiếng, muốn sang trải nghiệm trước nhưng vì dịch bệnh phải ở nhà. Những bạn học đại học, thạc sĩ hay tiến sĩ giành học bổng toàn phần như CIS (học bổng Khổng tử) hay CSC (học bổng Chính phủ Trung Quốc) còn khó khăn hơn khi đến giờ vẫn chưa có chính sách cụ thể. Họ vẫn phải lên lớp đúng giờ, chi phí sinh hoạt tại Việt Nam phải tự chi trả. Việc học trực tuyến các môn chuyên ngành không đơn giản do họ không thể giao lưu hay trao đổi sau giờ học để có thể hiểu sâu hơn.
Những du học sinh đang làm nghiên cứu như tôi lại càng không dễ dàng vì ngoài việc học, chúng tôi phải có những bài báo khoa học - điều kiện bắt buộc để có thể tốt nghiệp.
Học trực tuyến, các du học sinh hệ nghiên cứu khó có thể trau dồi kinh nghiệm thực tiễn cũng như giảng dạy trong môi trường giáo dục. Trường cũng tạo điều kiện cho tôi dạy một số lớp cho sinh viên nhưng như vậy chưa đủ để tôi tiến bộ.
Ở bậc tiến sĩ, chúng tôi phải tự chủ nghiên cứu, tự lập làm việc song vẫn cần sự chỉ đạo trực tiếp từ giáo sư, thay vì nhắn qua Wechat hay QQ. Các giáo sư đều rất bận, không thể lúc nào cũng ngồi chờ tin nhắn của bạn.
Câu chuyện nghiên cứu online cũng là vấn đề khiến tôi đau đầu. Tôi ở Hải Dương và quê tôi luôn có tên trong bản đồ chống dịch ở các đợt, đỉnh điểm là tháng 8/2020 hay đầu năm vừa rồi. Mỗi lần tôi định đi điều tra thực tế tại các khu vực có rừng ngập mặn, tìm hiểu thu nhập của nông hộ, hệ sinh thái tại các tỉnh, dịch bệnh lại bùng trở lại.
Hai năm qua, rất nhiều du học sinh phải nghỉ học để đi làm, kiếm tiền trang trải cuộc sống, giúp đỡ gia đình. Những bạn đang cố gắng duy trì việc học rơi vào lo lắng môn học này sẽ thế nào, môn học kia đăng ký tín chỉ ra sao, sách giáo khoa, các loại giáo trình không đầy đủ, thời gian học cũng không ổn định, khiến tinh thần học tập sa sút. Sức khoẻ của họ cũng bị ảnh hưởng do một ngày ngồi trước máy tính 6-8 tiếng "nhìn vào hư không" vì càng học càng không hiểu.
Tháng 9 hàng năm là tháng nhập học. Trong các hội, nhóm du học trên Facebook, Zalo hay Wechat, các bạn bàn luận sôi nổi, hỏi han nhau nhập học ngày nào, hay chia sẻ các đồ dùng cần chuẩn bị và lưu ý trước khi lên đường sang Trung Quốc.
Hội du học sinh Việt Nam tại các tỉnh, thành phố ở Trung Quốc cũng ráo riết cập nhật tình hình số lượng du học sinh của từng trường, thành lập đội tình nguyện viên để giúp đỡ tân sinh viên, sắp xếp người đưa người đón để các bạn khỏi bỡ ngỡ và tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra trên đường nhập học. Việc này giờ đã trở thành văn hoá tương thân tương ái của người Việt xa xứ.
Nhưng hai năm nay, những câu chuyện trên chỉ còn là hoài niệm. Tôi nhớ cảm giác được cùng bạn bè hát vang Quốc ca khi tổ chức đại hội hay trong những cuộc liên hoan, cùng gói nem, làm chả, hay cầm lá cờ Việt Nam trên tay, mặc áo dài diễu hành tại một sự kiện nào đó trên đất bạn.
Đầu mỗi tháng, tôi thường đăng dòng chia sẻ "tháng sau nhập học", với mong muốn sớm được quay lại trường, tiếp tục nghiên cứu, tổ chức sự kiện cho du học sinh Việt Nam, tham gia các hoạt động học thuật cũng như ngoại khóa ở Trung Quốc.
Đoàn Bá Toại