Thông tin do Hiệp hội các đại học ở Hà Lan (UNL) công bố vào tuần trước, căn cứ số liệu ghi danh của sinh viên quốc tế.
Cụ thể, năm học này, khoảng 17.400 du học sinh đăng ký theo các khóa cử nhân - giảm chừng 1.000 người so với năm học trước, cũng là lượng tuyển sinh thấp nhất trong 4 năm qua.
Số du học sinh đăng ký vào các chương trình cử nhân kỹ thuật tăng 19%. Nhưng số chọn ngành khoa học tự nhiên, bao gồm trí tuệ nhân tạo, khoa học máy tính và khoa học dữ liệu giảm 13%. Ở ngành ngôn ngữ và văn hóa, mức giảm là 17%.
Sự sụt giảm là kết quả của chính sách thắt chặt tuyển sinh quốc tế của chính phủ và các đại học, do lo ngại tình trạng thiếu chỗ ở, lớp học quá đông và khối lượng công việc của giảng viên tăng.
Đầu năm ngoái, Hạ viện Hà Lan kêu gọi giảm tỷ lệ khóa học dạy bằng tiếng Anh. Khi đó, Bộ trưởng Giáo dục, Văn hóa và Khoa học - Robert Dijkgraaf yêu cầu các đại học và cao đẳng tăng cường sử dụng tiếng Hà Lan trong khuôn viên. Ông cũng muốn hạn chế số lượng sinh viên ngoài châu Âu (EU) để đảm bảo sinh viên Hà Lan và EU không bị thiệt thòi, ngăn chặn sự suy yếu về chất lượng giáo dục đại học.
14 đại học hàng đầu sau đó thông báo hạn chế tuyển sinh quốc tế, dừng mở mới các khóa học bằng tiếng Anh. Các đại học còn cân nhắc rà soát, chuyển chương trình dạy bằng tiếng Anh sang dạy bằng tiếng Hà Lan.

Sinh viên Đại học Công nghệ Delft, Hà Lan. Ảnh: TU Delft
Năm học trước, khoảng 128.000 sinh viên quốc tế ở Hà Lan. Nước này có 6 đại học nằm trong top 100 thế giới, theo xếp hạng Time Higher Education. Các đại học hàng đầu có hơn 40 chương trình giảng dạy bằng tiếng Anh. Học phí bậc cử nhân với sinh viên quốc tế dao động 6.000-15.000 euro (6.500-16.000 USD), bằng 1/2 so với Anh, Mỹ.
Chủ tịch UNL, ông Caspar Van Den Berg, lo ngại việc siết các chương trình dạy bằng tiếng Anh có thể xóa sổ nhiều ngành học, giảm sức hút với các nhân tài quốc tế.
Hãng kiểm toán PwC cho biết nếu lượng sinh viên ngoài EU giảm 10%, các đại học có thể phải gánh khoản lỗ từ 27 triệu đến 43 triệu euro mỗi năm.
Đại học Maastricht, nơi có 73% sinh viên là người nước ngoài, sẽ chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, tiếp theo là Đại học Twente (48% sinh viên quốc tế), Đại học Amsterdam (45%) và Đại học Groningen (40%).
Phó Giáo sư Ben Jongbloed từ Trung tâm Chính sách giáo dục đại học, Đại học Twente, nhận định các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học) vẫn cần du học sinh để đáp ứng nhu cầu lao động, trong khi một số ngành như tâm lý học có thể cân nhắc điều chỉnh quy mô tuyển sinh.
Không chỉ Hà Lan, nhiều quốc gia khác đang áp dụng các biện pháp hạn chế sinh viên quốc tế. Tại Canada, loạt chính sách visa mới đã khiến số giấy phép du học giảm 45%, chỉ còn 280.000 trong 10 tháng của năm ngoái. Tại Anh, lượng đơn xin visa du học giảm 14%, xuống còn 407.900, sau khi Chính phủ ban hành quy định hạn chế người phụ thuộc đi theo sinh viên.
Thanh Thư (Theo UNL, THE, IRCC)