Ngô Di Lân (20 tuổi), sinh viên ĐH Maastricht University (Hà Lan), hiện theo học tại University of Connecticut (Mỹ) dưới chương trình trao đổi sinh viên xuất sắc, cho rằng việc gộp hai kỳ thi tốt nghiệp và đại học thành một kỳ quốc gia chung và sử dụng kết quả tốt nghiệp để xét tuyển đại học của Việt Nam có tác dụng tích cực là giảm tải chuyện thi cử vốn rất nặng nề. Từng sống tại Anh, học cấp 3 ở Thụy Điển và chu du qua 20 quốc gia, Lân cho biết, mô hình này đã được nhiều nước áp dụng. Tuy nhiên, chương trình giáo dục cấp 3 của họ đã được xây dựng để phục vụ cho một kỳ thi như vậy. Còn Việt Nam cho thi vài môn để xét tuyển đại học, nhưng vẫn yêu cầu học sinh học 11-12 môn, gây sự dàn trải.
Ở cấp 3 của Thuỵ Điển, Ngô Di Lân chỉ phải học 6 môn, trong đó 3 môn bắt buộc, 3 môn được tự chọn. Khi thi tốt nghiệp, Lân sẽ thi tất cả môn và sử dụng điểm đó để xét vào các đại học em đã đăng ký trước đó. Mỗi đại học sẽ có yêu cầu riêng về tổng điểm, hoặc tổng điểm và điểm một môn nhất định nào đó để vào được khoa chuyên ngành.
Trịnh Diệu Hoa (19 tuổi) vừa kết thúc khóa học A-level 2 năm (tương đương với phổ thông của Việt Nam) ở trường Brooke House College (Vương quốc Anh) cho biết, cô chỉ cần học 4 môn tự chọn chứ không phải dàn trải 11 môn trong suốt 3 năm như học sinh Việt Nam. Bước sang năm thứ 2, tùy vào kết quả thi và định hướng tương lai mà học sinh có thể bỏ một môn để tập trung vào 3 môn còn lại.
Các học sinh ở Anh sẽ trải qua kỳ thi quốc gia rất cam go và sử dụng điểm thi đó cùng bài luận 4.000 từ giải thích vì sao mình chọn ngành học nào đó để xét tuyển đại học. Đa phần các đại học ở Anh chỉ yêu cầu điểm của 3 môn học (tính cả 2 năm A level) và không cố định môn đó là gì. Ví dụ trường ra điều kiện học sinh phải đạt điểm 3 môn loại AAB, bạn học 3 môn: Toán, Toán cao cấp, Kinh tế thì điểm B có thể ở bất cứ môn nào.
Theo Hoa, nếu Việt Nam tổ chức một kỳ thi chung thì sẽ giảm tải được thi cử, giúp học sinh có thái độ nghiêm túc hơn trong học tập. Hiện nhiều học sinh Việt Nam khá xem nhẹ kỳ thi tốt nghiệp THPT bởi cho rằng tốt nghiệp loại gì không ảnh hưởng đến thi đại học và điểm số của những năm học cấp 3 không liên quan tới học đại học.
Lê Hà Thu (18 tuổi, Việt kiều tại Cộng hoà Czech) và Nguyễn Thị Huyền Trang (sinh viên ĐH Kinh tế quốc dân Belarus, cựu học sinh cấp 3 trường Phổ thông cơ sở Yakuba Kolasa, thành phố Minsk, CH Belarus) cũng tán đồng việc giảm số môn học cho học sinh Việt Nam và tổ chức một kỳ thi chung, lấy điểm tốt nghiệp xét tuyển đại học.
Với 3 phương án môn thi cho kỳ thi quốc gia mà Bộ GD&ĐT Việt Nam đưa ra, các du học sinh cho rằng "chưa có phương án nào thực sự hợp lý". Theo Lân, phương án 2 và 3 (gộp 8-11 môn học vào các đề thi tổng hợp) vẫn gây dàn trải quá nhiều và những đề thi "tổng hợp" liệu có đảm bảo chất lượng? Trong khi đó, phương án 1 (thi 4/8 môn) lại hơi thiếu chiều rộng kiến thức. "Thay vì dự thi 4 môn với 3 môn Toán, Văn, Ngoại Ngữ bắt buộc, theo em nên thi 5 môn, tách Hoá/Lý/Sinh làm một nhóm và Sử/Địa làm một nhóm khác. Như vậy thì khá giống mô hình chương trình IB tú tài quốc tế mà nhiều quốc gia đã áp dụng", Lân nói.
Du học sinh tại Vương quốc Anh Trịnh Diệu Hoa cho rằng hai phương án đầu chưa ổn vì học sinh chỉ được lựa chọn 1 môn học yêu thích để thi trong khi có 3 môn bắt buộc. "Điểm thi tốt nghiệp THPT lại được dùng để xét tuyển vào đại học. Như vậy với những bạn chỉ có thiên hướng các môn tự nhiên có thể không làm bài tốt ở môn Văn. Điều này ảnh hưởng đến tổng điểm thi và đương nhiên cả việc vào đại học", Hoa phân tích.
Ở phương án 3, học sinh có nhiều lựa chọn hơn 2 phương án đầu nhưng vẫn phải thi đủ môn Tự nhiên, Xã hội, Ngoại ngữ và Toán. Theo Hoa, điều này không đánh giá được năng lực của học sinh vì mỗi người chỉ có một thiên hướng nhất định và chỉ thi đạt kết quả cao khi đó là môn học mình yêu thích.
Võ Xuân Hoài (cựu sinh viên ĐH Paris 1 Panthéon-Sorbonne, Pháp) nhận thấy, ở cả 3 phương án đều có 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Như vậy, không có sự công bằng giữa các địa phương vì ở nhiều nơi, Ngoại ngữ chưa phải môn học phổ biến. Ngoại ngữ là môn bắt buộc cũng là lợi thế cho những học sinh có định hướng học các môn thuộc khối D.
Ở phương án thứ nhất, theo Xuân Hoài, sẽ rất khó có thể làm cơ sở cho các trường xét tuyển đại học, ví dụ trường kỹ thuật yêu cầu Toán, Lý, Hóa phải tốt... Phương án 3, Bộ GD&ĐT quá tham vọng với mong muốn học sinh học toàn diện và thêm gánh nặng cho các em khi phải học quá nhiều môn. "Chúng ta nên đặt vấn đề nhu cầu của xã hội cần những con người giỏi về chuyên môn, lĩnh vực cụ thể, chứ không cần những con người cái gì cũng biết nhưng không chuyên sâu vấn đề gì, dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ như hiện nay", cựu du học sinh Pháp nói.
Phương án thứ 2, theo Xuân Hoài có phần nào giảm thiểu được một số khuyết điểm của phương án 1 và 3. Tuy nhiên, việc giải quyết vấn đề 1 bài thi tổng hợp có nhiều môn, nhiều người chấm không phải là đơn giản, quản lý không tốt cũng là cơ hội cho tiêu cực phát triển.
Các du học sinh đề cao việc đảm bảo được chất lượng, tính minh bạch của kỳ thi quốc gia chung và quan trọng hơn nữa là đổi mới giáo trình THPT để giáo dục Việt Nam đi đúng hướng phát triển của thế giới.
Ba phương án ra đề cho kỳ thi quốc gia chung thay thế thi tốt nghiệp và thi đại học của Bộ Giáo dục: Phương án 1 là theo môn thi. 8 môn gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ. Có 8 buổi thi trong 4 ngày, mỗi buổi thi một môn. Để được xét công nhận tốt nghiệp, mỗi thí sinh phải dự thi 4 môn gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ và một môn do thí sinh tự chọn trong số các môn Hoá, Lý, Sinh, Sử, Địa. Phương án 2 là thi theo bài. Trong kỳ thi, 8 môn học ở lớp 12 gồm Toán, Văn, Lý, Hoá, Sinh, Sử, Địa và Ngoại ngữ được chọn để tổng hợp thành 5 bài thi gồm bài thi Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, bài thi Khoa học tự nhiên (gồm Lý, Hóa, Sinh) và bài thi Khoa học xã hội (gồm Sử và Địa). Mỗi thí sinh phải thi 4 bài gồm 3 bài thi bắt buộc là Toán, Văn, Ngoại ngữ. Thí sinh chọn một trong hai bài thi Khoa học tự nhiên hoặc Xã hội. Phương án 3 cũng thi theo bài. 11 môn học lớp 12 THPT gồm: Toán, Ngữ văn, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Ngoại ngữ, Tin học, Công nghệ và Giáo dục công dân được tuyển chọn để tổng hợp thành 4 bài thi. Theo đó, sẽ có bài thi Toán - Tin (gồm các môn Toán và Tin học); Bài thi Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học và Công nghệ); Bài thi Khoa học xã hội (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân); Bài thi Ngoại ngữ. Tất cả sẽ có 4 buổi thi được tổ chức trong 2 ngày, mỗi buổi thi một bài. |
Quỳnh Trang