Ấp ủ ước mơ du học Anh ngay từ khi còn là học sinh THPT, chị Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Giáo dục STEM, ĐH Sư phạm TP HCM, từng học Tiến sĩ ngành Hóa học tại ĐH Birmingham. Sau nhiều năm trải nghiệm nền giáo dục nơi đây, trở về nước, chị góp phần áp dụng các phương pháp tiên tiến vào Việt Nam.
- Sau khi tốt nghiệp, chị đã thực hiện những dự án, nghiên cứu giáo dục nào?
- Tôi tham gia một số dự án giáo dục trong nước và hợp tác với Anh. Trong Dự án xây dựng tài liệu và chủ đề giáo dục STEM trong giáo dục trung học của Chương trình giáo dục trung học giai đoạn 2, tôi tham gia biên soạn tài liệu và tập huấn cho đại diện cán bộ quản lý, giáo viên 63 tỉnh thành theo chương trình Tập huấn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về giáo dục STEM, chương trình giảng dạy dựa trên ý tưởng trang bị cho người học những kiến thức, kĩ năng liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học theo cách tiếp cận liên môn.
Tiếp đó, tôi cùng đội ngũ giảng viên biên soạn chương trình tập huấn giáo viên về chương trình tổng thể và chương trình môn Hoá học theo ETEP (Dự án phát triển năng lực các trường đại học).
Tôi còn góp sức xây dựng chuỗi dự án hợp tác giữa ĐH Thành phố Birmingham và 3 trường đại học tại Việt Nam: ĐH Nguyễn Tất Thành, ĐH Sư phạm TP. HCM, ĐH Giáo dục - Hà Nội với sự tài trợ của Hội đồng Anh bao gồm: Dự án về nâng cao năng lực của sinh viên đáp ứng nhu cầu tuyển dụng; Dự án về phát triển chuyên môn cho giảng viên các cơ sở giáo dục đại học; Khảo sát, đánh giá và đề xuất một số giải pháp giúp giảng viên có cơ hội phát triển chuyên môn.
Hiện, tôi cùng các trường đại học này thực hiện dự án thành lập Hiệp hội phát triển chuyên môn quốc tế - IPDA (International Professional Development Association) tại Việt Nam. Tổ chức hoạt động với mục đích tạo cộng đồng học thuật, từ đó, hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển nghề nghiệp và chuyên môn của các nhà giáo dục và các chuyên ngành khác; tăng cường sự tham gia trao đổi và công bố kết quả nghiên cứu khoa học giáo dục và chuyên ngành hướng đến việc hình thành các nhóm nghiên cứu...
- Tại sao sau khi trở về Việt Nam, chị lại hướng đến việc phát triển, cải thiện chất lượng nền giáo dục Việt Nam?
- Đầu tiên, tôi nhìn thấy sự khác biệt rất lớn trong nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh giữa chương trình Việt Nam và chương trình ở Anh. Học sinh Việt Nam có thể nhớ nhiều kiến thức hơn nhưng khi gặp vấn đề lại không thể vận dụng các kiến thức đã học để giải quyết, từ vấn đề nhỏ của cá nhân đến các vấn đề phức tạp hơn ngoài xã hội. Ngoài ra, các em cũng chưa có ý thức và kiến thức, tinh thần trách nhiệm trong các vấn đề chung của quốc gia và toàn cầu.
Nguyên nhân là học sinh chưa được tạo nhiều cơ hội để thấu hiểu trách nhiệm công dân toàn cầu. Các yêu cầu học tập chưa giúp học sinh phát triển tốt các năng lực chung và phẩm chất cá nhân, từ đó, ảnh hưởng đến chất lượng đội ngũ lao động đáp ứng nhu cầu xây dựng và phát triển đất -nước.
- Khi làm việc tại Việt Nam, những kiến thức, kỹ năng tích lũy ở Anh đã giúp gì cho chị?
- Khi về Việt Nam, những kiến thức, kĩ năng tích luỹ được trong quá trình làm đề tài và kinh nghiệm khi tham gia hỗ trợ hai thầy hướng dẫn sinh viên cao học, giảng dạy sinh viên tại Anh đã giúp tôi cải thiện phương pháp và định hướng sinh viên khi giảng dạy đại học và sau đại học cũng như trong việc thực hiện các đề tài chuyên ngành.
Đặc biệt với cá nhân tôi, vì rất thích mảng giáo dục và do con tôi cùng đi và theo học chương trình Tiểu học trong quá trình tôi học tại Anh nên ngoài các hội thảo chuyên ngành Hoá học Vật liệu, Năng lượng, tôi thường tranh thủ đi dự các chuyên đề, hội thảo, chương trình liên quan đến Giáo dục và đào tạo, tuyển dụng giáo viên tại Anh. Những trải nghiệm này giúp tôi có những dự định, ấp ủ về một số chương trình giáo dục khi về nước, một trong số đó là Giáo dục STEM.
- Theo chị, giáo dục Việt Nam có thể học hỏi những gì từ nền giáo dục Vương quốc Anh?
- Môi trường học tập ở Anh rất đa dạng, nhưng hầu hết đều năng động và định hướng đáp ứng nhu cầu xã hội. Tại trường tôi theo học, môi trường rất thân thiện với sinh viên quốc tế đến từ 150 nước trên thế giới. Người học được tiếp cận với chương trình học mang tính thực tiễn cao với trang thiết bị hiện đại, đặc biệt là thư viện của trường là một trong những thư viện hiện đại nhất châu Âu.
Ngoài giờ học, các trường tại Anh còn có rất nhiều hoạt động của các câu lạc bộ, các cộng đồng sinh viên của trường và sinh viên các nước, bao gồm các hoạt động khám phá văn hoá địa phương và văn hoá các nước, thể thao, thiện nguyện...
Với những thay đổi trong chương trình tổng thể và chương trình các môn học ban hành cuối tháng 12/2018, chương trình giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ có những cập nhật về nội dung và thay đổi các phương pháp giảng dạy, đánh giá theo xu thế các nước có nền giáo dục phát triển, trong đó có Vương quốc Anh.
Theo tôi, một số điều giáo dục Việt Nam có thể học từ Anh là việc học sinh thường xuyên được tham gia các hoạt động trải nghiệm, khám phá trong các môn học, tham gia các dự án giải quyết các vấn đề, đặc biệt là trong các môn khoa học tự nhiên nhằm nâng cao tình yêu thiên thiên, ý thức bảo vệ môi trường và các kĩ năng thực hành, năng lực giải quyết vấn đề cho học sinh.
Học sinh Anh cũng được rèn luyện tính tự lập từ nhỏ. Từ năm lớp 3, các bạn sẽ được tham gia chuyến đi với lớp và giáo viên qua đêm, không có phụ huynh đi kèm. Học sinh sẽ tập tự làm các công việc cá nhân, giáo viên chỉ hỗ trợ khi thật sự cần thiết. Đồng thời, các em cũng được hướng dẫn về quyền của trẻ em và các cách bảo vệ thân thể từ rất sớm, biết cách tìm trợ giúp khi cần thiết ngay từ lớp 1.
Ngoài ra, trẻ em được đánh giá dựa trên sự tiến bộ so với chính bản thân các em và hướng đến chuẩn tối thiểu hơn là so sánh các học sinh với nhau. Khi họp phụ huynh, mỗi phụ huynh chỉ biết kết quả riêng của con mình, giáo viên và phụ huynh trao đổi những điểm mạnh, yếu, cần lưu ý ở lớp và ở nhà của từng học sinh. Các câu hỏi, bài tập, bài thi hướng đến đáp án mở, học sinh được quyền đưa ra nhiều đáp án, phương án, giải pháp và bảo vệ cho ý kiến của mình.
- Trong quá trình giảng dạy, chị cho rằng các phương pháp giáo dục của Anh cần được điều chỉnh như thế nào để có thể ứng dụng vào Việt Nam?
- Đầu tiên, sự điều chỉnh phải dựa vào điều kiện thực tiễn trong bối cảnh Việt Nam và yếu tố văn hoá địa phương. Do số lượng học sinh trong lớp tại các trường công lập còn cao, có nơi thậm chí trên 50 học sinh một lớp nên việc áp dụng các phương pháp dạy học tích cực hướng đến sự phát triển từng cá nhân học sinh còn là bài toán khó. Vì vậy, các trường học cần có lời giải cụ thể cho từng mục tiêu ở từng giai đoạn.
Bước đầu, chúng ta cần hướng dẫn cho học sinh có năng lực tự học và cách làm việc nhóm hiệu quả, tư duy và cách thức làm việc có khoa học trước khi giáo viên áp dụng các phương pháp dạy học theo nhóm, làm dự án... như ở Anh, đặc biệt đối với những địa phương, nhà trường còn nhiều khó khăn.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học cũng cần được xem xét và điều chỉnh phù hợp với điều kiện của từng địa phương, từng trường, thậm chí, từng hoàn cảnh gia đình học sinh. Mục tiêu, lứa tuổi áp dụng các phương pháp cũng cần được nghiên cứu, khảo sát đảm bảo phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý và văn hoá Việt Nam.
- Chị gặp những khó khăn gì khi vừa giảng dạy, vừa tham gia xây dựng các dự án nâng cao năng lực ứng viên, phát triển chuyên môn cho giảng viên, nghiên cứu phương pháp giảng dạy, thành lập IPDA?
- Khó khăn lớn nhất của tôi là thời gian khi vừa phải sắp xếp thời gian cho tất cả công việc giảng dạy, nghiên cứu, các dự án, các hoạt động giáo dục, vừa gia đình và con nhỏ. Ngoài ra, vấn đề kinh phí cũng hạn chế ít nhiều các ý tưởng và việc triển khai rộng các hoạt động giáo dục.
Tuy nhiên, việc khởi xướng và tiến hành các bước thành lập chi nhánh IPDA tại Việt Nam nhận được sự hỗ trợ của Hội đồng Anh với việc kết Mạng lưới các trường đại học tham gia hợp tác giáo dục đại học Vương quốc Anh - Việt Nam (UK–VN HEP) và sự đồng thuận của các trường thành viên. Tôi hy vọng, dự án sẽ hoàn thành trong năm 2020.
- Hội đồng Anh bắt đầu mở đơn tiếp nhận hồ sơ cho Giải thưởng Study UK Alumni Awards 2020-2021, chị mong muốn điều gì khi tham gia giải thưởng này?
- Tôi gửi đăng kí giải thưởng với mong muốn chia sẻ thêm một góc nhìn về việc học tại Anh và những trải nghiệm đáng giá mình mang về sau khi du học. Môi trường học tập và sinh sống tại Anh đã giúp tôi ngoài việc nâng cao năng lực chuyên ngành còn có thêm nhiều kĩ năng mềm, giúp bản thân tự tin hơn, có thêm mạng lưới kết nối trong công việc và những người bạn gắn bó từ khi học đến nay.
Không thể phủ nhận bằng tiến sĩ tại Anh cũng giúp tôi được đánh giá cao hơn, có thêm nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp và bản thân. Cuối cùng, xin gửi gắm các bạn đang phân vân nên đi du học nước nào: Hãy đến học và trải nghiệm môi trường giáo dục và văn hoá Anh, tôi tin chắc bạn sẽ không hối hận.
Nhật Lệ
Giải thưởng Study UK Alumni Awards dành cho các cựu sinh viên hiện đang cư trú ở bất kỳ quốc gia nào bên ngoài Vương quốc Anh, những người đã từng học tập tối thiểu một học kì tại một trường đại học được công nhận tại Anh hoặc đã được cấp bằng bậc đại học hoặc cao hơn của Vương quốc Anh trong vòng 15 năm qua, thông qua chương trình liên kết giáo dục giữa một trường Vương quốc Anh và một cơ sở giáo dục ở nước ngoài.
Giải thưởng danh giá này được tổ chức với mục đích vinh danh những thành tích xuất sắc của các cựu sinh viên Vương quốc Anh trên khắp thế giới.
Giải thưởng có 3 hạng mục: Professional Achievement, Entrepreneurial và Social Impact. Giải thưởng dành cho người chiến thắng cuộc thi là một chuyến đi tới Vương quốc Anh. Ngoài ra, khi tham gia chương trình, bạn có cơ hội nâng cao hình ảnh của mình trên trường quốc tế, mở rộng các mối quan hệ và phát triển sự nghiệp. Đơn đăng ký được mở bắt đầu từ 2/9 đến 30/10. Để tìm hiểu thêm thông tin chi tiết, độc giả truy cập tại đây.