Trần Kim Phượng, 28 tuổi, cựu du học sinh ngành Kinh doanh quốc tế của Đại học Melbourne (University of Melbourne), hiện là nhân viên phân tích dữ liệu tại Australia. Từ trải nghiệm không mấy tốt đẹp với các trung tâm tư vấn, Phượng chia sẻ ý kiến về nguyên nhân và hậu quả của việc du học sai ngành.
"Em thích học ngành gì?" là câu hỏi thường bị các trung tâm tư vấn du học bỏ qua. Không phải đi Mỹ, Australia hay Anh theo trào lưu; mà học ngành gì, định hướng làm công việc gì mới là quan trọng. Các bậc phụ huynh cũng cần quan tâm đến câu hỏi này.
Khi còn học lớp 12, tôi đã không thể trả lời rõ ràng câu hỏi về ngành học yêu thích. Thay vì giúp tôi gỡ rối, chị tư vấn viên chỉ chú trọng giới thiệu những khóa học, các quốc gia mọi người thường lựa chọn. Cuộc tư vấn sau đó xoay quanh các nội dung như ngành nào nhiều người học, trường nào thứ hạng cao, nước nào chi phí phải chăng. Chị không thực sự quan tâm tới sở thích, thế mạnh cũng như định hướng tương lai của tôi.
Mỗi khi nghĩ lại, tôi đều thấy may mắn vì đã quyết định không du học thời điểm đó. Nếu không, tôi có thể đã mất 4-5 năm học và rất nhiều tiền bạc, công sức cho một thứ không chắc mình đã phù hợp.
Ở tuổi 16-17, không chỉ tôi mà đa phần bạn trẻ không biết mình muốn gì và chưa thể tự định hướng nghề nghiệp tương lai. Nếu nhân viên ở trung tâm tư vấn du học hay mentor (người cố vấn) không có kỹ năng hướng nghiệp, các bạn rất dễ chọn phải ngành học không phù hợp.
Vân - người quen của tôi - là ví dụ điển hình cho tình trạng du học không định hướng. Em sang Australia học bậc cử nhân thông qua tư vấn của một trung tâm nổi tiếng. Sau quá trình trao đổi, Vân được khuyên chọn ngành Thương mại (Commerce). Cô bé khi đó đang học lớp 11, không biết nên chọn ngành nào, còn bố mẹ Vân cho rằng ngành này tương tự các ngành của Đại học Ngoại thương ở Việt Nam nên có thể sẽ tốt. Commerce ở các trường đại học Australia là một ngành về kinh doanh, kinh tế chung chung mà tới hơn 80% sinh viên là du học sinh.
Sau hơn hai năm học, Vân nhận ra mình không hứng thú gì với các môn kinh tế, kinh doanh. Hơn thế nữa, ngành Commerce rất khó xin việc tại Australia nếu không phải là người bản xứ.
Vân rất muốn chuyển sang học ngành Kỹ sư phần mềm (Software engineering), nhưng hệ thống trường đại học của Australia không cho phép sinh viên đăng ký học các môn thuộc chuyên ngành khác. Cuối cùng, Vân quyết định học song song thêm một bằng cử nhân nữa. Em chia sẻ với tôi rằng rất hối hận với lựa chọn ngành học ban đầu vì nó khiến em và gia đình lãng phí rất nhiều tiền bạc và thời gian.
Đây chỉ là một trong rất nhiều du học sinh gặp rắc rối với việc lựa chọn ngành học mà tôi biết. Có bạn phải học thêm bằng đại học khác, có bạn học thêm môn để lên cao học chương trình mà mình mong muốn và có những bạn chật vật học thêm nhiều chứng chỉ phụ để tìm việc. Điểm chung của các bạn này là không được tư vấn kỹ càng về ngành học cũng như không dành đủ thời gian để xét xem ngành đó có phù hợp với mình không.
Mentoring hay tư vấn du học là dịch vụ hỗ trợ rất quen thuộc. Tôi cũng thường chia sẻ kinh nghiệm về học bổng, du học và có cơ hội tiếp xúc với rất nhiều dịch vụ như thế. Tôi nhận thấy hầu như các dịch vụ tư vấn hiện nay chỉ tập trung vào tư vấn chọn trường và điểm đến. Việc tư vấn ngành học rất sơ sài, chỉ giới thiệu các ngành nổi bật của trường, những ngành dễ xin việc mà ít chú ý ngành đó có phù hợp hay người học có thực sự thích không.
Du học là một trong những quyết định quan trọng của rất nhiều người, không chỉ bởi nó tốn kém và cần sự chuẩn bị nhiều hơn so với học tập trong nước mà còn vì nó mở ra nhiều cơ hội trong tương lai. Và những cơ hội đó phụ thuộc rất nhiều vào lựa chọn ngành học ban đầu.
Để chọn được ngành học phù hợp với sở thích và khả năng của bản thân, việc thử nghiệm là rất quan trọng. Ví dụ nếu bạn nghĩ mình phù hợp với ngành Khoa học máy tính (Computer science), hãy dành thời gian để thử xem điều bạn nghĩ có thực sự đúng không. Đầu tiên, bạn có thể tìm hiểu các nguồn có sẵn trên Internet như là các mô tả, bài viết, video chia sẻ của những người đã và đang theo đuổi ngành này. Bạn cũng có thể nói chuyện với một anh/chị nào đó đã hoặc đang học. Tốt hơn nữa là tham gia một khoá học Computer science online dành cho người bắt đầu.
Có trải nghiệm thực tế sẽ giúp bạn có cái nhìn chính xác hơn, tránh bị sốc khi ngành học không giống như tưởng tượng đồng thời tránh mất quá nhiều thời gian, công sức vào một thứ không thực sự dành cho mình.
Quốc Dũng ghi