Ông Linh, Giám đốc điều hành Career Pass Institute (CPI), chuyên đào tạo và định hướng kỹ năng nghề nghiệp quốc tế, nêu quan điểm trên tại hội thảo Hành trình ứng tuyển và thành công trên đất Mỹ của Tổ chức giáo dục Summit, chiều 5/1.
"Du học xong rồi về ngay rất uổng", ông Linh nói. "Quyết định này có thể khiến các bạn mất cơ hội làm việc ở nhiều tập đoàn đa quốc gia".
Phân tích kỹ hơn với thị trường Mỹ, ông Linh cho rằng nếu không có hỗ trợ tài chính, trung bình mỗi gia đình trả khoảng 200.000-400.000 USD (5-10 tỷ đồng) cho 4 năm du học. Đây là mức đầu tư lớn, và sẽ lãng phí nếu không tận dụng được những cơ hội nghề nghiệp ở nước ngoài.
Gần 20 năm từ lúc đến Mỹ, trải qua nhiều công việc, ông Linh thấy rằng môi trường đại học chủ yếu cung cấp kiến thức học thuật, còn kỹ năng mềm và cơ hội phát triển nghề nghiệp sẽ được tích lũy trong quá trình đi làm.
Vì vậy ông khuyên dù có ý định về nước, du học sinh vẫn nên ở lại Mỹ làm một vài năm để học hỏi chuyên môn trong môi trường quốc tế. Với kinh nghiệm đã có thì khi về nước, họ cũng có cơ hội tìm vị trí tốt cao hơn. Ngược lại, nếu chỉ có kiến thức mà thiếu trải nghiệm thực tế, du học sinh sẽ không tạo ra khác biệt, thậm chí khó cạnh tranh với sinh viên từ các đại học top đầu trong nước.
"Những bạn chắc chắn về Việt Nam và gia đình đã có nền tảng thì chỉ cần 2-3 năm kinh nghiệm quốc tế. Còn bạn nào muốn về nước, làm ở các vị trí cấp cao, chuyên gia thì cần 7-10 làm việc ở nước ngoài", ông Linh nhận định.
Trong gần 8 năm làm tư vấn nghề nghiệp cho hàng trăm ứng viên, ông Linh thấy rằng để có việc tốt ngay khi ra trường, du học sinh nên chuẩn bị từ năm thứ nhất. Họ có thể xin tham gia các dự án nghiên cứu ở trong trường hay về Việt Nam thực tập. Ông Linh lưu ý nếu muốn hồ sơ có sức nặng, sinh viên nên tìm các công ty có yếu tố quốc tế, đa quốc gia.
Cùng đó, du học sinh tìm cách kết nối với cựu sinh viên để biết mình cần cải thiện những gì cho hồ sơ. Nếu làm trong công ty mà sinh viên muốn ứng tuyển, họ có thể đề cử, kết nối bạn tới bộ phận nhân sự, giúp tăng cơ hội được nhận việc.
Nguyễn Nhật Quang, 23 tuổi, kỹ sư phần mềm tại Microsoft, từng dùng cách này khi còn là sinh viên Đại học Rice, Mỹ. Học ngành Khoa học máy tính, ngay khi mới vào trường, Quang đã tham gia câu lạc bộ về lập trình, thực hiện các dự án quy mô nhỏ để lấy kinh nghiệm và mở rộng mối quan hệ.
Tới mùa hè năm thứ hai, anh bắt đầu "rải đơn" để tìm cơ hội bên ngoài, sau đó nhờ một đàn anh kết nối mà trúng tuyển vị trí thực tập ở Facebook. Quang cho rằng đây là bước ngoặt để anh tới Nvidia vào mùa hè năm sau, cuối cùng là có việc tại Microsoft như hiện tại.
Theo Quang, sinh viên không nên xem nhẹ các cơ hội nghiên cứu, hoạt động câu lạc bộ và các dự án trong trường, mà cần tận dụng. Đây là những "viên gạch" đầu tiên để "xây" hồ sơ, nên nếu làm tốt, rất nhiều cơ hội sẽ mở ra.
Dương Hà Anh, sinh viên năm cuối ngành Khoa học máy tính ở Đại học Brown, Mỹ, cũng đồng tình cần chuẩn bị sớm, tận dụng cơ hội kết nối, làm việc trong trường để gia cố hồ sơ xin việc.
Không có giải thưởng hay chứng nhận nào, song Hà Anh lần lượt được nhận thực tập ở Uber, Apple, gần đây được Microsoft tuyển dụng. Theo cô, điểm sáng trong hồ sơ của mình là sự cầu tiến, thể hiện đam mê với lĩnh vực. Từ năm thứ nhất, cô làm trợ giảng cho nhiều môn chuyên ngành, thường xuyên mày mò, lập trình mỗi khi có thời gian rảnh để nâng cao kỹ năng. Việc chuẩn bị sớm còn giúp cô có đủ thời gian để học thêm nhiều kiến thức ngoài chương trình, như ngôn ngữ lập trình Swift, để đáp ứng yêu cầu công việc.
Bên cạnh chuyên môn, cả Nhật Quang và Hà Anh đều cho rằng ứng viên nên kiên trì và quyết tâm nếu muốn tìm việc tốt ở Mỹ. Hai du học sinh từng trải qua thời gian gửi hàng trăm hồ sơ, nhưng chỉ có vài nơi hồi âm.
Ông Dương Văn Linh cũng nhấn mạnh điều này.
"Các bạn phải lì đòn. Quá trình ứng tuyển sẽ gặp rất nhiều thử thách, thất bại, nhưng không sao, ngã ở đâu mình đứng lên ở đó", ông nhắn nhủ.
Thanh Hằng