Chính sách mới được Chính phủ Australia đưa ra hôm 26/8, có hiệu lực từ 1/10. Ngoài ra, các trường không được cho sinh viên học các khóa bổ sung khi chưa hoàn thành chương trình chính đủ sáu tháng, ngay từ bây giờ.
Động thái này diễn ra sau khi Australia điều chỉnh số giờ làm thêm của sinh viên quốc tế còn 24 giờ mỗi tuần từ 1/7, thay vì không giới hạn như trước. Theo nhà nghiên cứu Ly Tran ở Đại học Deakin, nếu sinh viên có thể làm việc không giới hạn số giờ, nhiều người sẽ chọn làm như vậy thay vì ưu tiên cho các kỳ thi.
Vì vậy, việc yêu cầu sinh viên quốc tế có khoản tiền tiết kiệm lớn hơn nhằm để họ tập trung vào việc học, cũng như giảm nguy cơ bị bóc lột do cần đi làm để kiếm tiền trang trải cuộc sống.
Các biện pháp trên cũng để giải quyết việc nhiều cơ sở giáo dục lạm dụng chính sách cho phép sinh viên theo học hai chương trình cùng lúc ở Australia. Thông thường, sinh viên chỉ được phép đăng ký khóa thứ hai sau khi đã tham gia khóa học chính được 6 tháng. Tuy nhiên, sau khi tới Australia, nhiều người bỏ sang đăng ký các chương trình học nghề giá rẻ để đi làm sớm.
Từ đầu năm đến nay, số sinh viên quốc tế đăng ký đồng thời hai chương trình tăng từ 10.500 lên 17.000. Trong khi đó, một thống kê của Bộ Giáo dục Australia cho thấy, từ năm 2018 đến 2021, phần lớn sinh viên đăng ký khóa bổ sung sẽ bỏ khóa học ban đầu ngay sau tháng đầu tiên.
Các cơ quan giáo dục và trường cao đẳng nghề bị cáo buộc đã thu lợi từ việc sinh viên "nhảy" khóa học.
Một đại diện của hiệp hội các trường Australia tại Ấn Độ nói mặc dù khóa học thứ hai là một lựa chọn tốt cho sinh viên, nhưng cũng là sơ hở khiến một số trường nghề làm ăn phi pháp.
"Lỗ hổng chính sách đang thu hút những sinh viên không chân chính, gia tăng tình trạng lừa đảo và ảnh hưởng tới thương hiệu giáo dục quốc tế của Australia", vị này nói.
Jason Clare, Bộ trưởng Bộ Giáo dục, cho biết biện pháp mới sẽ ngăn các cơ sở giáo dục thứ hai "săn" sinh viên quốc tế, trước khi họ học đủ sáu tháng bắt buộc tại trường đầu tiên.
Còn theo Clare O'Neil, Bộ trưởng Nội vụ Australia, thay đổi sẽ giúp duy trì danh tiếng toàn cầu của Australia về chất lượng giáo dục. Giáo dục quốc tế hiện là mặt hàng xuất khẩu lớn thứ tư của nước này.
"Chính phủ không khoan dung với những người bóc lột sinh viên", O'Neil nói.
Các nhóm trường có khả năng gian lận cao sẽ bị giám sát chặt chẽ hơn. Các dịch vụ giáo dục kém chất lượng có thể bị đình chỉ hoạt động, căn cứ theo số lượng đơn đăng ký gian lận và tỷ lệ từ chối thị thực của sinh viên. Hiện hơn 200 trường có tỷ lệ sinh viên bị từ chối cấp thị thực hơn 50%.
Các biện pháp mới được các trường đại học hàng đầu Australia hoan nghênh.
Đến tháng 5, khoảng 610.000 sinh viên quốc tế đến Australia học tập, gần như phục hồi so với trước đại dịch Covid-19. Chi phí học tập và sinh hoạt ở đây trung bình là 40.000-60.000 AUD (0,6-1 tỷ đồng) một năm cho bậc đại học.
Hơn 23.500 sinh viên người Việt đang ở Australia, xếp thứ 6 về số sinh viên quốc tế, sau Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Colombia và Philippines.
Khánh Linh (Theo SBS, The Pie News)