Các chuyên gia dược phẩm, virus học, miễn dịch học và hậu cần, ngày 11/3 đưa ra dự đoán và những điều kiện để tuyên bố chiến thắng đại dịch. Tình huống giả định là đến cuối tháng 5, Mỹ có đủ 500 triệu liều vaccine gồm 400 triệu từ Pfizer-BioNTech và Moderna, 100 triệu liều từ Johnson & Johnson, theo lời hứa của Tổng thống Joe Biden.
Bà Pamela Bjorkman, nhà sinh học cấu trúc tại Viện Công nghệ California, nhận định Covid-19 sẽ bị đẩy lùi khi tất cả mọi người trên thế giới được tiêm phòng và không còn ca nhiễm mới.
Trong khi đó, tiến sĩ Monica Gandhi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Đại học California-San Francisco cho rằng đại dịch sẽ kết thúc khi số ca tử vong do Covid-19 giảm xuống mức thường thấy ở bệnh cúm mùa. Bà Gandhi cho biết: "Hơn 30.000 ca tử vong mỗi năm vì cúm ở Mỹ. Nếu dựa trên con số đó, tỷ lệ tử vong do Covid-19 cần giảm xuống dưới 100 ca mỗi ngày". Mục tiêu này vẫn còn xa bởi vì mỗi ngày vẫn còn khoảng 1.900 người Mỹ thiệt mạng vì nCoV.
Khó có thể nói trước điều gì cho đến mùa đông tới - thời điểm dịch có thể đạt đỉnh. Paul Offit, bác sĩ nhi khoa, người đứng đầu Trung tâm giáo dục vaccine, Bệnh viện Nhi Philadelphia, cho biết: "Mỹ có thể đẩy lùi dịch bệnh nếu số ca mắc vào mùa đông tới không đáng kể".
Để làm được điều đó, Peter Pitts, chủ tịch và người đồng sáng lập Trung tâm Y tế vì Lợi ích Công cộng, muốn người Mỹ coi tiêm phòng là một nghĩa vụ thể hiện lòng yêu nước. Nếu muốn đánh bại virus, quốc gia này phải đạt tỷ lệ tiêm chủng toàn quốc ít nhất 65% đến gần 85%, nhằm tạo miễn dịch cộng đồng. Ông Pitts cho hay: "Tôi dự đoán Mỹ sẽ đạt miễn dịch cộng đồng vào một thời điểm nào đó từ cuối tháng 5 đến trước ngày lễ Độc lập 4/7".
Để có miễn dịch cộng đồng, trẻ em cũng cần tiêm phòng, theo giáo sư Vivian Riefberg từ Trường Kinh doanh Darden thuộc Đại học Virginia. Trẻ vị thành niên có thể sẽ được tiêm vào mùa xuân hoặc đầu hè, trong khi trẻ nhỏ phải chờ đến mùa thu hoặc sau đó.
Prakash Nagarkatti, nhà miễn dịch học và phó chủ tịch nghiên cứu tại Đại học Nam Carolina ở Columbia, nói, đại dịch có thể kết thúc khi chỉ còn những đợt bùng phát nhỏ, nằm trong tầm kiểm soát. "Sẽ có những đợt dịch nhỏ, kể cả khi phần lớn dân số được tiêm phòng, nhưng chúng dễ xử lý hơn", ông Nagarkatti nhận xét.
Vấn đề kinh tế được Arti Rai, chuyên gia về luật y tế tại Trường Luật, Đại học Duke, đặt ra. Theo bà: "Một dấu hiệu rất quan trọng là mức tăng trưởng việc làm. Khi đạt hoặc vượt qua mức vào trước đại dịch, ta có thể thở phào nhẹ nhõm".
Prashant Yadav, chuyên gia về chuỗi cung ứng y tế tại Trung tâm Phát triển Toàn cầu, cho biết, cần chuẩn bị sẵn sàng dây chuyền sản xuất và phân phối để đối phó với những đợt bùng phát quy mô nhỏ. "Đảm bảo đủ vaccine và vật tư y tế để đáp ứng nhu cầu sử dụng và dự trữ là điều rất quan trọng", ông Yadav nhận định.
Tiến sĩ William Schaffner, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học Vanderbilt ở Nashville, Tennessee, đề cao sự cảnh giác khi nước Mỹ mở cửa trở lại. "Khi trường học, nhà hàng, địa điểm tổ chức thể thao đi vào hoạt động, chúng ta cần thận trọng đánh giá nguy cơ lây nhiễm ở những nơi này", ông nói.
Một vấn đề được đặt ra là tiêm chủng cho tất cả người dân sẽ mất nhiều thời gian hơn. Thuyết phục những người đang do dự không muốn chủng ngừa lại là một thách thức khác."Tôi vẫn lo ngại việc nâng tỷ lệ bao phủ 50-60% ở người lớn (những người muốn tiêm vaccine) lên 80-90% (những gì chính quyền cần để kiểm soát đại dịch) sẽ rất khó khăn", Daniel Salmon, giám đốc Viện An toàn Tiêm chủng, trường Y tế Công cộng Johns Hopkins Bloomberg, cho biết.
Mai Dung (Theo USA Today)