Cuộc khủng hoảng Covid-19 đã giết chết hàng trăm ngàn người và ảnh hưởng đến sinh kế của hàng tỷ người, khiến các nhà hoạch định chính sách lo sợ một vòng xoáy giảm phát như hồi Đại suy thoái 2008. Nhưng giới phân tích đặt vấn đề, một môi trường nới lỏng định lượng đến lỏng lẻo, thiếu hụt hàng hóa, chuỗi cung ứng bị đứt gãy và toàn cầu hóa bị chững lại có thể là mảnh đất màu mỡ để tăng giá tiêu dùng hay không.
Ngay cả một số chuyên gia thiên về khả năng giảm phát sau đại dịch giờ cũng có chút cân nhắc. Cựu kinh tế trưởng của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Olivier Blanchard cho rằng lạm phát cao là không có khả năng, nhưng không phải là không thể. Quan điểm này cũng tương đồng với góc nhìn của ông Peter Praet, cựu chuyên gia hoạch định chính sách của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
"Tôi không nghĩ chúng ta sẽ tiến tới môi trường lạm phát dài hạn", ông Karen Ward, chiến lược gia trưởng thị trường châu Âu, Trung Đông và châu Phi tại JPMorgan Asset Management cho biết. "Tuy nhiên, tôi cũng không nghĩ đó là một xác suất không đáng kể", ông nói thêm.
BNP Paribas Asset Management, quản lý hơn 450 tỷ USD, đã bắt đầu tăng đầu tư vào các loại hàng hóa sau 4 năm trong khi giảm đầu tư vào trái phiếu. Trong khi đó, Ardea Investment Management, một nhà quản lý tài sản tại Sydney, cho biết họ nhận thấy rủi ro lạm phát từ cuối tháng 3. "Về mặt 'rủi ro đuôi' không được chú ý đến thì lạm phát chắc chắn là một trong số đó", Gopi Karunakaran, một nhà quản lý vốn tại Ardea, nhận định.
Đã có một cuộc tranh luận trong nhiều năm, như quan điểm của Bundesbank (Đức) rằng các điều kiện cơ bản ở một số nền kinh tế từ lâu đã hỗ trợ cho sự tăng giá. "Những gì chúng ta đang làm là tạo ra một khung chính sách có xu hướng lạm phát", Dario Perkins, nhà kinh tế trưởng châu Âu tại TS Lombard và là cựu quan chức của Bộ Tài chính Anh, nhận định.
Trong một báo cáo ngày 27/3, Manoj Pradhan, nhà sáng lập Talking Heads Macroeconomics, cho rằng chi phí hàng hóa sẽ tăng, cùng với phục hồi kinh tế sau khi phong tỏa được dỡ bỏ và kích thích có hiệu lực. Lạm phát có thể vượt 5% vào năm 2021, thậm chí có thể đạt tới 10%, kết quả tương tự như sau Thế chiến I và II.
"Việc nới lỏng định lượng sẽ thành công trong việc đưa tiền vào tay người dân", nhà kinh tế học người Anh Charles Goodhart, bình luận trong một cuộc phỏng vấn. "Sẽ có một mức độ nhất định về nhu cầu bị dồn nén", ông nói.
Sự gián đoạn hàng hóa do virus gây ra - ví dụ nông dân Brazil không thể thu hoạch hạt cà phê - cũng có thể kéo dài. Colin Harte, một nhà quản lý danh mục đầu tư tại BNP Paribas Asset Management, cảnh báo rằng phía cung cấp có thể bị thiệt hại nhiều hơn chúng ta tưởng.
Hậu quả của việc toàn cầu hóa đi lùi và thay bằng tập trung đổi mới và địa phương hóa sản xuất cũng sẽ dẫn đến chuyện lạm phát. "Trong giai đoạn cuối của quá trình phục hồi, trong bối cảnh tiếp tục toàn cầu hóa và nguồn cung kém hơn, các chính sách tài khóa có thể bắt đầu gây ra lạm phát", Kallum Pickering, chuyên gia kinh tế cấp cao của Berenberg, nhận xét.
Một số dữ liệu kinh tế có thể đã chỉ ra áp lực giá cả. Nguồn cung tiền của Mỹ đang tăng mạnh. Tim Congdon, một người theo dõi lâu năm về các dữ liệu đó, dự đoán rằng nền kinh tế sẽ chứng kiến sự gia tăng lớn nhất trong thời bình vào năm nay, kéo theo sau là bùng nổ lạm phát.
Tuy nhiên, đối với một số nhà phân tích khác, triển vọng của lạm phát là rất xa vời trong một thế giới đang thất nghiệp cao. Chris Rupkey, chuyên gia kinh tế tài chính tại MUFG Union Bank NA nói rằng thật ngây thơ khi nghĩ mọi người sẽ có lại công việc khi đại dịch biến mất. "Mất việc làm hàng loạt có nghĩa là việc giảm giá cho nhiều hàng hóa đang diễn ra", ông nói.
Một liều lạm phát hạn chế có thể giúp các ngân hàng trung ương hoan hỷ, vì họ đã chi hàng nghìn tỷ USD trong những năm qua để kích thích điều đó. Nhưng một viễn cảnh như vậy lại không hợp với mong muốn của họ lúc này, khi đang nỗ lực giúp đỡ các nền kinh tế đối mặt với tình trạng thất nghiệp. Theo Tổ chức Lao động Quốc tế, gần một nửa lực lượng lao động thế giới có nguy cơ mất sinh kế từ cuộc khủng hoảng Covid-19.
Thị trường cũng đang phản ánh xu hướng giảm phát, với sự sụt giảm của giá dầu và viễn cảnh giá cả suy yếu của nhiều mặt hàng, do ảnh hưởng bởi bất lợi nhân khẩu học, công nghệ mới và toàn cầu hóa. Kỳ vọng lạm phát thể hiện qua tỷ giá hoán đổi ngoại tệ kỳ hạn 5 năm ở Mỹ và châu Âu ở gần mức thấp kỷ lục. Tỷ lệ lạm phát ngang giá kỳ hạn 10 năm (10-year breakeven rate) của Anh cũng giảm gần ba phần tư điểm so với mức đỉnh vào năm ngoái.
Trong một bài viết ngày 24/4 của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson, chuyên gia Olivier Blanchard cũng đánh giá xác suất lạm phát thấp cao hơn nhiều. Tuy nhiên, ông có cái nhìn thận trọng hơn khi cho rằng sự kết hợp của nợ công tăng, lãi vay thực tế tăng và chính sách tiền tệ lỏng lẻo, có thể tạo ra một kết quả khác.
Chuyên gia kinh tế trưởng toàn cầu của HSBC Holdings Janet Henry cũng có chút hồ nghi.
"Không thể tránh khỏi những rủi ro, vấn đề chính là liệu chính sách kích thích khổng lồ đang diễn ra cuối cùng có thể dẫn đến lạm phát một cách ngẫu nhiên hay có chủ đích", ông Janet Henry nói hôm thứ hai (4/5). "Nếu các nhà hoạch định chính sách đánh giá thấp thiệt hại vĩnh viễn đối với nguồn cung từ đại dịch và kích thích tổng cầu quá nhiều, thì lạm phát sẽ tới", ông cho biết thêm.
Phiên An (theo Bloomberg)