TS Nguyễn Việt Tuấn đang công tác tại Bộ Nông nghiệp bang Victoria, Melbourne, Australia. Thông tin được ông chia sẻ tại hội thảo Nông nghiệp thông minh tổ chức ngày 6/1 tại Hà Nội và kết nối trực tuyến nhiều quốc gia gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản.
Theo TS Tuấn, công nghệ gene đang thể hiện thế mạnh đối với ngành nông nghiệp. Ông minh họa bằng dự án 1.000 hệ gene bò được khởi động từ 2011-2021, với 40 đối tác các nước trên thế giới. Nhóm nghiên cứu đã thu thập dữ liệu từ quần thể tham chiếu có sẵn trên đàn bò (cân nặng, chiều cao, sản lượng sữa, độ béo trong sữa) từ đó xây dựng ngân hàng hệ gene đàn bò sau đó tiến hành ứng dụng với đàn bò khác và dự đoán hệ gene.
Cốt lõi của nghiên cứu xác định kiểu gene thông qua giải trình tự DNA hoặc ứng dụng chip sinh học (SNP chip) nhằm xác định kiểu gene cho hàng trăm đến hàng triệu SNP trong một thí nghiệm.
TS Tuấn cho biết, việc dự đoán hệ gene góp phần tạo lợi nhuận cao, cũng như lựa chọn được tính trạng mong muốn trên đàn bò như khả năng kháng bệnh, sản lượng bò tăng và chất lượng sữa ít béo. "Thế mạnh của dự đoán hệ gene giúp xác định giá trị bò ngay sau khi sinh, tăng độ chính xác của chọn giống và tỷ lệ di truyền các tính trạng mong muốn như sữa ít béo", TS Tuấn nói. Công nghệ cũng giúp giảm khoảng cách thế hệ như thay vì chọn chăn nuôi, giao phối truyền thống qua từng thế hệ, việc dự đoán giúp biết được hệ gene ngay sau khi ra đời.
Chia sẻ thêm với VnExpress, TS Tuấn cho biết, khoảng 10 năm trở lại đây, nhờ vào ứng dụng triệt để dự đoán hệ gene trên các đàn bò sữa ở Australia, năng suất bò sữa đã được cải thiện từ 60 đến 120%. Độ chính các của chọn giống hệ gene bò sữa đạt được khoảng 80% đối với các tính trạng sản xuất (sản lượng sữa, protein...), ít hơn khoảng từ 40 - 60% đối với các tính trạng tuổi thọ, kháng bệnh.
"Hiện dự án đang chuẩn bị cho việc thực hiện dự đoán hệ gene bò bằng công nghệ giải trình tự siêu dài (Bovine Long Read Consortium)", ông nói và cho biết công nghệ sẽ là hướng đi cho tương lai.
Tại Việt Nam đã có những nghiên cứu về hệ gene động vật tuy nhiên, theo ông Tuấn cần tập hợp và kết nối các dữ liệu, thúc đẩy các nhóm nghiên cứu đưa ra mô hình giải quyết vấn đề trong nước.
Ông đề xuất xây dựng trung tâm dữ liệu hệ gene nhằm lưu trữ dữ liệu (kiểu gene/kiểu hình) như lập các ngân hàng sinh học để tạo công cụ phục vụ nghiên cứu cũng như khai thác. Bên cạnh đó, cần tạo sự kết nối các trường, viện nghiên cứu với các nông hộ để người nông dân có thể tiếp cận và ứng dụng công nghệ dễ dàng từ trung tâm dữ liệu.
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan, nền nông nghiệp vẫn có dư địa lớn về đổi mới sáng tạo, ứng dụng tri thức hoá nông nghiệp. Ông mong muốn các nhà khoa học tham gia hiến kế, chia sẻ tiến bộ kỹ thuật nhằm giúp người nông dân, doanh nghiệp - những người trực tiếp trong chuỗi nông nghiệp có thể tiếp cận công nghệ mới dễ hơn và hiệu quả.
GS. TS Henry Nguyễn, Đại học Missouri, gợi ý Việt Nam cần xây dựng chương trình bảo vệ tài nguyên di truyền, đồng thời chú trọng chọn tạo giống tốt (giống cây trồng, tôm cá) và quan tâm tới tài sản sở hữu trí tuệ. Ông gợi ý xây dựng quỹ đầu tư minh bạch giúp quá trình chọn tạo, canh tác mới nâng cao nhằm tạo điều kiện thuận lợi đưa được sản phẩm nông nghiệp Việt ra thế giới.
Hội thảo do Mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam – Australia (NIC AU) phối hợp Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Hội sinh viên Việt Nam tại Australia tổ chức.
Như Quỳnh