Bộ trưởng Ngoại giao Philippines tuần này công bố rằng Manila sẽ đưa vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ ra một tòa án trọng tài quốc tế, theo Công ước về Luật biển của Liên hợp quốc 1982.
Trong công hàm trao cho đại sứ Trung Quốc, Philippines đã liệt kê các hành động mà Manila cho là xâm phạm chủ quyền mà Trung Quốc tiến hành trên các đảo và bãi đá Biển Đông. Văn bản của Philippines cũng khẳng định yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc là phi pháp.
Trung Quốc ngay lập tức đã phản đối mạnh mẽ việc Philippines "đi kiện", tái khẳng định quan điểm chỉ đàm phán song phương và còn tố ngược lại rằng Manila đã "xâm phạm các đảo của Trung Quốc".
Bước đi mạnh bạo
Giới quan sát cho rằng Philippines đang chấp nhận mạo hiểm khi tiến hành động thái này. Trung Quốc sẽ không ưa gì việc bị đưa ra tòa quốc tế, trong khi Philippines ngày càng phụ thuộc nhiều hơn về kinh tế vào Trung Quốc.
Tuy nhiên Philippines muốn bảo vệ chủ quyền đối với vùng lãnh thổ có thể chứa đựng rất nhiều dầu và khí đốt ở Biển Đông.
Bãi cạn Scaborough/Hoàng Nham, điểm nóng tranh chấp giữa Philippines và Trung Quốc. Ảnh: Google |
Cuộc tranh chấp giữa Manila và Bắc Kinh liên tục từ tháng 4/2012 khi các tàu thuyền của hai nước đối đầu nhau trong suốt mấy tuần liền tại bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham. Kể từ đó Philippines và các nước trong ASEAN đã tìm cách nêu vấn đề tại diễn đàn khu vực của ASEAN, nhưng phía Trung Quốc gây sức ép để gạt chủ đề này ra khỏi chương trình nghị sự.
Từ trước đến nay Trung Quốc đầu muốn giải quyết các cuộc tranh chấp trên cơ sở song phương chứ không phải thông qua các tổ chức khu vực hay tổ chức quốc tế hay trong sự can dự của bên thứ ba nào.
Ký giả Benjamin Carlson, bình luận rằng dường như Philippines đi nước cờ mạnh bạo này nhờ cảm thấy sự hậu thuẫn lặng lẽ của Mỹ.
"Thật thú vị khi quan sát và chờ xem diễn biến sẽ như thế nào", Carlson viết. "Nếu Liên hợp quốc ra phán quyết bất lợi cho Trung Quốc, rất khó mà tưởng tượng họ sẽ tuân thủ".
Trong một động thái hiếm hoi, hôm 23/1 Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon đã đề cập đến tranh chấp Biển Đông, một cách thận trọng. Ông này nói LHQ sẽ hỗ trợ kỹ thuật và chuyên môn, nhưng cũng thêm rằng "tranh chấp trước hết nên được tìm cách giải quyết giữa các nước có liên quan".
Các nhà ngoại giao ở LHQ lưu ý rằng phát biểu của ông tỏ ra được cân nhắc cẩn thận để không thiên về một bên trong khi vẫn đề cao được quá trình phán quyết theo Công ước Luật biển của LHQ năm 1982.
Cuộc chiến tinh thần
Hầu hết các quan sát viên đều nói rằng hầu như chắc chắn Trung Quốc sẽ không đồng ý tham dự phiên tòa, theo chính sách nhất quán của họ về việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ thông qua thương lượng.
Giáo sư Carl Thayer thuộc trường đại học New South Wales, Australia, nói rằng nếu nếu tòa án của Liên hợp quốc (ITLOS) thấy hội đủ điều kiện cần thiết để tiến hành thì phiên tòa vẫn sẽ diễn ra bất chấp có sự tham gia của Trung Quốc hay không. Ông cho rằng Philippines hy vọng có được một quyết định có lợi đem lại cho họ một chiến thắng tinh thần.
“Đây là một vụ không chỉ có ý nghĩa pháp lý mà còn mang nặng ý nghĩa tinh thần. Nếu tòa phán quyết chỉ một phần có lợi cho phía Philippines thì cũng đủ làm xẹp những yêu cầu chủ quyền của Trung Quốc và đem lại tính pháp lý và vỏ bọc quốc tế cho phía Philippines.”
Sam Bateman, một chuyên gia về an ninh hàng hải thuộc Trường nghiên cứu quốc tế Singapore, thừa nhận rằng việc Trung Quốc không tham gia vụ kiện tại tòa án “có lẽ sẽ không phải là một thắng lợi lớn về PR cho họ”. Và theo nhận định của ông thì đây cũng chính là mục tiêu mà chính phủ Philippine đang hướng tới.
“Tôi cho rằng về nhiều phương diện đây là một cử chỉ mạnh dạn của Philippines, họ hy vọng rằng Trung Quốc sẽ phản ứng một cách tiêu cực”, Bateman nói. “Nếu Trung Quốc chọn phương án từ chối, thì điều đó có thể dẫn đến sự phản đối từ quốc tế", và như thế bước đi của Manila là một cách "để tìm kiếm lợi thế" trong tranh chấp.
Nhưng Bateman cũng lưu ý là tất cả các nước, kể cả Trung Quốc, đều có quyền theo quy định của UNCLOS chọn cách không tham dự phiên tòa có các quyết định buộc phải thi hành về các vấn đề liên quan đến biên giới trên biển và tranh chấp chủ quyền.
Bất kể trong trường hợp nào, hầu hết các nhà phân tích đều nhất trí cho rằng những tuyên bố tranh chấp chủ quyền giữa Trung Quốc và Philippines sẽ không có khả năng được giải quyết sớm. Theo kinh nghiệm của các tiền lệ, vụ kiện này sẽ phải mất từ 3 đến 4 năm mới có thể hoàn tất.
Phán quyết không có cơ chế thực thi
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói nước này phản đối việc Philippines kiện. Ảnh minh họa: People's Daily |
Chen Shaofeng, một chuyên gia về các vấn đề quốc tế tại Đại học Bắc Kinh, cho rằng sẽ không có bất cứ tiến trình pháp lý nào trừ phi hai nước đều đồng ý. Theo Chen, sẽ không có chuyện Bắc Kinh chấp nhận một tiến trình như thế, và cũng không có khả năng Bắc Kinh chấp nhận hệ quả của một tiến trình mà họ không công nhận.
“Trong lịch sử Trung Quốc chưa từng có tiền lệ Trung Quốc cho phép một phán quyết quốc tế nào đối với các tranh chấp lãnh thổ dù đó là về đất liền hay vùng biển", Chen nói. "Phía Philippines biết rất rõ rằng đề nghị xét xử của họ cuối cùng sẽ không đi đến đâu, nhưng họ chỉ muốn làm cho vấn đề được quốc tế hóa nhiều hơn”.
Một dấu hiệu cho thấy khả năng này là việc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua nhắc đến "chủ quyền không thể tranh cãi" của họ đối với đảo tranh chấp với Philippines trên Biển Đông.
Nếu tòa án có đưa ra một phán quyết bất lợi cho Trung Quốc thì Bắc Kinh cũng có thể làm ngơ. Chuyên gia Thayer của Australia cảnh báo rằng cho dù phán quyết có tính bắt buộc thi hành, nó cũng sẽ dễ dàng bị Trung Quốc bỏ qua nếu muốn, bởi hiện chưa có cơ chế và lực lượng nào để thực thi.
Bên cạnh đó, Trung Quốc sẽ không đáp ứng mong muốn của Philippines về việc công nhận tiến trình pháp lý của tòa án quốc tế, bởi điều đó có thể tạo tiền lệ và động lực cho các nước khác cũng đang có tranh chấp ở Biển Đông làm theo, ông Thayer phân tích.
Phạm Ngọc Uyển (tổng hợp)