Khi được hỏi về phản ứng của Việt Nam trước việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài được thành lập theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới Quốc gia Bộ Ngoại giao Nguyễn Duy Chiến nêu rõ:
"Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến Biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
"Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982", thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho hay.
Bãi cạn Scarborough/Hoàng Nham, tâm điểm tranh chấp và căng thẳng giữa Trung Quốc và Philippines. Ảnh vệ tinh: Google |
Hôm 23/1, Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Albert del Rosario công bố việc nước này đưa tranh chấp chủ quyền với Trung Quốc đối với các đảo trên Biển Đông ra tòa trọng tài quốc tế. Ông del Rosario nói Manila đi đến quyết định này sau khi đã "tìm hết cách để giải quyết tranh chấp thông qua các phương thức chính trị và ngoại giao", nhưng không được.
Philippines và Trung Quốc lâm vào căng thẳng ngoại giao kể từ tháng 4 năm ngoái, khi các tàu của chính phủ hai nước đối đầu nhau nhiều tuần liền ở bãi đá Scarborough/Hoàng Nham ở phía đông bắc Biển Đông. Hai nước đều nói có chủ quyền và quyền liên quan đến bãi đá không người ở này.
Văn bản của Philippines gửi lên tòa án dẫn ra các việc làm của phía Trung Quốc đối với các đảo mà Manila khẳng định thuộc chủ quyền của mình; cũng như bác bỏ yêu sách chủ quyền hầu hết Biển Đông mà Trung Quốc đưa ra trong đường 9 đoạn. Đáp lại, phía Trung Quốc tố ngược Manila "xâm phạm các đảo của Trung Quốc".
Dự đoán chiến thuật của Trung Quốc nhắm đối phó với vụ kiện
Trung Quốc đã lên tiếng phản đối việc Philippines đưa tranh chấp ra tòa, và tái khẳng định Bắc Kinh chỉ ủng hộ việc đàm phán song phương giữa các bên có tranh chấp về chủ quyền lãnh thổ trên Biển Đông. Trung Quốc lâu nay vẫn kiên quyết chỉ muốn giải quyết tay đôi các tranh chấp mà không muốn có sự can dự của bên nào khác. Trên Biển Đông hiện có nhiều nước có các tuyên bố chủ quyền chồng lấn gồm Việt Nam, Trung Quốc, Philippines, Brunei và Malaysia.
Tàu Hải Tuần 21 của Trung Quốc được điều ra Biển Đông cuối tháng trước. Ảnh: Xinhua |
Trong hai năm trở lại đây, Trung Quốc có nhiều bước đi trên Biển Đông bị các nước phản đối bởi xâm phạm chủ quyền và quyền tài phán của láng giềng. Mới đây nhất, báo chí nước này đưa tin Cục Đo vẽ Bản đồ Quốc gia Trung Quốc công bố đã hoàn thành và dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” và “Bản đồ địa hình Trung Quốc” khổ dọc mới vào cuối tháng 1/2013, trong đó vẽ yêu sách “đường chín đoạn” (hay còn gọi là “đường lưỡi bò”) và các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Về việc này, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, và quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở Biển Đông theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.
Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở Biển Đông là phi pháp và vô giá trị.”
Các nước liên quan cũng như giới quan sát quốc tế đang chờ đợi các diễn biến tiếp theo xung quanh quyết định khởi kiện của Philipines.
Thanh Mai