Tại hội thảo "Dẫn mạch phục hồi tăng trưởng kinh tế" ngày 30/11, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định, các nước đã đi đến cuối con đường trong khi Việt Nam mới đi được một nửa trong việc hỗ trợ nền kinh tế. Điều này đặt ra một số vấn đề cần lưu ý. Theo ông, bài toán lạm phát và tỷ giá sẽ là vấn đề nhà điều hành tại Việt Nam phải đương đầu trong thời gian tới.
Theo ông Nghĩa, chỉ số lạm phát cơ bản của Việt Nam đang ở mức thấp, nguy cơ lạm phát chi phí đẩy sẽ không kéo dài nhưng Việt Nam phải chịu lạm phát cầu kéo trong tương lai. Bên cạnh đó, khi nhiều nước trên thế giới sắp tới có xu hướng phá giá đồng nội tệ, chính sách tỷ giá ở Việt Nam sẽ rơi vào thế khó.
Tại hội thảo, chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), ông Nguyễn Minh Cường nhận định, chính sách tài khoá của Việt Nam vẫn đang rụt rè so với các nước trong khu vực châu Á, xét về hỗ trợ y tế và hỗ trợ nền kinh tế trong hai năm qua.
Việc hỗ trợ nền kinh tế của Việt Nam tới nay theo ông Cường, vẫn phụ thuộc nhiều vào chính sách tiền tệ. Trong khi đó, IMF đánh giá Việt Nam vẫn còn dư địa tài khoá ở mức trung bình, vì thế theo ông, chính sách tài khoá nên được mở rộng hơn trong năm tới.
Từ kinh nghiệm của các nước trên thế giới, ông Cường cho rằng, không nhiều nước lựa chọn giải pháp giãn, hoãn, miễn thuế mà đa phần ưa chuộng việc chi tiêu trực tiếp của Chính phủ.
Ông Cường ước tính, gói hỗ trợ có thể tăng từ mức 2% GDP lên khoảng 5-7% GDP và ý nghĩa quan trọng nhất của gói này là "phải làm nhanh, đồng thời làm hiệu quả".
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cũng đề xuất gói hỗ trợ tương đương 5-7% quy mô GDP, đặc biệt tập trung vào các biện pháp ngắn hạn, phục hồi thị trường lao động. Ngoài gói kích thích lãi suất, theo ông, nên có gói tài chính trực tiếp bằng tiền tươi thóc thật.
Liên quan vấn đề này, ông Phan Đức Hiếu, Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho biết, Chính phủ đang tích cực bàn tới các giải pháp cụ thể vực dậy nền kinh tế. Đồng tình với quan điểm của chuyên gia ADB, ông cho rằng "dư địa về thời gian" ngày càng hạn hẹp, bên cạnh dư địa về năng lực hấp thụ.
"Sự thành công của chương trình kích thích kinh tế phụ thuộc vào hai yếu tố là thời gian thực hiện và năng lực hấp thụ", ông Hiếu nói. Mục tiêu của gói kích thích theo ông là hỗ trợ trong ngắn hạn nhưng có tác động về mặt dài hạn.
Tuy nhiên, dưới góc nhìn của ông Hiếu rất khó để xác định đúng từ đầu gói hỗ trợ nên là bao nhiêu tiền. "Tôi không thực sự thoả mãn khi cứ buộc phải đưa ra con số bao nhiêu nghìn tỷ nhưng lại không biết phân bổ tiền đi đâu", ông nói.
Theo ông, phải xác định được đối tượng tập trung hỗ trợ trước tiên mới có thể xác định được tổng nhu cầu là bao nhiêu. Ông Hiếu khuyến nghị sử dụng tối đa các biện pháp thị trường, tránh biện pháp hành chính để tránh các cuộc chạy đua hưởng gói hỗ trợ như giai đoạn 2008-2009.
Một trong những lo ngại khi thiết kế gói hỗ trợ theo ông Hiếu, là bơm tiền vào doanh nghiệp không có khả năng tồn tại. Việc hỗ trợ nhầm đối tượng có thể khiến một số doanh nghiệp kéo dài thêm thời gian tồn tại nhưng sau cùng vẫn không "sống sót được". Nền kinh tế không thể gượng dậy trên con đường cũ mà phục hồi theo cách thức mới. Vì thế, việc hỗ trợ cần có sự chọn lọc và tập trung vào những doanh nghiệp nào đổi mới được, tiến hoá được để thích nghi với tình hình mới.
Tại khu vực châu Á, một vài nước đã bắt đầu tăng lãi suất từ năm nay. Chính sách tài khoá tại các nước vẫn mở rộng trong năm nay nhưng theo dự báo, sẽ có sự siết chặt lại khi bước sang năm 2022.
Ngoài ra, theo ông Nghĩa, không nên kéo ngân hàng vào cuộc trong đợt hỗ trợ này. Việc ngân hàng báo lãi to trong bối cảnh doanh nghiệp khó khăn, theo ông là đáng lo hơn đáng mừng bởi đó trên thực tế là con số "ảo". Ông cho rằng, kinh tế phục hồi là lúc vấn đề của ngân hàng thể hiện rõ khi đứng trước áp lực nợ xấu rất lớn.
Trước lo ngại trên, bà Nguyễn Ánh Vân, Phó tổng giám đốc LienVietPostBank cho rằng "không quá nghiêm trọng". Các ngân hàng đã rất thận trọng trong việc hoạch định kế hoạch kinh doanh năm nay, dựa trên trải nghiệm của năm 2020. Vấn đề quan trọng là hầu hết ngân hàng đều có năng lực tài chính tốt hơn nhiều so với giai đoạn 2008-2009, thể hiện qua các chỉ số an toàn hoạt động tiệm cận dần với chuẩn mực quốc tế.
Bên cạnh đó, mặc dù được phép hoãn giãn nợ cho khách hàng, các nhà băng có ý thức bảo vệ sức khoẻ cũng đã đẩy tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức kỷ lục. Áp lực nợ xấu là có với hệ thống ngân hàng trong thời gian tới nhưng theo lãnh đạo nhà băng này, điều đó không quá quan ngại về rủi ro hệ thống.
Quỳnh Trang