Năm 2021, điểm chuẩn Đại học Thủy lợi (Hà Nội) được TS Trần Khắc Thạc, Phó trưởng phòng Đào tạo, dự đoán có thể biến động mạnh hơn 1 điểm so với mức 15-22,75 của năm ngoái. Việc tăng điểm chuẩn là chắc chắn bởi mức sàn nhận hồ sơ xét tuyển vào trường theo kết quả thi tốt nghiệp THPT là 16, cao hơn điểm chuẩn thấp nhất năm ngoái 1.
Với nhóm ngành thuộc top trên như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật ôtô, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa và một số ngành thuộc top giữa, điểm chuẩn năm nay có thể biến động mạnh.
Để đưa ra dự đoán này, ông Thạc cho biết Đại học Thủy lợi đã phân tích điểm trung bình từng môn và tổ hợp xét tuyển của thí sinh nộp hồ sơ vào trường, nhận thấy điểm các em tương đối cao so với năm trước.
Từ đó, đại diện Đại học Thủy lợi khuyên thí sinh cân nhắc kỹ, dựa vào tương quan điểm của mình với sở trường, năng lực theo học, cơ hội việc làm, điểm sàn mà trường công bố và điểm chuẩn các năm trước trước khi đổi nguyện vọng theo hình thức trực tuyến từ ngày 29/8 đến 5/9.
Điểm chuẩn Đại học Điện lực (Hà Nội) cũng có thể tăng 1-3 điểm so với năm ngoái. TS Trịnh Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, giải thích năm nay số lượng nguyện vọng đăng ký vào trường trước đợt điều chỉnh nguyện vọng cao gấp đôi năm 2020. Như năm ngoái, sau khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng, lượng đăng ký không thay đổi nhiều.
Hơn nữa, phổ điểm năm nay cao hơn năm ngoái, đặc biệt môn Tiếng Anh, trong khi 3/4 tổ hợp xét tuyển của Đại học Điện lực chứa môn này, gồm A01 (Toán, Lý, Anh), D01 (Toán, Văn, Anh) và D07 (Toán, Hóa, Anh). Tổ hợp còn lại là A00 (Toán, Lý, Hóa).
Ông Toàn dự báo ngành Công nghệ thông tin và Công nghệ kỹ thuật điện, điện tử khả năng tăng mạnh nhất. Đây cũng là hai ngành lấy điểm chuẩn cao nhất năm ngoái, lần lượt 20 và 18. Các ngành còn lại năm ngoái lấy 15-17 điểm.
Với Đại học Mỏ - Địa chất (Hà Nội), PGS.TS Nguyễn Đức Khoát, Trưởng phòng Đào tạo, nhận định điểm đầu vào sẽ diễn ra theo hai hướng. Với ngành "hot" của xã hội, đào tạo nhân lực chuyển đổi số như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Kỹ thuật điện, điểm chuẩn sẽ tăng 0,5-1. Đây vẫn là những lựa chọn yêu thích của thí sinh với số lượng hồ sơ tương đối lớn.
Ngược lại, điểm chuẩn những ngành khoa học cơ bản, truyền thống của trường như Kỹ thuật mỏ, Kỹ thuật trắc địa - bản đồ, Kỹ thuật địa chất khả năng chỉ tương đương mức sàn là 15, nếu tăng chỉ 0,5. Năm ngoái, Đại học Mỏ - Địa chất lấy điểm chuẩn 15-25, trong đó chủ yếu mức 15-17.
Ông Khoát nhận định thí sinh điểm chấp chới so với các ngành top trên nên cân nhắc tới nhóm ngành khoa học cơ bản. "Việc đổ xô học ngành 'hot' sẽ khiến tỷ lệ ra trường nhiều, cạnh tranh việc làm lớn. Trong khi đó, các ngành truyền thống luôn cần nhân lực, là nền tảng cho nhiều lĩnh vực khác phát triển", ông nói.
Cũng dự báo điểm chuẩn giữ ổn định hoặc tăng nhẹ, TS Phạm Thanh Hà, Trưởng phòng Đào tạo Đại học Giao thông Vận tải, chia gần 40 ngành đào tạo của trường thành ba nhóm, căn cứ vào điểm chuẩn năm ngoái. Trong đó, những ngành lấy 20-24 điểm năm 2020 sẽ có sự biến động rõ ràng nhất, tăng khoảng 0,5-1 điểm. Một trong những lý do tăng là số lượng thí sinh năm nay tăng tương đối, đa số nộp nguyện vọng vào các ngành thuộc nhóm này.
Nhóm điểm chuẩn 25-26 và dưới 20 của năm ngoái có thể tăng nhẹ 0,25-0,5 hoặc không tăng. Hai nhóm này sẽ giữ ổn định bởi không có nhiều thay đổi trong số lượng thí sinh nộp hồ sơ.
Năm nay, Đại học Giao thông Vận tải tuyển 4.200 sinh viên, trong đó 800 em trúng tuyển theo phương thức xét học bạ, xét tuyển kết hợp đã hoàn thành thủ tục nhập học. Ông Hà cho rằng thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển không cần quá lo lắng, sợ điểm chuẩn tăng mạnh "bởi trường vẫn dành 3.400 chỉ tiêu cho các em, cơ hội còn rất rộng mở".
Trước khi đổi nguyện vọng vào ngày 29/8, ông Hà khuyên thí sinh xây dựng chiến lược thông minh, ưu tiên ngành mình thích, sau đó đến những ngành có điểm chuẩn vừa và thấp để chắc chắn trúng tuyển.
Đại học Xây dựng Hà Nội, ngôi trường vừa đổi tên từ Đại học Xây dựng, cũng sẽ không có nhiều biến động về điểm chuẩn năm nay. "Điểm trúng tuyển vào trường nhiều khả năng tương đương năm ngoái, nếu có thay đổi cũng chỉ rất nhỏ", PGS.TS Phạm Xuân Anh, Phó hiệu trưởng, dự báo.
Năm ngoái, điểm trúng tuyển vào trường từ 16 đến 24,25, trong đó ngành Công nghệ thông tin cao nhất, kế đến là Khoa học máy tính (23), Kiến trúc nội thất (22,5).
Trong khi các trường kể trên chỉ dự báo điểm chuẩn giữ ổn định hoặc tăng, Đại học Bách khoa Hà Nội và Công nghiệp Hà Nội chia thành nhiều nhóm, trong đó có cả ngành được dự báo giảm.
Như Đại học Bách khoa Hà Nội, ngành Khoa học máy tính có khả năng lấy điểm chuẩn trong khoảng 27,5 đến 29. Nếu lấy 29, mức này vẫn thấp hơn năm ngoái 0,04 điểm. Trong khi đó, các ngành khác được dự báo điểm chuẩn phổ biến 27-28, cao hơn năm ngoái 1-2 điểm.
TS Kiều Xuân Thực, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Công nghiệp Hà Nội, cho hay điểm chuẩn theo phương thức xét tuyển dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT phụ thuộc vào hai yếu tố chính là kết quả thi và tỷ lệ "chọi" (tức số thí sinh đăng ký/chỉ tiêu).
Thứ nhất, về kết quả thi tốt nghiệp THPT thí sinh, phổ điểm các tổ hợp xét tuyển chính do Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố cho thấy số thí sinh đạt từ 18 đến 23 điểm tổ hợp A00 (Toán, Lý, Hóa) tăng nhiều, số đạt trên 24 không tăng và trên 25 giảm. Với tổ hợp A01 (Toán, Lý, Anh), số thí sinh từ 18 trở lên tăng mạnh. Ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Anh), số thí sinh đạt từ 19 trở lên cũng tăng mạnh, đặc biệt vùng từ 22 điểm trở lên. Khối C00 (Văn, Sử, Địa) gần như không thay đổi.
Thứ hai, về tỷ lệ "chọi", số thí sinh đăng ký vào các ngành của Đại học Công nghiệp Hà Nội năm 2021 tăng đều khoảng 20% cho tất cả mã ngành xét tuyển.
Từ phân tích trên, ông Thực dự báo với các ngành khối Kỹ thuật, Kỹ thuật công nghệ, Máy tính và Công nghệ thông tin - những ngành chủ yếu xét tuyển bằng tổ hợp A00 và A01 trong đó A00 chiếm đa số, điểm chuẩn năm nay sẽ chia làm bốn nhóm.
Nhóm có điểm chuẩn năm ngoái từ 23 trở xuống có thể tăng 0,5 đến 1,5 điểm. Những ngành năm ngoái lấy 23-24 sẽ tăng nhẹ 0,25-1. Nhóm lấy 24-25 sẽ ổn định. Nhóm từ 25 trở lên ở năm ngoái năm nay có thể giảm nhẹ.
Ngoài ra, Đại học Công nghiệp Hà Nội còn có các ngành khối ngôn ngữ, thí sinh chủ yếu đăng ký bằng tổ hợp D01 nên điểm chuẩn có thể tăng 1-2 so với năm ngoái. Với các ngành khối Kinh tế - Quản trị - Dịch vụ, chủ yếu xét tuyển bằng tổ hợp A00, A01 và D01, điểm chuẩn có thể tăng 0,5 đến 1,5.
Theo lịch tuyển sinh của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trước 17h ngày 28/8, tất cả đại học phải công bố điểm sàn xét tuyển. Dựa trên mức sàn này, từ ngày 29/8 đến 17h ngày 5/9, thí sinh điều chỉnh nguyện vọng. Điểm chuẩn sẽ được các trường công bố trước 17h ngày 16/9.
Dương Tâm - Thanh Hằng