Thông tin được TS. Hà Anh Đức, Chánh văn phòng Bộ Y tế, cho biết tại hội thảo Mức sinh thấp tại Việt Nam: Thực trạng và giải pháp, hôm 10/11, ở Hà Nội.
Ông Đức cho biết một nghiên cứu quốc tế công bố năm 2020 dự báo dân số 23 quốc gia như Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc... giảm hơn một nửa vào năm 2100. Trong đó, dân số Việt Nam tăng lên 107 triệu người vào năm 2044, sau đó giảm xuống 72 triệu người vào năm 2100, nếu không có các giải pháp can thiệp nâng mức sinh.
Hiện dân số Việt Nam là trên 100 triệu người, mức sinh giảm nhanh và thấp, bước sang giai đoạn già hóa.
Tỷ suất sinh của nhiều quốc gia châu Á - Thái Bình Dương đã giảm mạnh trong 70 năm qua, theo Cục Dân số (Bộ Y tế). Hàn Quốc có tổng tỷ suất sinh (TFR) thấp nhất thế giới, ở mức 0,8, thấp hơn nhiều so với mức sinh thay thế là 2,1. Singapore và Nhật Bản cũng không cao hơn nhiều, lần lượt ở mức 1,1 và 1.3.
"Với thực tế này, người trên 60 tuổi ở khu vực dự kiến sẽ tăng gấp ba lần trong giai đoạn 2010 đến 2050", ông Đức nói, thêm rằng hiện nay Pháp và Việt Nam có tỷ lệ sinh tương đương nhau. Tuy nhiên, nước ta vài thập kỷ gần đây diễn biến mạnh mẽ hơn nhiều, với tỷ lệ sinh giảm từ 6,5 con/phụ nữ trong những năm 1960 xuống còn 2,05 vào năm 2020. Cơ cấu tuổi tác của Việt Nam cũng đang thay đổi nhanh chóng. Mất 115 năm để Pháp chuyển từ trạng thái "xã hội đang già hóa" (7-14% số người từ 65 tuổi trở lên) sang trạng thái "xã hội già hóa" (14-21% số người từ 65 tuổi trở lên). Việt Nam trải qua quá trình này chỉ trong 19 năm.
Mức sinh ở Việt Nam chênh lệch đáng kể giữa các vùng, đối tượng, tỉnh, thành phố, đặc biệt là xuất hiện xu hướng mức sinh thấp, theo ông Mai Trung Sơn, Cục Dân số. Năm 2021, khu vực thành thị, toàn bộ tỉnh, thành vùng Đông Nam bộ (trừ Bình Phước) và vùng đồng bằng sông Cửu Long có mức sinh thực tế đều dưới mức sinh thay thế. Trong đó một số tỉnh, thành mức sinh rất thấp, chỉ 1,48 con. TP HCM sinh thấp nhất nước, tỷ lệ 1,39 con/phụ nữ tuổi sinh đẻ.
Ước tính mỗi năm có khoảng hơn 1 triệu cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn, tỷ lệ khoảng 7,7%. Trong số này, khoảng 50% là vợ chồng ở độ tuổi dưới 30. Đặc biệt, tỷ lệ vô sinh thứ phát (vô sinh sau một lần có thai) tăng 15-20% sau mỗi năm và chiếm hơn 50% cặp vợ chồng vô sinh.
Mức sinh thấp tác động trực tiếp, sâu sắc tới cơ cấu dân số, suy giảm nhóm dân số trong độ tuổi lao động, tác động mạnh vào quá trình di cư, tăng nhanh quá trình già hóa, suy giảm quy mô dân số. Tình trạng này tác động sâu sắc tới cấu trúc gia đình, đời sống văn hóa - xã hội, kinh tế, lao động, việc làm và an sinh xã hội, theo ông Đức.
Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cũng nhìn nhận mức sinh ở hầu hết châu lục liên tục giảm và giảm xuống rất thấp so với mức sinh thay thế, dẫn đến thiếu hụt nguồn lao động, các vấn đề về dân số già và chăm sóc người cao tuổi. Dự báo tình trạng thiếu lao động sẽ phổ biến trên toàn thế giới sau năm 2055, ảnh hưởng đến phát triển không bền vững về con người. Đây là một thách thức hàng đầu của nhân loại trong thế kỷ 21.
Trước bối cảnh này, các nước đang đưa ra nhiều chính sách để tác động nhằm tăng mức sinh. Như Hàn Quốc tăng gấp ba lần số tiền chi trả cho hoạt động khuyến sinh sau khi phá kỷ lục về tỷ lệ sinh thấp nhất thế giới. Chính phủ nước này tăng mạnh trợ cấp để khuyến khích các gia đình sinh thêm con. Tại Hungary, phụ nữ sinh 4 con trở lên không phải đóng thuế thu nhập cá nhân suốt đời.
Còn Việt Nam, dự thảo Luật Dân số đã đề xuất các tỉnh, thành có mức sinh thấp nên hỗ trợ tiền cho phụ nữ khi sinh con thứ hai, miễn giảm học phí cho trẻ.
Lê Nga