Trong báo cáo mới công bố, VinaCapital cho biết đã có thể ước tính tác động của Covid-19 đến kinh tế Việt Nam sau một tháng tập hợp thông tin và dữ liệu về dịch bệnh. Quỹ đầu tư này nhắc lại việc Bộ Kế hoạch & Đầu tư dự báo tăng trưởng GDP năm nay có thể chỉ đạt 5,96%, giảm khoảng 0,8 điểm phần trăm nếu dịch bệnh được khống chế trong quý II. Trong khi đó, các nhóm phân tích khác dự đoán tăng trưởng GDP sẽ giảm từ 0,4 đến 1 điểm phần trăm.
"Các số liệu này vẫn quá lạc quan", ông Michael Kokalaria, Kinh tế trưởng của VinaCapital nói.
Nhóm nghiên cứu này cho rằng, tăng trưởng GDP năm nay phải giảm 1,5 điểm phần trăm và có thể hơn nữa nếu Chính phủ không mạnh tay để bù đắp một phần tổn thất cho nền kinh tế. Việc Thái Lan, quốc gia có ngành du lịch và sản xuất bị ảnh hưởng tương tự, thậm chí ít hơn Việt Nam đưa ra dự báo tăng trưởng GDP giảm đến 1,2 điểm phần trăm là cơ sở để nhóm nghiên cứu tin rằng tác động của dịch bệnh đến kinh tế tệ hơn các dự báo trước đó.
Du lịch chiếm 7% GDP nhưng nếu tính cả đóng góp gián tiếp thì con số này khoảng 14%. Năm ngoái có hơn 5,8 triệu lượt khách Trung Quốc đến Việt Nam và chi tiêu bình quân mỗi người khoảng 19 triệu đồng. Công ty Chứng khoán BSC dự đoán lượng khách này sẽ giảm 75% vì nhiều hãng hàng không đã tạm dừng đường bay đưa khách đến các điểm tham quan nổi tiếng. Tỷ lệ lấp đầy phòng tại các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cũng chỉ còn khoảng 20%.
Đối với sản xuất, lĩnh vực này đang đóng góp 16% vào GDP. Công ty Chứng khoán VNDIRECT nhận định, con số sẽ biến động mạnh bởi nhiều nhà máy dệt may, điện tử, thép dẹt... có thể gián đoạn sản xuất vì chuỗi cung ứng nguyên liệu phụ thuộc vào đối tác Trung Quốc.
Sự thu hẹp hoạt động kinh tế của Trung Quốc dẫn đến rủi ro nhu cầu xuất nhập khẩu chậm lại trên toàn châu Á và cả thế giới. Nhiều nhóm ngành đã chịu tác động gián tiếp như cảng biển, hàng không, dịch vụ hậu cần... khi các bên thắt chặt giao thương để kiểm soát dịch. BSC ước tính, nếu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam đến Trung Quốc giảm 20% trong quý I thì GDP có thể giảm gần 0,6%.
Thậm chí, thị trường chứng khoán cũng không tránh khỏi tác động khi các báo cáo mới về sự bùng phát của dịch bệnh tại Hàn Quốc, Italy khiến nhà đầu tư hoảng sợ.
Tác động ngắn vì thế khá đáng kể. Việc các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân và nhà đầu tư tập trung vào tác động ngay lập tức khi dịch bệnh bùng phát cũng là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, theo nhóm nghiên cứu VinaCapital, nhìn dưới góc độ dài hạn với giả định dịch bệnh không tiếp tục leo thang, Việt Nam lại là quốc gia hưởng lợi nhiều.
Theo đó, một số doanh nghiệp thuộc các ngành nằm ở phân khúc hạ nguồn và chịu áp lực cạnh tranh lớn từ sản phẩm từ Trung Quốc sẽ hưởng lợi khi đơn hàng dịch chuyển tạm thời.
Khi lo ngại giảm dần trong giai đoạn nửa cuối năm nay thì Covid-19 có thể vô tình đóng vai trò chất xúc tác, thậm chí mạnh hơn cả chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, thúc đẩy sự dịch chuyển các nhà máy từ Trung Quốc sang Việt Nam. Các doanh nghiệp trước đây tìm điểm đến mới nhằm tránh bị áp thuế cao. Đợt dịch này như giọt nước tràn ly, buộc họ phải hạn chế sự phụ thuộc vào hoạt động sản xuất tại quốc gia đông dân nhất thế giới.
"Covid-19 là một sự kiện thiên nga đen, gây tác động mạnh trong ngắn hạn nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế", chuyên gia của VNDIRECT nhận định.
Phương Đông