Sáng 7/3, tại Bắc Ninh, Ban Chỉ đạo thực hiện dự án đầu tư xây dựng vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội họp, nghe báo cáo tiến độ và bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để dự án đạt các mốc tiến độ như Nghị quyết số 56 của Quốc hội.
Ngày 27/1, Thủ tướng đã kiểm tra hiện trường dự án vành đai 4, trong đó yêu cầu hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư để khởi công đồng loạt trên cả ba địa phương trong tháng 6. Tuy nhiên, theo Ban Chỉ đạo dự án, đến nay mới phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thành phần một (bồi thường, hỗ trợ, tái định cư) và hai (xây dựng đường song hành) thuộc phần việc của TP Hà Nội.
Trong khi đó, các dự án thành phần do UBND Hưng Yên và Bắc Ninh thực đang thẩm định, bị chậm theo Nghị quyết số 106 của Chính phủ (phê duyệt các dự án thành phần trong tháng 1) và có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ khởi công dự án.
Mặt khác, tổng mức đầu tư cho công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ở Bắc Ninh và Hưng Yên cao hơn nghị quyết của Quốc hội. Cụ thể, tỉnh Hưng Yên dự kiến tổng mức đầu tư gần 6.000 tỷ đồng, vượt khoảng 2.200 tỷ đồng. Tỉnh Bắc Ninh dự kiến tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng, vượt 1.700 tỷ đồng. Riêng Hà Nội thấp hơn khoảng 8 tỷ đồng.
Về công tác giải phóng mặt bằng, Hà Nội phê duyệt phương án thu hồi 276/796 ha, đạt gần 35%; đã di chuyển trên 5.000 ngôi mộ, đạt hơn 4%. Thành phố đã phê duyệt gần 2.500 tỷ đồng phục vụ công tác giải phóng mặt bằng.
Tỉnh Bắc Ninh có 340 ha đất bị thu hồi và trên 3.000 ngôi mộ bị ảnh hưởng, nhưng đến nay tỉnh chưa chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ, tái định cư. Tương tự, Hưng Yên phải thu hồi 263 ha đất và di dời trên 3.300 ngôi mộ. Đến nay, tỉnh đã tạm ứng 42 tỷ đồng để các huyện trả cho người dân di chuyển mồ mả.
Dù đưa ra cam kết bàn giao mặt bằng đúng thời hạn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết Bắc Ninh và Hưng Yên có thể không khởi công cùng thời điểm với TP Hà Nội (tháng 6) mà sẽ muộn hơn, trong năm 2023.
Bí thư Tỉnh ủy Hưng Yên Nguyễn Hữu Nghĩa đề xuất thống nhất phê duyệt dự án thành phần theo tổng mức đầu tư thực tế trên cơ sở báo cáo khả thi, phần chênh lệch giao cho địa phương tự quyết định nguồn.
Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện dự án vành đai 4 - vùng Thủ đô, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho hay đối với dự án trọng điểm quốc gia như vành đai 4 "làm sớm được ngày nào có lợi ngày đó, vừa đỡ lãng phí, vừa mở ra cơ hội phát triển".
Ông Dũng nêu cách làm của thành phố là yêu cầu các quận, huyện có dự án đi qua lấy đất đấu giá để tái định cư cho người dân vì đất này thường ở vị trí thuận lợi; trong khu đất đấu giá lại chọn những vị trí có điều kiện kinh doanh tốt nhất để làm tái định cư. Nhờ đặt lợi ích của người dân lên ưu tiên hàng đầu nên được ủng hộ, công tác giải phóng mặt bằng đang thuận lợi.
Trước băn khoăn của Hưng Yên và Bắc Ninh về tăng tổng mức đầu tư, ông Dũng thống nhất đề nghị phê duyệt theo báo cáo nghiên cứu khả thi đối với các dự án thành phần vượt tổng mức đầu tư dự kiến sơ bộ ghi trong Nghị quyết Quốc hội, đồng thời sẽ báo cáo xin ý kiến của các cơ quan theo hướng này.
Ban Chỉ đạo Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 - vùng Thủ đô cũng sẽ kiến nghị cụ thể đối với Chính phủ, đề xuất ra nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho dự án.
Vành đai 4 - vùng Thủ đô Hà Nội dài 112 km, đi qua Hà Nội, Hưng Yên và Bắc Ninh. Trong đó đoạn qua Hà Nội 58,2 km, đoạn qua Hưng Yên hơn 19 km, đoạn qua Bắc Ninh trên 25 km và tuyến nối dài 9,7 km. Điểm đầu dự án tại điểm nối cao tốc Hà Nội - Lào Cai, điểm cuối nối cao tốc Nội Bài - Hạ Long. Tổng mức đầu tư hơn 85.000 tỷ đồng. Dự án khởi động từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027.
Dự án được triển khai theo 7 dự án thành phần, vận hành độc lập. Trong đó Hà Nội thực hiện với 3 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; Xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận Hà Nội và đầu tư xây dựng hệ thống cao tốc theo phương thức PPP.
Hưng Yên và Bắc Ninh mỗi tỉnh chịu trách nhiệm 2 dự án thành phần: Công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và xây dựng đường song hành (đường đô thị) địa phận của mỗi tỉnh.
Võ Hải