Mục tiêu của Howard Hughes, ông trùm công nghiệp kiêm nhà sáng chế máy bay nổi tiếng của Mỹ, được cho là tìm kiếm và khai thác các "nốt mangan" nằm sâu dưới đáy đại dương.
Các "nốt mangan" này được hình thành từ những lớp đồng tâm chứa sắt và mangan hidroxit tập trung quanh lõi, được giới khoa học nghiên cứu và tranh luận về giá trị của chúng kể từ những năm 1960.
Chuyên gia đầu tiên chỉ ra tiềm năng kinh tế của các nốt mangan là John Mero, người mạnh dạn tuyên bố rằng chỉ cần khai thác 10% số nốt này dưới đại dương là đủ cung cấp kim loại cho một thế giới gồm 20 tỷ người trong vòng hàng nghìn năm. Sau khi nghe được điều này, Hughes đã cho chế tạo một con tàu khổng lồ, có tên USNS Hughes Glomar Explorer, và đưa nó ra giữa Thái Bình Dương để tiến hành khai thác nốt mangan dưới đáy biển.
Glomar Explorer được trang bị công nghệ lặn và khai thác tiên tiến, bao gồm một tháp khoan và những thiết bị khoan hiện đại nhất khi đó. Theo kế hoạch, con tàu sẽ lặn xuống gần 5 km dưới bề mặt đại dương để tìm kiếm khoáng sản quý.

Tàu Glomar Explorer ngoài khơi đảo Catalina, bang California, Mỹ, hồi tháng 8/1975. Ảnh: AP.
Tuy nhiên, dự án không đơn giản như bề ngoài của nó. Ngay cả khi ý tưởng khai thác kết hạch mangan dường như táo bạo, đây không thực sự là lý do Glomar Explorer được đưa ra Thái Bình Dương. Mục đích thực sự của Glomar Explorer là tiến hành một dự án tuyệt mật cho Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA), nhằm trục vớt K-129, tàu ngầm mang tên lửa hạt nhân của Liên Xô bị mất tích.
Tháng 2/1968, khi đang trong chuyến tuần tra kéo dài 70 ngày tại Thái Bình Dương, K-129, tàu ngầm chạy bằng động cơ điện - diesel của Liên Xô, đột ngột mất liên lạc với sở chỉ huy và mất tích vào giữa tháng 3. Hải quân Liên Xô tiến hành tìm kiếm K-129 nhưng không thành công.
Trong khi đó, hải quân Mỹ đã định vị được xác của con tàu nằm cách Hawaii khoảng 90 hải lý về phía tây nam. Washington liền lập kế hoạch trục vớt con tàu cùng các đầu đạn hạt nhân và tài liệu mật mà nó mang theo.
"Hội đồng 40" gồm các đại diện từ Nhà Trắng, Cục Tình báo và Nghiên cứu (INR) trực thuộc Bộ Ngoại giao cùng nhiều cơ quan tình báo khác, được triệu tập nhằm xem xét tính khả thi của sứ mệnh trục vớt tàu ngầm Liên Xô.
Do đây là vấn đề vô cùng nhạy cảm, Mỹ quyết định giao cho CIA lên kế hoạch trục vớt một tài sản giá trị của đối thủ, ngay lúc Chiến tranh Lạnh ở thời kỳ đỉnh điểm. Nhận chỉ thị của Hội đồng 40, CIA tiến hành Dự án Azorian, chế tạo một con tàu đặc biệt để bí mật trục vớt và đưa tàu ngầm đắm của Liên Xô lên bờ.
Trong 6 năm, CIA tiến hành dự án chiếm K-129 với sự giúp đỡ của tỷ phú Hughes. Bề ngoài, Glomar Explorer trông như một con tàu khai thác đồ sộ bình thường. Tuy nhiên, điểm đặc biệt nằm ở cấu trúc bên trong, với phần đáy được thiết kế sao cho kéo được tàu ngầm dài hơn 100 m của Liên Xô lên và đặt vừa trong thân tàu, cùng sự hỗ trợ của một thiết bị ngàm giữ đặc biệt có thể hạ sâu xuống đáy biển, kẹp vào con tàu rồi kéo lên.
Dự án Azorian đầy tham vọng tiêu tốn tổng cộng khoảng 800 triệu USD của chính phủ Mỹ vào thời điểm đó. Washington hy vọng thu được các đầu đạn hạt nhân, sổ mật mã cùng những phương tiện liên lạc của hải quân Liên Xô, từ đó giành lợi thế trong trường hợp xung đột nổ ra.
Sau một số lần trì hoãn và gặp vướng mắc về vấn đề chi phí, Glomar Explorer cuối cùng cũng bắt đầu triển khai trục vớt vào ngày 4/7/1974. Tuy nhiên, kế hoạch không mang lại kết quả lý tưởng như mong muốn.
Sau ba tuần, Glomar bắt đầu nâng tàu ngầm K-129 khỏi đáy biển, tuy nhiên trong quá trình trục vớt, 2/3 thân tàu ngầm K-129 bị gãy rời và rơi trở lại đáy biển sâu.
William McAfee, quan chức INR phụ trách giám sát hoạt động trục vớt, kể rằng giây phút tàu K-129 được nâng lên khỏi đáy biển, tất cả mọi người trên tàu Glomar đều vô cùng hào hứng. Nhưng ngay sau đó, tàu Glomar bất ngờ chao đảo dữ dội.
Các chuyên gia không thể giữ K-129 ổn định trong ngàm giữ đặc biệt. Một trong những chiếc ngàm giữ bị gãy, khiến thân tàu ngầm rơi trở lại đáy đại dương. Các kỹ sư định tiếp tục trục vớt phần còn lại của chiếc tàu ngầm, nhưng phải ngừng lại khi nhận ra phần thân đó đã vỡ thành nhiều mảnh lúc va chạm với đáy biển.
"Chúng tôi quyết định thử lại", McAfee cho biết. "Tàu trục vớt đã sẵn sàng nhưng một thành viên thủy thủ đoàn trong khi say rượu đã tiết lộ về dự án tại một quán bar ở Bờ Tây. Sự việc đến tai báo chí và chương trình bị dừng".
Sau nhiều nỗ lực, Mỹ chỉ vớt được một phần thân tàu ngầm và thi thể 6 thủy thủ Liên Xô bên trong. Do phần thân tàu được trục vớt chứa hai ngư lôi hạt nhân, giới chức quyết định tuyên bố chiến dịch đã thành công một phần.
Tang lễ của các thủy thủ thiệt mạng được tổ chức trên biển, với quan tài làm bằng kim loại đặc biệt nhằm đề phòng nguy cơ thi thể đã bị nhiễm phóng xạ. Buổi lễ được quay phim lại và một bản sao được gửi cho chính phủ Nga vào năm 1992, sau đó chiếu cho thân nhân những người đã khuất.
Mục đích thực sự của Dự án Azorian được che giấu suốt thời gian dài dưới vỏ bọc khai thác khoáng sản, đủ lâu để CIA kết luận rằng kế hoạch sẽ không thành công. Sự thật được vạch trần trong bài báo đăng trên NYTimes năm 1975, khơi mào cuộc tranh luận gay gắt về nỗ lực giữ bí mật của CIA.
Gần 50 năm sau khi dự án Azorian được triển khai, câu chuyện mới được tiết lộ đầy đủ. Khi đó, nỗ lực khai thác các nốt mangan thực sự đã được tiến hành và giờ đây ngày càng phổ biến hơn, dựa vào tiềm năng của loại tài nguyên quý giá này. Cuối cùng, "vỏ bọc" ngụy trang cho một kế hoạch gián điệp lại trở thành nền tảng cho nghiên cứu đầy sức ảnh hưởng trong tương lai, giữa lúc tài nguyên ngày càng cạn kiệt.
Ánh Ngọc (Theo Vintage News)