Thông tin trên được ông Phạm Hồng Phương, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết trong buổi làm việc của Liên minh châu Âu (EU) với UBND tỉnh Gia Lai về phát triển năng lượng, chiều 21/11.
Cụ thể, dự án thuỷ điện Yaly mở rộng xây dựng chiếm vào hơn một ha rừng thuộc địa phận tỉnh Gia Lai. Để có thể sử dụng diện tích rừng này, EVN cần phải được cơ quan chức năng cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng.
Lãnh đạo EVN cho biết, đến hết 31/12, nếu không hoàn thành thủ tục với tỉnh này sẽ dẫn tới ba hệ luỵ lớn. Thứ nhất, dự án không có đủ giấy tờ bảo lãnh ở ngân hàng, không được giải ngân sẽ làm chậm tiến độ triển khai. Thứ hai, trước mùa lũ tháng 6/2023, việc không được bàn giao đất sẽ dẫn tới không đảm bảo sơ đồ chống lũ khiến nước lũ có thể tràn vào toàn bộ khu vực nhà máy.
Ngoài ra, việc đấu nối đường dây điện 500 KV từ nhà máy mở rộng vào hệ thống điện quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng.
Để giải quyết vấn đề trên, ông Phương đề nghị tỉnh Gia Lai rà soát chỉ tiêu còn lại được phép chuyển mục đích sử dụng đất đã được Chính phủ phân bổ trong quy hoạch giai đoạn 2016-2020 sang thực hiện cho giai đoạn 2021-2030.
Trả lời đề xuất của EVN, ông Hồ Phước Thành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai bày tỏ quan điểm của lãnh đạo tỉnh là ủng hộ EVN triển khai dự án thuận lợi. Tuy nhiên, thời gian qua một số dự án liên quan đến đất rừng ở Gia Lai đang bị thanh tra nên việc cấp đất phải thực hiện một cách cẩn trọng.
"Tôi sẽ giao việc này ngay cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp cùng EVN ra trung ương làm việc cụ thể. Vướng mắc ở chỗ nào sẽ cố gắng xử lý trong quyền hạn", ông Thành nói và cho biết nhiều khả năng trình phương án thay đổi trong kỳ họp HĐND tới, khi xây dựng Quy hoạch lâm nghiệp sẽ thực hiện bổ sung sau.
Đối với đề nghị rà soát chỉ tiêu sử dụng đất, lãnh đạo Gia Lai thông tin sẽ đề nghị hai sở Công Thương, Kế hoạch và Đầu tư cùng nghiên cứu.
Dự án nhà máy thuỷ điện Yaly mở rộng thuộc xã Ya Tăng, huyện Sa Thầy, tỉnh Kon Tum và xã Ia Mơ Nông, Ia Kreng, thị trấn Yaly, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai có công suất 360 MW với tổng vốn gần 6.400 tỷ đồng, khởi công tháng 6/2021.
Dự án vay 1.900 tỷ đồng từ EU theo diện vay vốn thương mại không bảo lãnh của Chính phủ. Chủ đầu tư tự thu xếp 30% vốn, phần còn lại khoảng 2.400 tỷ đồng vay của một ngân hàng trong nước.
Đến nay, Ban quản lý dự án cho biết đang triển khai các hạng mục chính, trong đó đào đá đất hở đạt 66%, đắp đất đá khoảng 34%, đào đá ngầm đạt 81%, Bê tông hở gần 26%.
Dự án này dự kiến phát điện tổ máy 1 vào 30/6/2024 và tổ máy 2 vào 30/9/2024.