Những ngày này công trường thủy điện Hồi Xuân - nằm trên lưu vực sông Mã ở xã Phú Xuân, huyện Quan Hoá, không có hoạt động xây dựng. Dãy nhà điều hành, nhà ở dành cho kỹ sư, công nhân hầu hết đóng cửa.
Chủ đầu tư và nhà thầu chỉ bố trí số ít nhân viên làm nhiệm vụ bảo trì những hạng mục đã lắp đặt và trông coi bảo vệ tài sản.
Khởi công tháng 3/2010, dự án thủy điện Hồi Xuân có tổng mức đầu tư hơn 3.320 tỷ đồng, công suất 102 MW bao gồm ba tổ máy với sản lượng điện trung bình hàng năm hơn 432 triệu Kwh.
Theo kế hoạch, khoảng tháng 10/2012, thủy điện Hồi Xuân sẽ chặn dòng lần một, cuối năm 2013 chặn dòng lần hai, đến giữa năm 2014 thì tích nước hồ chứa và phát điện tổ máy số một vào tháng 9 cùng năm. Tuy nhiên, theo Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, từ khi khởi công đến tháng 6/2014, tiến độ triển khai dự án rất chậm, do chủ đầu tư cũ là Tổng công ty cổ phần xây dựng điện Việt Nam không thu xếp được nguồn tài chính.
Năm 2014, dự án chuyển giao cho Công ty dịch vụ thương mại sản xuất và xây dựng Đông Mê Kông và được Chính phủ bảo lãnh khoản vay thương mại 125 triệu USD. Qua đó, dự án thi công trở lại vào năm 2016.
Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa thông tin, giai đoạn 2016 đến 2018, dự án thủy điện Hồi Xuân thi công đạt khoảng 90% khối lượng xây lắp các công trình chính, diện tích đất thu hồi giải phóng mặt bằng 88%; tổng giá trị thực hiện toàn dự án khoảng 4.200 tỷ đồng.
Để dự án đi vào vận hành, chủ đầu tư cần hoàn thành các phần việc như: Bồi thường giải phóng mặt bằng, thi công một số hạng mục và công trình dân sinh, đấu nối vào lưới điện quốc gia... Tuy nhiên, vì tiếp tục thiếu vốn, dự án lại dừng thi công từ 2019 đến nay.
"Dự án chậm tiến độ, thi công dở dang đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân vùng dự án. Tạo điểm nóng, gây bức xúc, khiếu kiện kéo dài và thiệt hại kinh tế, lãng phí tài nguyên...", báo cáo của Sở Công Thương tỉnh Thanh Hóa, nêu.
Vùng lòng hồ dự án thuỷ điện Hồi Xuân có hơn 655 ha đất bị ảnh hưởng, thuộc hai huyện Mai Châu (Hòa Bình) và huyện Quan Hoá (Thanh Hoá). Gần 1.900 hộ dân ở hai địa phương này bị tác động, trong đó khoảng 500 hộ phải tái định cư đến nơi ở mới.
Đến nay gần một trăm hộ chưa nhận được tiền đền bù hoặc chưa có khu tái định cư để chuyển đến khiến cuộc sống bấp bênh, tạm bợ. Ngoài ra các chính sách hỗ trợ ổn định sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân bị tác động bởi dự án chưa được thực hiện triệt để.
Tại khu tái định cư bản Sa Lắng, xã Phú Xuân, nhiều người dân bức xúc vì chủ đầu tư thủy điện Hồi Xuân chưa hoàn thành cam kết xây nhà văn hóa, đường từ bến đò lên bản, mái kè taluy dương chống sạt lở, sân bóng chuyền...
"Chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị với các cơ quan chức năng nhưng đến nay chưa được giải quyết", ông Cao Thanh Bình, Trưởng bản Sa Lắng, nói.
Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Thanh Hóa đã nhiều lần đề xuất các bộ ngành sớm có giải pháp tháo gỡ. Theo Sở Công thương Thanh Hóa, để dự án tái khởi động cần điều chỉnh phương án tính giá điện phù hợp thực tế nhằm đáp ứng điều kiện thế chấp của các ngân hàng.
Đại diện chủ đầu tư cho hay vừa qua cấp có thẩm quyền đã đồng ý cho dự án được điều chỉnh giá điện lên mức 1.778,4 kWh (mức giá để dự án thu hồi vốn).
Hiện chủ đầu tư đang chờ ngân hàng thẩm định hồ sơ vay vốn, dự kiến có thể giải ngân trong cuối năm 2021.
"Dịch Covid-19 bùng phát mạnh khiến nhiều cán bộ nghỉ việc tạm thời đi làm nơi khác phải cách ly chưa thể trở lại; quá trình nhập vật tư, thiết bị cũng gặp trở ngại...", ông Thái Văn Chấn, Phó giám đốc Công ty CP đầu tư xây dựng điện Hồi Xuân, giải thích về tình trạng chậm tiến độ của dự án.