Những ngày này khu vực dự án trở thành nơi chăn thả gia súc của người dân địa phương. Anh Nguyễn Văn Phượng, 39 tuổi, ở xã Thuỷ Sơn nơi đặt dự án, cho hay hơn 10 năm trước, trong vùng hầu như chưa có nhà máy, xí nghiệp như bây giờ nên người dân địa phương rất phấn khởi khi dự án xi măng Thanh Sơn khởi công.
"Nhiều thanh niên đã bỏ tiền theo học các nghề liên quan đến sản xuất, vận hành xi măng với mong muốn được làm việc ổn định khi dự án hoàn thành, nhưng học xong mà dự án vẫn chỉ là vùng đất hoang", anh Phượng nói.
Dự án nhà máy xi măng Thanh Sơn có tổng mức đầu tư dự kiến 1.430 tỷ đồng, được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp giấy chứng nhận đầu tư năm 2008, cho thuê đất năm 2009.
Nhà máy sản xuất vật liệu xây dựng quy mô lớn nhất khu vực 11 huyện miền núi tỉnh Thanh Hoá được kỳ vọng sẽ tạo ra cú hích phát triển. Tuy nhiên nhiều năm qua dự án trong tình trạng dừng thi công, bỏ hoang gây lãng phí đất đai.
Theo chính quyền địa phương, sau khi được bàn giao đất, chủ đầu tư đã xây dựng hạ tầng kỹ thuật gồm: Nhà ở công nhân, tường rào bao quanh nhà máy, ép cọc bê tông móng và một số công trình phụ trợ khác. Tuy nhiên, do thiếu vốn nên đến cuối năm 2010, hầu hết hoạt động trên công trường dừng lại.
Từ đó đến nay, nhiều nơi trong khuôn viên rộng gần 40 ha của nhà máy thành bãi chăn thả trâu bò, ao thả cá. Đối diện cổng chính nhà máy là những dãy nhà xiêu vẹo, đổ nát, cỏ mọc um tùm.
Theo ông Lê Phúc Hành, Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, cả trăm hộ dân trên địa bàn xã đã phải nhường những thửa ruộng màu mỡ, bãi đất bằng phẳng cho nhà máy. "Vị trí đầu tư nhà máy trước đây là vựa lúa của vùng, vì sự phát triển chung của địa phương, bà con đã di dời nhường đất, nhưng không có đổi thay như kỳ vọng, thay vào đó là nỗi bức xúc", ông Hành nói.
Báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc nêu 206 hộ dân tại bốn thôn của xã Thúy Sơn bị ảnh hưởng trực tiếp bởi dự án. Người dân đã bàn giao đất ở, đất nông nghiệp để giải phóng mặt bằng xây nhà máy nên không còn đất để canh tác. Số người đi học chuyển đổi nghề đã phải đi tìm việc làm khác khiến cuộc sống khó khăn, thu nhập không ổn định.
Sau nhiều năm dừng thi công, đầu năm 2021, chủ đầu tư nhà máy xi măng Thanh Sơn có văn bản gửi Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đề nghị nâng công suất lên 2,5 triệu tấn/năm, gấp gần ba lần công suất ban đầu.
Ngày 13/8, đại diện Công ty CP Xi măng Thanh Sơn - chủ đầu tư, cho biết dự án đã giải ngân khoảng 400 tỷ đồng song phải dừng thi công nhiều năm do thiếu vốn. Hiện doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Thanh Hóa cho phép tăng công suất để tiếp tục thực hiện dự án, "song chưa được chấp thuận".
Theo Chủ tịch UBND xã Thúy Sơn, vừa qua địa phương tổ chức họp dân 5 thôn sinh sống quanh nhà máy, tất cả hơn 700 ý kiến từ các hộ đều không đồng ý việc tiếp tục xây dựng nhà máy xi măng trên địa bàn.
UBND huyện Ngọc Lặc cũng đề nghị UBND tỉnh "không xem xét điều chỉnh công suất nhà máy, có hướng thu hồi vì vi phạm tiến độ; bỏ quy hoạch nhà máy xi măng Thanh Sơn tại khu vực trên, đề xuất điều chỉnh quy hoạch thành đất công nghiệp thu hút các ngành nghề sử dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, thân thiện với môi trường..."
Nhà máy xi măng Thanh Sơn thuộc nhóm xí nghiệp độc hại cấp một, phải quy hoạch ngoài khu vực đô thị, cách xa khu dân cư ít nhất một km, nhưng thực tế nhà máy chỉ cách nơi người dân sinh sống điểm gần nhất khoảng 500 m và hiện nằm trong vùng quy hoạch đô thị Ngọc Lặc.
Ngoài ra, chính quyền địa phương hay các vị trí mỏ đá vôi, đất sét làm nguyên liệu phục vụ dự án nằm ở khu vực núi Sắt – đây là địa danh truyền thống của người Mường gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn.
Gần nhà máy còn có hang Bàn Bù là khu di tích văn hóa, danh lam thắng cảnh đã được công nhận là di tích cấp tỉnh.
"Việc khai thác mỏ nguyên liệu tại vị trí nêu trên sẽ ảnh hưởng lớn đến cả quần thể di tích văn hóa, tâm linh của người dân trên địa bàn huyện", báo cáo của UBND huyện Ngọc Lặc nêu.