"Hiện không rõ liệu các công nghệ quan trọng trên tàu ngầm lớp Columbia, bao gồm hệ thống năng lượng tích hợp, lò phản ứng hạt nhân, khoang tên lửa chung (CMC), hệ thống đẩy và nhiều thiết bị khác có thể hoạt động như dự kiến hay sẽ bị trì hoãn và đội giá so với kế hoạch", Sputnik dẫn báo cáo do Văn phòng Kiểm toán Chính phủ Mỹ (GAO) công bố hôm 21/12.
GAO cho rằng hải quân Mỹ đã che giấu các nguy cơ của dự án siêu tàu ngầm Columbia trong báo cáo hồi năm 2015. Theo đó, lực lượng này không xếp những công nghệ trên vào nhóm "đặc biệt quan trọng", dù chúng có ảnh hưởng lớn tới khả năng vận hành và chiến đấu của tàu ngầm lớp Columbia.
Việc ứng dụng những công nghệ chưa được hoàn thiện và kiểm chứng có thể kéo dài thời gian phát triển lớp Columbia, điều từng xảy ra với siêu tàu sân bay hạt nhân lớp Gerald R. Ford. Các tàu ngầm này cũng có thể đi vào vết xe đổ của máy bay F-35, với chi phí nghiên cứu chế tạo vượt gấp nhiều lần dự kiến, trở thành dự án vũ khí tốn kém nhất lịch sử Mỹ.
Tàu ngầm lớp Columbia dài 170 m, được thiết kế với tính năng tàng hình và nhiều công nghệ hiện đại của thế kỷ 21. Hạm đội 12 chiếc Columbia được kỳ vọng sẽ thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio trong biên chế hải quân Mỹ hiện nay. Lò phản ứng thế hệ mới của lớp Columbia cho phép tàu hoạt động với tần suất cao hơn và không cần nạp nhiên liệu trong thời gian dài hơn.
Mỗi tàu ngầm lớp Columbia được trang bị 16 tên lửa đạn đạo Trident D5, mang được tối đa 192 đầu đạn với tổng sức nổ tương đương 91,2 triệu tấn thuốc nổ TNT. Các đầu đạn có thể được phóng độc lập vào nhiều mục tiêu khác nhau, tăng đáng kể sức hủy diệt của các tàu ngầm lớp Columbia.
Mỹ dự định đóng mới 12 tàu ngầm lớp Columbia, chiếc đầu tiên sẽ được khởi đóng vào năm 2021. Quá trình chế tạo theo kế hoạch sẽ kéo dài trong 10 năm, mỗi tàu lớp Columbia có thể được biên chế trong vòng tối thiểu 42 năm.
Tử Quỳnh