Trao đổi với báo chí chiều 29/9, Thứ trưởng Trường cho hay, biến động giá rất lớn về mọi mặt dẫn đến trượt giá thiết bị nên năm 2013, Tổng thầu Trung Quốc đã đề nghị phải điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông. Trên cơ sở tính toán, Bộ Giao thông và Tổng thầu Trung Quốc đã thống nhất bổ sung 250,62 triệu USD cách đây 3 năm. Nhân chuyến thăm của Thủ tướng sang Trung Quốc làm việc mới đây, hai bên ký kết để lấy vốn cho dự án, chứ không phải là vốn tăng thêm và vay mới.
Về tiến độ, trước đó Bộ Giao thông dự định đưa vào vận hành thử nghiệm đường sắt Cát Linh - Hà Đông vào cuối năm 2016. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trường, đến cuối năm 2016 mới hoàn thành xây lắp, hết quý 1/2017 lắp đặt xong đoàn tàu, sau đó sẽ vận hành thử trong 3 tháng và đến cuối tháng 9/2017 đường sắt Cát Linh - Hà Đông mới có thể khai thác thương mại.
Lý giải nguyên nhân chậm tiến độ, Thứ trưởng Trường cho biết, từ năm 2013 đến nay dự án được kiểm soát tốt về tiến độ. Phía Trung Quốc vẫn quyết tâm hoàn thành phần xây lắp như nhà ga, đường tàu, khu bảo dưỡng Depot vào cuối năm 2016. Bộ Giao thông đang đàm phán mua gói thiết bị khoảng 200 triệu USD nhằm đảm bảo có được công nghệ mới nhất cho dự án. Bộ cũng đã mời Bộ Tài chính tham gia thẩm định giá.
"Chậm tiến độ là do Việt Nam đang thẩm định, phía Trung Quốc cũng mong muốn Việt Nam sớm hoàn thành công tác này để họ ký kết”, ông Trường nói.
Lãnh đạo Bộ Giao thông khẳng định, hiện nay sự hợp tác của Trung Quốc là rất tích cực, đây là dự án đầu tiên hoạt động tại thủ đô được mang tính biểu tượng của mối quan hệ hai nước nên cả hai phía đều cố gắng hoàn thành và đảm bảo chất lượng tốt nhất.
Dự án Cát Linh - Hà Đông khởi công từ tháng 10/2009 với tổng mức đầu tư ban đầu 550 triệu USD với nguồn vốn vay ưu đãi của Trung Quốc, theo hình thức EPC. Tuy nhiên, sau đó vốn được điều chỉnh tăng, nâng tổng mức đầu tư thêm hơn 300 triệu USD. |
Đoàn Loan