Mỏ khí lô B là dự án trọng điểm cung ứng khí cho sản xuất điện khu vực phía Nam với trữ lượng khoảng 107 tỷ m3 khí trong 20 năm. Khí lô B khi đi vào vận hành, đón dòng khí đầu tiên vào cuối năm 2026 sẽ cấp 3,8-5 tỷ m3 khí mỗi năm cho các nhà máy điện tại khu vực Ô Môn (Cần Thơ) và Kiên Giang.
Điện khí Ô Môn 3 do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) làm chủ đầu tư là một trong số dự án thuộc Trung Tâm Điện lực Ô Môn sẽ sử dụng khí từ mỏ lô B. Dự án này có tổng vốn đầu tư hơn 25.240 tỷ đồng, trong đó 70% là vay ODA (17.670 tỷ đồng) và vốn đối ứng hơn 9.920 tỷ đồng. Điện khí Ô Môn 3 là dự án trong danh mục vay vốn tín dụng ưu đãi Chính phủ Nhật Bản năm 2012.
Theo đó, Tập đoàn Điện lực (EVN) là chủ đầu tư đồng thời là chủ thể hợp đồng vay lại vốn ưu đãi nước ngoài, hình thức vay là doanh nghiệp vay lại 100% vốn vay ODA. Theo công hàm ký giữa hai nước, vốn vay từ Chính phủ Nhật Bản là hơn 27,9 tỷ yen, lãi suất 1,15% một năm trong vòng 30 năm, gồm 10 năm ân hạn. Phía Nhật Bản cam kết xem xét tài trợ dự án này lên tới 85%.
Tỉnh Cần Thơ đã phê duyệt chủ trương đầu tư dự án điện khí Ô Môn 3, nhưng dự án này đang gặp vướng mắc về cơ chế tài chính vay vốn ODA từ phía Nhật.
Cụ thể, theo EVN, quy trình giải ngân vay ODA cho dự án được phía Nhật đưa ra, là bên vay (Bộ Tài chính) chỉ định một ngân hàng thương mại làm ngân hàng đại lý. Trường hợp này, ngân hàng đại lý là cơ quan cho vay lại chịu rủi ro.
Có 4 ngân hàng thương mại đưa ra các hạn mức có thể cho vay với dự án nhưng điều kiện là khoản vay dưới dạng bảo lãnh vay vốn hoặc cho vay lại chịu rủi ro tín dụng; không tính khoản vay vào tăng trưởng tín dụng hằng năm của ngân hàng. EVN đánh giá, các điều kiện đưa ra từ phía các ngân hàng đều không phù hợp quy định hiện nay.
Như vậy, không có ngân hàng thương mại nào trong nước đáp ứng các điều kiện để là cơ quan cho vay lại và chịu rủi ro toàn bộ khoản vay từ Nhật Bản của dự án điện khí Ô Môn 3. Việc hợp vốn của các ngân hàng cũng gặp khó khăn vì sẽ phải xin cơ chế đặc biệt từ cơ quan quản lý.
Việc thực hiện các thủ tục vay vốn ODA từ Nhật của dự án Ô Môn 3 vẫn vướng mắc, nguy cơ ảnh hưởng tới cả chuỗi dự án và dự án này khó kịp đón dòng khí lô B đầu tiên vào cuối 2026.
Do đó, theo EVN việc áp dụng cơ chế tín dụng qua cơ quan cho vay lại chịu rủi ro là không khả thi, nên tập đoàn này kiến nghị cấp có thẩm quyền chấp thuận đưa dự án này vào danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước. Việc này giúp dự án được áp dụng cơ chế cơ quan cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng, theo Luật Quản lý nợ công. Nhưng điểm vướng hiện nay là luật chưa quy định trình tự thủ tục, cơ quan có thẩm quyền phê duyệt dự án thuộc danh mục ưu tiên đầu tư của Nhà nước.
Trước vướng mắc này, Bộ Công Thương cho biết đã báo cáo các cấp có thẩm quyền về gỡ vướng trong thủ tục vay vốn nước ngoài của EVN tại dự án Ô Môn 3.
Bộ này cũng đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn EVN trình tự, thủ tục đưa dự án này vào danh mục dự án ưu tiên đầu tư cùa Nhà nước. Đây là điều kiện để Thủ tướng xem xét, phê duyệt cho dự án này được áp dụng cơ chế cho vay lại không chịu rủi ro tín dụng.