Tại buổi làm việc với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chiều 24/11, lãnh đạo tỉnh Cao Bằng xin chủ trương đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh dài 115 km.
Dự án có điểm đầu tại nút giao cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh, điểm cuối tại ngã ba đường vào khu kinh tế cửa khẩu Trà Lĩnh (Cao Bằng). Đường thiết kế 4 làn xe, nền đường rộng 17 m, tốc độ 80 km/h.
Trước đây, tuyến cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh được nghiên cứu dài 144 km với tổng mức đầu tư dự kiến là 47.000 tỷ đồng. Theo phương án mới đây, dự án sẽ được nắn thẳng tuyến với 6 hầm xuyên qua núi và 18 cầu cạn nên rút ngắn 29 km. Tổng mức đầu tư là 20.938 tỷ đồng, giảm hơn 26.000 tỷ đồng so với trước.
Phương án đầu tư được đề xuất là hình thức công tư PPP, dự kiến tỉnh Cao Bằng đầu tư vốn ngân sách hơn 7.500 tỷ đồng cho giải phóng mặt bằng và các công trình; nhà đầu tư và vốn vay tín dụng góp hơn 13.000 tỷ đồng.
Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, tỉnh Cao Bằng đề xuất phân kỳ đầu tư. Giai đoạn 1 năm 2019-2020 sẽ thực hiện từ Tân Thanh (Lạng Sơn) đến TP Cao Bằng dài khoảng 80 km với tổng vốn 10.000 tỷ đồng. Giai đoạn 2 đầu tư tuyến cao tốc từ TP Cao Bằng đến cửa khẩu Trà Lĩnh thuộc tỉnh này.
Theo ông Lại Xuân Môn, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng, cao tốc Đồng Đăng - Trà Lĩnh là khát vọng bao đời nay của nhân dân tỉnh Cao Bằng, nhiều khóa lãnh đạo mong muốn xây dựng cơ sở hạ tầng giao thông mà chưa thực hiện được. Tỉnh cam kết có các chính sách hỗ trợ cho dự án, đảm bảo đúng quy định. Nhà đầu tư không phải lo rủi ro về tư duy nhiệm kỳ do thay đổi chính sách.
Cũng theo đánh giá của địa phương, cao tốc Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn - Hữu Nghị Quan và kết nối đến cửa khẩu Tân Thanh, Cốc Nam (Lạng Sơn) đang được thực hiện, hoàn thành năm 2020. Việc đầu tư cao tốc Lạng Sơn - Cao Bằng sẽ kết nối đồng bộ các tuyến này, tăng hiệu quả của tuyến Bắc Giang - Lạng Sơn.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhất trí chủ trương triển khai dự án với hình thức PPP, coi đây là đột phá giúp Cao Bằng phát triển. Tuy nhiên, Ngân hàng nhà nước cần phối hợp với các bộ ngành tổ chức hội nghị sâu hơn về dự án này.
Thủ tướng cũng đồng ý về nguyên tắc bố trí nguồn vốn cho dự án. Giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, ngân sách Trung ương hỗ trợ 2.000 tỷ đồng, ngân sách địa phương góp 2.000 tỷ đồng, phần vốn nhà đầu tư là 6.000 tỷ đồng.
"Tuyến đường sau khi đi vào hoạt động sẽ mở ra một hướng mới về phát triển giao thông, thương mại và kinh tế - xã hội cho một địa phương còn nghèo như Cao Bằng", Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.
Năm 2016, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tư vấn nghiên cứu đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) đến Trà Lĩnh (Cao Bằng) dài 144 km với tổng mức đầu tư 47.000 tỷ đồng. Thủ tướng đã giao Bộ Kế hoạch Đầu tư bố trí vốn cho dự án, dự kiến vay tín dụng Trung Quốc 300 triệu USD để thực hiện. Tuy nhiên, do một số ràng buộc về điều kiện vay vốn nên việc này không thực hiện được.
Quãng đường từ Hà Nội đến Cao Bằng hiện dài 280 km, ôtô di chuyển mất 5,5-6 giờ. Sau khi các tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, Lạng Sơn - Cao Bằng hoàn thành, thời gian di chuyển sẽ rút ngắn xuống còn 2-2,5 giờ.
Ông Hồ Minh Hoàng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Đèo Cả - nhà đầu tư được tỉnh Cao Bằng lựa chọn, cho hay tuyến đường được rút ngắn xuống 29 km và đi qua các hầm ngắn, cầu cạn nên giảm được hơn 20.000 tỷ đồng. Ngoài ra, Đèo Cả sẽ huy động nhiều máy móc thiết bị và áp dụng công nghệ khoa học đã thực hiện dự án hầm Đèo Cả, Cù Mông nên sẽ tiết giảm được chi phí. Tuy nhiên, do địa hình đồi núi phức tạp nên cần khảo sát địa chất kỹ hơn tại báo cáo khả thi của dự án.