Tại tọa đàm ngày 4/12, thượng tá Vũ Anh Tuấn - Phó trưởng ban chỉ đạo Cảng xanh (Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn, Bộ Quốc phòng) cho biết doanh nghiệp này gặp thách thức lớn khi chuyển đổi xanh giai đoạn hai - sử dụng pin năng lượng mặt trời và năng lượng tái tạo, xanh hóa toàn bộ đến năm 2050.
Ông Tuấn cho biết doanh nghiệp đã ra nước ngoài học hỏi công nghệ sử dụng năng lượng sạch, nhưng chi phí quá lớn. "Dự án Lạch Huyện 12.000 tỷ đồng, nếu chuyển sang xanh và tự động hóa, sẽ tăng lên gần 30.000 tỷ. Nếu chuyển đổi xanh hóa ở mức cao nhất, vốn có thể lên tới 40.000 tỷ đồng", ông nói.
Dự án Lạch Huyện của Tân Cảng Sài Gòn là bến số 7, 8 của khu cảng, tổng chiều dài 900 m, quy mô sử dụng đất và mặt nước gần 80 ha, tiến độ thực hiện đến 2027. Khu cảng Lạch Huyện hiện khai thác hai bến 1 và 2, sáu bến 4-8 đang thi công và thủ tục thi công.
Liên quan đến chi phí chuyển đổi xanh, ông Tuấn chỉ ra khoản tốn nhất là pin. "Một chiếc xe giá 6 tỷ đồng thì có tới 2,8 tỷ là tiền pin. Để giảm chi phí, cần hợp tác sản xuất pin điện quy mô lớn và nhiều doanh nghiệp tiên phong trong lĩnh vực này", Phó trưởng ban chỉ đạo Cảng xanh của Tân Cảng Sài Gòn nói.
Tiêu chuẩn về cảng xanh được Cục Hàng hải Việt Nam đưa ra từ cuối 2022, nhằm thực hiện cam kết Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào 2050. Theo đó, các cảng xanh phải đảm bảo tiêu chí về bảo vệ môi trường, ứng dụng công nghệ thông tin và đặc biệt là năng lượng sạch (điện gió, mặt trời, nhiên liệu khí hóa lỏng - LNG, hydro...).
Theo kế hoạch thực hiện đề án phát triển cảng xanh tại Việt Nam, từ tới 2025 sẽ triển khai thí điểm tại một số cảng, áp dụng tự nguyện từ 2025-2030, sau đó là bắt buộc.
"Các hãng tàu đề nghị đến năm 2030 phải có điện bờ, nếu không họ sẽ chuyển sang các cảng mới. Chi phí đầu tư điện bờ lên đến hàng triệu USD, bắt buộc thì phải làm", ông Trần Khánh Hoàng, thuộc khối Cảng & Logistics của ITC Corporation nói. Điện bờ là giải pháp cấp điện trên bờ cho tàu khi cập bến, giúp giảm thiểu việc dùng máy phát điện trên tàu, từ đó giảm lượng khí thải và tiếng ồn.
Công ty TNHH liên doanh dịch vụ container quốc tế cảng Sài Gòn – SSA (SSIT) cũng gặp khó trong chuyển đổi năng lượng. Một số cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải và tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư các phương tiện khai thác chủ yếu sử dụng nhiên liệu dầu, nếu muốn thay thế bằng phương tiện chạy điện hoặc các dạng năng lượng sạch khác cần nhiều nguồn lực tài chính trong ngắn và dài hạn.
Về nguồn tài chính chuyển đổi xanh, đại diện Tân Cảng Sài Gòn và SSIT kiến nghị có các chính sách hỗ trợ như ưu đãi xanh, tín dụng xanh. Ngoài ra, ông Tuấn nhấn mạnh vấn đề "có tiền rồi nhưng sử dụng ra sao", khi khó giải trình hiệu quả kinh tế, kỹ thuật và môi trường do thiếu khung pháp lý với các tiêu chuẩn bắt buộc cụ thể.
Phó cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Hoàng Hồng Giang cho rằng các doanh nghiệp cần nhanh hơn, nếu không mất cơ hội phát triển vì "không có tàu xanh nào muốn đến cảng không xanh".
Thủy Trương