Chính quyền Hong Kong hôm 10/10 công bố kế hoạch xây dựng một số đảo nhân tạo để giảm bớt tình trạng thiếu nhà ở tại Hong Kong. Kế hoạch có tên "Tầm nhìn ngày mai Đại Nhĩ Sơn" của Carrie Lâm - trưởng đặc khu, sẽ phát triển hòn đảo lớn nhất của Hong Kong và các khu vực xung quanh, xây dựng trung tâm thương mại và dân cư thứ ba tại Hong Kong, sau hai trung tâm đầu tiên là khu Trung tâm và Đông Cửu Long, theo SCMP.
Tuy nhiên, chi phí 500 tỷ đôla Hong Kong (63,8 tỷ USD) của dự án gây tranh cãi bởi nó lớn gấp đôi so với đề xuất ban đầu, chiếm một nửa quỹ dự trữ tài chính của đặc khu. Số tiền sẽ được chi trả cho việc cải tạo 1.700 ha đất ở các đảo nằm ở phía đông đảo Đại Nhĩ Sơn, xây nhà ở cho 1,1 triệu người.
"Theo tôi, tránh làm dự án này vì nó đắt đỏ là suy nghĩ hạn hẹp", bà Lâm nói trong cuộc họp báo sau khi công bố dự án. "Chúng ta cần tự hỏi bản thân liệu dự án này có cung cấp nhu cầu về nhà ở và quỹ đất trong lâu dài để phát triển các nhu cầu xã hội và phát triển cần thiết cho người dân Hong Kong không".
"Với quyết tâm đạt được mục tiêu đó, tôi nghĩ mình không đáng bị gọi là kẻ thù của người dân. Tôi có thể đi theo con đường dân túy, không làm điều gì gây tranh cãi, nhưng người dân không được lợi từ việc này", bà Lâm khẳng định.
Người đứng đầu đặc khu Hong Kong khẳng định Đại Nhĩ Sơn tiếp giáp sân bay quốc tế Hong Kong và tuyến đường đi qua cầu dài nhất thế giới nối Hong Kong - Chu Hải - Macau. Đây là vị trí chiến lược để tương tác với các thành phố trọng điểm ở khu vực đồng bằng Châu Giang.
Bà Lâm có tham vọng biến Đại Nhĩ Sơn thành một "đô thị cận sân bay", bao gồm sân bay, trung tâm hậu cần, mở rộng trung tâm triển lãm Châu Á Thế giới và cảng nhân tạo nối với cầu Hong Kong - Chu Hải - Macau.
Nguồn tin chính quyền cho hay việc cải tạo chia làm ba giai đoạn. 300 hecta ở phía đông đảo Giao Y Châu (Kau Yi Chau) sẽ được cải tạo đầu tiên và hoàn thành trong ba năm bắt đầu từ 2025. Tiếp theo, 700 hecta ở phía tây hòn đảo sẽ được cải tạo tiếp, chưa rõ thời gian hoàn thành. 700 hecta quanh đảo Hỷ Linh Châu (Hei Ling Chau) sẽ được cải tạo trong giai đoạn ba, chưa rõ thời gian. Việc khai hoang hơn 300 hecta gần bờ ở ba địa điểm khác cũng được xem xét. Mạng lưới giao thông mới sẽ kết nối Đại Nhĩ Sơn với đảo Hong Kong và bán đảo Cửu Long sẽ thúc đẩy sự phát triển quanh dự án.
Tuy nhiên, Yeung Ha-chi, một thành viên nhóm Cộng đồng nghiên cứu Liber, chỉ trích tầm nhìn của bà Lâm "bỏ qua ý kiến tranh luận của người dân" về chi phí, tác động môi trường và rủi ro khi thi công trong thời tiết khắc nghiệt.
Ông nhấn mạnh việc cải tạo diện tích lớn như vậy cần hai tới ba thập niên mới hoàn thiện, mà nhu cầu cấp bách của thành phố bây giờ là cung cấp nhà ở xã hội giá cả phải chăng cho người dân.
"Chúng tôi chỉ có thể nghĩ rằng bà Lam sẽ nhấn mạnh việc cải tạo, bỏ qua ý kiến người dân", Yeung nói. "Tại sao bà ấy không đợi sau khi kết quả trưng cầu dân ý công bố?"
Steven Ho Chun-yin, nhà lập pháp về nông nghiệp và thủy sản, bày tỏ lo ngại tác động của nó lên môi trường. Wong Yuen-fai, chủ tịch Ủy ban Cung ứng Đất - đơn vị có nhiệm vụ trưng cầu dân ý trong 5 tháng về những kế hoạch của chính quyền, cho biết đơn vị vẫn có nhiệm vụ phản ánh ý kiến người dân về kế hoạch cải tạo trong báo cáo cuối năm. Nếu đa số phản đối, nhưng chính quyền vẫn tiến hành, "họ phải đưa ra lời giải thích rõ ràng về lý do đưa ra quyết định".
Siu Wai, 45 tuổi, sống cùng vợ và hai con gái trong một căn hộ bị chia nhỏ, rộng 9 m2 ở Quán Đường, phía đông Cửu Long, "cực kỳ thất vọng" với trưởng đặc khu khi bà ưu tiên cải tạo đất lúc này.
"Kế hoạch đó có ích gì đối với những người dân sống trong nhà bị chia nhỏ như chúng tôi, nếu chúng tôi phải đợi thêm 20 tới 30 năm nữa để họ xây xong đảo? Chúng tôi thậm chí còn không biết thế giới khi đó sẽ thế nào", Siu Wai nói.
"Ngay bây giờ, chúng tôi chỉ muốn được chuyển vào nhà ở xã hội càng nhanh càng tốt, có nơi che nắng che mưa trên đầu", anh bày tỏ.
Siu làm nghề chuyển phát nhanh, cho hay gia đình đã đợi 6 năm để được mua nhà ở xã hội, và phải chuyển nhà tới 5 lần tới các loại căn hộ bị chia nhỏ khác trong nhiều năm qua. Nhà ở tạm cho người vô gia cư là một lựa chọn tốt, nhưng thực tế, kiểu nhà này số lượng quá ít và chỉ được ở tạm thời.
"Giả dụ chúng tôi được vào đó sống, nhưng hai năm sau lại phải chuyển đi, chúng tôi vẫn phải tiếp tục chờ đợi nhà ở xã hội", Siu nói.
Có một điều trong kế hoạch của bà Lâm mà Siu ủng hộ, đó là lời hứa dành 80% đất để xây nhà ở xã hội. Carrie Lâm hứa sẽ tăng tỷ lệ căn hộ chung cư lên tổng số 460.000 căn vào năm 2027. Tuy nhiên, bà không nói rõ đó là loại căn hộ nào. Hiện Hong Kong có 280.000 căn hộ, tương đương 60% tổng số nhà ở tại khu vực này, được phân bổ là nhà ở xã hội cho thuê hoặc căn hộ chia nhỏ, 40% phần còn lại thuộc về chủ sở hữu tư.
Dù không hoàn toàn phản đối kế hoạch cải tạo dài hạn của trưởng đặc khu, nhưng Siu thắc mắc tại sao chính quyền không tập trung hơn vào việc phát triển các khu đất bỏ hoang, hoặc lấy lại đất từ sân golf Fanling để xây nhà trong kế hoạch Đại Nhĩ Sơn.
"Cải tạo nên là phương án cuối cùng khi còn nhiều cách tốt hơn để tìm đất", Siu nhận định.