Serhii Sternenko, người gây quỹ chế tạo thiết bị bay không người lái (drone) cho quân đội Ukraine, tuần này chia sẻ video quay bởi tổ vận hành drone "90/81 Apachi" thuộc Tiểu đoàn Không vận số 90 Ukraine.
Video cho thấy drone trinh sát của lực lượng này phát hiện tổ hợp phòng không tầm ngắn 9K33 Osa của Nga di chuyển trên đường, nên bám theo để giám sát. Xe phòng không này sau đó di chuyển tới khu nhà nằm giữa các rặng cây, rồi tiến vào trong garage.
Lực lượng Ukraine sau đó triển khai drone tự sát tập kích mục tiêu. Chiếc drone đầu tiên bay vào garage, song bị một cánh cửa sắt cản trở. Tổ vận hành không tìm cách lách qua mà lao quả đạn thẳng vào cánh cửa, tạo ra chớp sáng màu cam song không có khói bốc lên, cho thấy đòn đánh không gây ra thiệt hại thật sự.
Binh sĩ Ukraine tiếp tục điều thêm một drone FPV tấn công theo hướng cũ. Hình ảnh thu được từ drone cho thấy lối vào garage hầu như vẫn bị bịt kín, song cửa sắt đã bị hư hại nhẹ và để lộ một lỗ hổng phía bên trái. Tổ vận hành cố gắng lái quả đạn về hướng lỗ hổng, song video không cho thấy kết quả của đòn đánh lần này.
Khi drone FPV thứ ba của Ukraine tiếp cận, cánh cửa sắt đã bị phá hủy. Drone luồn vào bên trong, đâm thẳng vào tổ hợp Osa, tạo ra vụ nổ lớn. Năm binh sĩ Nga, dường như là toàn bộ thành viên kíp chiến đấu của tổ hợp phòng không Osa, vội thoát ra ngoài, không có ai trông có vẻ bị thương.
Đoạn cuối video cho thấy garage bốc cháy dữ dội và tuôn khói đen dày đặc. Sternenko cho biết loạt đòn đánh của drone Ukraine đã thiêu rụi garage và phá hủy tổ hợp phòng không Osa.
Đây không phải lần đầu tiên Ukraine triển khai drone tập kích khí tài hạng nặng Nga khi chúng được cất trong nhà kho. Trong video đăng hồi tháng 2, Lữ đoàn Cận vệ Tổng thống Ukraine đã lái drone FPV luồn vào nhà kho quân sự của Nga ở tỉnh miền đông Donetsk, phá hủy một số xe tăng, thiết giáp bên trong.
Lực lượng Nga dường như nhận thức rõ rằng chỉ cất giấu khí tài bên trong các tòa nhà là chưa đủ để chống lại drone FPV, nên đã bố trí thêm các lớp phòng thủ, trong trường hợp này là cửa sắt. Tuy nhiên, biện pháp trên không phát huy được hiệu quả do Ukraine sở hữu lượng lớn drone giá rẻ, có thể liên tiếp triển khai để loại bỏ lớp bảo vệ bên ngoài trước khi nhắm vào mục tiêu bên trong.
"Nếu tổ vận hành Osa của Nga được giao một chiếc xe khác, họ nên cất nó bên trong boongke", chuyên gia quân sự David Hambling của Forbes nhận định.
Tổ hợp phòng không Osa bắt đầu được phát triển từ năm 1960 và đưa vào biên chế quân đội Liên Xô hồi năm 1971, có trọng lượng 18 tấn, chiều dài 9 mét, kíp chiến đấu 5 người. Đây là tổ hợp phòng không đầu tiên của Liên Xô được tích hợp radar điều khiển hỏa lực trên xe phóng đạn, giúp mỗi xe trở thành một ổ hỏa lực độc lập.
Nó được trang bị 6 tên lửa mang đầu dò radar, thường phóng theo loạt hai quả với tỷ lệ trúng đích 55-85%. Đạn của biến thể mới nhất có tầm bắn hơn 10 km. Mỗi tổ hợp có giá ước tính 4-10 triệu USD.
Phạm Giang (Theo Forbes)