Drone cánh cố định có thể bay xa và nhanh hơn drone nhiều cánh quạt, nhưng chúng thường cần đường băng để cất hạ cánh. Drone Vetal do công ty Thái Lan HG Robotics chế tạo có thể giải quyết vấn đề này với thiết kế "ngồi trên đuôi" độc đáo, New Atlas hôm 15/1 đưa tin.
Hiện nay có nhiều drone sử dụng cánh quạt ngang để cất cánh như trực thăng, sau đó chuyển sang cánh quạt thẳng đứng và cánh dài để tiến về phía trước. Dù thiết kế này hoạt động tốt, nó có thể phức tạp về mặt cơ học. Bên cạnh đó, các cánh quạt ngang sẽ tạo ra lực cản và tăng thêm trọng lượng cho drone khi không sử dụng.
Drone "ngồi trên đuôi" hoạt động theo cách khác. Đúng như tên gọi, khi cất và hạ cánh, nó dựng đứng trên đuôi và hướng mũi lên cao. Để chuyển sang chế độ bay tiến, chúng chỉ cần ngả về phía trước khi đang ở giữa không trung. Những cánh quạt đưa chúng lên khỏi mặt đất khi đó sẽ tiếp tục đưa chúng tiến lên trước.
Trang bị hai cánh quạt, Vetal là một trong những mẫu drone cất hạ cánh bằng đuôi mới nhất được tung ra thị trường. Nó có sải cánh 1,3 m, thân làm bằng sợi carbon với trọng lượng tổng cộng chỉ 3,8 kg. Hai động cơ được cung cấp năng lượng nhờ pin lithium-polymer 12 Ah có thể thay thế nhanh chóng. Nó bay được khoảng 60 phút sau một lần sạc.
Vetal được thiết kế cho các nhiệm vụ như khảo sát nông nghiệp và giám sát chung. Vận tốc tối đa khi bay tiến của mẫu drone này là 90 km/h. Nó chở được hàng hóa nặng 800 gram, ví dụ như các loại cảm biến và camera. Những thiết bị này có thể được lắp đặt hay tháo ra dễ dàng nhờ cơ chế tháo nhanh.
Sử dụng module 4G/5G, Vetal có khả năng giữ liên lạc với người vận hành trong khoảng cách 7 km. Giống với hầu hết drone công nghiệp, nó có thể được điều khiển từ xa theo thời gian thực hoặc lập trình để bay theo tuyến đường chỉ định trước. Với chế độ thứ hai, Vetal điều hướng bằng cách sử dụng kết hợp GPS (Hệ thống Định vị Toàn cầu) và GNSS (Hệ thống Vệ tinh Định hướng Toàn cầu). Mức giá ban đầu của Vetal dự kiến là 23.000 USD.
Thu Thảo (Theo New Atlas)