Chuyến bay diễn ra vào 1 giờ sáng ngày 25/9 theo giờ địa phương. Lá phổi được chở từ bệnh viện Tây Toronto tới bệnh viện Trung tâm Toronto. Kỹ sư 63 tuổi Alain Hodak trở thành người đầu tiên trong lịch sử nhận lá phổi cấy ghép vận chuyển bằng drone. Sáng kiến vận chuyển này có tiềm năng thúc đẩy tốc độ cấy ghép tạng từ người hiến tặng tới người tiếp nhận, đặc biệt ở khu đô thị. Thời gian vài phút có thể quyết định sinh tử của bệnh nhân chờ cấy ghép, đóng vai trò thiết yếu giúp đảm bảo nội tạng có thể hoạt động sau phẫu thuật.
Duy trì đủ oxy cho lá phổi và giữ cho bộ phận này hoạt động là một thách thức lớn. Trên thực tế, 80% phổi hiến tặng không thể dùng để cấy ghép vì lý do này. "Đây là một bước ngoặt đối với cả ngành hàng không và y tế", Mikaël Cardinal, phó chủ tịch chương trình quản lý hệ thống vận chuyển nội tạng ở Unither Bioélectronique, công ty phát triển drone, cho biết.
Chuyến bay tiên phong chỉ kéo dài 6 phút, nhưng nhóm kỹ sư ở Unither Bioélectronique mất 18 tháng để chuẩn bị cho drone cất cánh. Họ thiết kế một hộp chứa bằng sợi carbon siêu nhẹ có thể chịu thay đổi về độ cao, áp suất và độ rung. Các kỹ sư tiến hành nhiều chuyến bay thử nghiệm bằng hình nộm. Hộp chứa được gắn dù và hệ thống định vị trước khi sử dụng cho chuyến bay.
Tuy nhiên, lá phổi do Unither Bioélectronique vận chuyển không phải nội tạng đầu tiên chở bằng drone. Drone từng được dùng để chở một quả thận ở Baltimore năm 2019. Nhóm kỹ sư hy vọng thành công của thử nghiệm có thể mở đường cho hoạt động vận chuyển nội tạng bán tự động, giúp tăng mức độ sẵn có và phân phối hiệu quả nội tạng để cấy ghép.
Unither Bioélectronique cũng đang hướng tới mở rộng tầm hoạt động thông qua phát triển drone có thể bay xa 160 km và tiến đến 320 km. Họ dự định dùng drone để vận chuyển phổi, tim và thận trên khắp Bắc Mỹ.
An Khang (Theo IFL Science)