Bác sĩ Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, ngày 13/1 cho biết bệnh nhân không có tiền sử bệnh lý nào đặc biệt. Khi nhập viện, anh đã hôn mê sâu, huyết áp rất cao tới 230/130 trong khi chỉ số huyết áp bình thường khoảng 140/90. Anh bị chảy máu não rất nhiều.
Các bác sĩ cấp cứu, hồi sức tích cực bệnh nhân, song không thể làm gì được với tình trạng chảy máu não ồ ạt. 8 tiếng đồng hồ sau khi khởi phát đột quỵ, người bệnh không còn khả năng cứu chữa, gia đình xin đưa anh về nhà.
Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân trước đó có thể mắc bệnh huyết áp cao mà không biết. Tăng huyết áp là nguyên nhân chính gây ra tình trạng xuất huyết não nặng, dẫn đến tử vong.
Bệnh nhân này là một trong số ít ca đột quỵ trẻ tuổi được đưa vào Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, trong hai tháng cuối năm 2020. Trung tâm Đột quỵ của Bạch Mai mới thành lập hai tháng qua, tiếp nhận hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ cấp cứu, trong đó khoảng 10% dưới 44 tuổi. Người bệnh trẻ nhất trung tâm vừa tiếp nhận, chỉ mới 14 tuổi.
Bác sĩ Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, đánh giá: "10% bệnh nhân đột quỵ ở tuổi trẻ, là con số không nhỏ và đang có xu hướng gia tăng".
Trước khi thành lập Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đột quỵ tại nhiều chuyên khoa khác nhau. Đến nay, bệnh nhân đột quỵ mới được tập trung về trung tâm điều trị chuyên khoa và theo dõi riêng. Thực tế cho thấy tình trạng người trẻ bị đột quỵ đang ngày càng tăng.
Theo nghiên cứu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, tỷ lệ đột quỵ ở người trẻ tuổi tại Việt Nam tăng trung bình khoảng 2% mỗi năm. Trong đó số bệnh nhân nam nhiều gấp 4 lần bệnh nhân nữ. Bệnh nhân đột quỵ nhỏ tuổi nhất được Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 điều trị trong năm 2020 là một thiếu niên 12 tuổi.
Theo bác sĩ Tôn, phần lớn bệnh nhân trẻ tuổi nhập viện muộn, không được điều trị trong giờ vàng, giảm hiệu quả điều trị. Nguyên nhân do chủ quan, không nhận diện được các dấu hiệu điển hình của đột quỵ và quan niệm "người trẻ tuổi không bị đột quỵ".
Có nhiều nguyên nhân khiến người trẻ tuổi bị đột quỵ, theo bác sĩ Phạm Văn Cường, Trung tâm Đột quỵ não, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Thường gặp là dị dạng mạch máu não, tức tình trạng mạch máu não có các túi phình, thành mạch máu mỏng gây dễ xuất huyết não. Một số trường hợp, mạch máu bị bóc tách gây hẹp, tắc mạch, nhồi máu não.
Hút thuốc lá là nguyên nhân thứ hai thường gặp gây đột quỵ. Các chất độc hóa học trong thuốc lá như carbon monoxide, formaldehyde, arsenic và cyanide, làm thay đổi, phá hủy các tế bào, tăng nguy cơ vữa xơ, tổn thương mạch máu não.
Bác sĩ Mai Đức Thảo, Trưởng khoa Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị, cho biết áp lực công việc, mệt mỏi trong cuộc sống tăng, cũng là một nguyên nhân gây đột quỵ. Stress (căng thẳng) tăng cao, gây các bệnh tiềm ẩn như phình mạch máu não, cao huyết áp, gia tăng áp lực lên mạch máu dẫn đến xuất huyết não.
Ngoài ra còn có các nguyên nhân khác như rối loạn chuyển hóa mỡ máu, béo phì và lười vận động, tiểu đường, uống rượu bia...
Theo các chuyên gia, đột quỵ ở người trẻ tuổi có thể dự phòng nhờ thói quen sinh hoạt lành mạnh như thường xuyên vận động, tập thể dục, sinh hoạt đúng giờ giấc, tránh căng thẳng kéo dài.
Phòng bệnh bằng cách hạn chế thực phẩm gây hại cho cơ thể như đồ ăn chế biến sẵn, nhiều dầu mỡ, thức ăn nhiều muối, không uống rượu bia và chất có cồn... Khuyến khích ăn cá, trái cây, rau tươi, ngũ cốc và dầu thực vật.
Tầm soát định kỳ các bệnh liên quan tới đột quỵ như tăng huyết áp, tim mạch... Trang bị kiến thức liên quan đột quỵ, đến bệnh viện ngay khi có biểu hiện đột quỵ như đột ngột yếu liệt tay chân, méo miệng, nói khó.
Chi Lê